Nhà thầu xây dựng ở Thái Nguyên gặp khó vì giá vật tư tăng cao

NDO - Thời gian gần đây, hầu hết các nhà thầu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang lâm vào tình trạng rất khó khăn do khan hiếm đất san lấp, giá vật tư xây dựng, nhiên liệu vẫn ở mức cao. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều nhà thầu khó cầm cự, công trình chậm tiến độ, địa phương cần có giải pháp tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Mỗi ô tô chở 20m3 đất san lấp Dự án Khu đô thị Thăng Long ở phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên, nhà thầu lỗ 800 nghìn đồng.
Mỗi ô tô chở 20m3 đất san lấp Dự án Khu đô thị Thăng Long ở phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên, nhà thầu lỗ 800 nghìn đồng.

Tình trạng khan hiếm đất san lấp đẩy giá thành lên cao, cùng với đà tăng giá của vật tư, nhiên liệu đã khiến nhiều nhà thầu thi công công trình cầm chừng, thậm chí dừng thi công, không đấu thầu thi công. Nhiều công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang bị chậm tiến độ.

Cứ thi công là lỗ

Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải hiện nay đang thi công ba dự án sử dụng vốn đầu tư công, bao gồm: Khu đô thị Thăng Long ở phường Túc Duyên, Khu tái định cư số 5, phường Tân Lập đều thuộc thành phố Thái Nguyên và Khu tái định cư Đồng Tiến 2, phường Đồng Tiến, thành phố Phổ Yên với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, trong đó hai khu tái định cư phải hoàn thành vào cuối năm nay.

Các dự án khu đô thị, khu tái định cư nêu trên đều sử dụng lượng đất san lấp rất lớn, có dự án cần hàng vạn m3, nhưng thời gian qua và hiện nay đất san lấp trên địa bàn tỉnh khan hiếm nên giá thành tăng rất cao. Chủ tịch Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải Hoàng Hữu Sơn chia sẻ, khi đấu thầu, giá đất đắp tại công trình là 70 nghìn đồng/m3, nhưng thực tế hiện nay là 110 nghìn đồng/m3, cứ mười phút một ô-tô chở 20m3 đất vào công trình, chúng tôi lỗ 800 nghìn đồng.

“Mặt khác, khi đấu thầu, giá thép là 14 triệu đồng/tấn, nay lên 18 triệu đồng/tấn; cát là 220 nghìn đồng/m3, nay lên gần 300 nghìn đồng/m3; xăng là 23 nghìn đồng/lít, nay là hơn 26 nghìn đồng/lít, có thời điểm lên hơn 30 nghìn đồng/lít... Trong khi đó, tiến độ công trình thì không thể dừng lại, nếu dừng chúng tôi vi phạm hợp đồng nên càng làm càng lỗ”, ông Sơn chia sẻ.

Các nhà thầu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang phải gồng mình chống chịu với các khó khăn khác, đó là nhiều chủ đầu tư thanh toán không kịp thời, trong khi đó mua vật liệu, vật tư đầu vào, nhiên liệu chạy máy, tiền thuê nhân công đều phải trả tiền ngay nên phải vay ngân hàng, chịu lãi. Khó khăn chồng chất khó khăn.

Cần kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu

Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên đang làm chủ đầu tư nhiều dự án giao thông trên địa bàn, trong đó có 12,4km từ trụ sở Ban Quản lý di tích ATK trở ra với vốn đầu tư 120 tỷ đồng, thuộc Dự án km 31-ATK Định Hóa.

Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên Ngô Mạnh Cường cho biết: “Thời gian vừa qua và hiện nay không những giá vật tư, vật liệu, nhiên liệu tăng cao mà đất san lấp, đá dăm phục vụ Dự án km 31-ATK Định Hóa cũng rất khan hiếm, vận chuyển xa nên giá tăng hàng ngày, dự án có nguy cơ chậm tiến độ. Trong khi đó, hợp đồng gói thầu không điều chỉnh giá nên nhà thầu đang phải gánh chịu khó khăn chồng chất. Chúng tôi chỉ biết động viên nhà thầu tiết giảm chi phí để thực hiện gói thầu”.

Đường liên kết vùng Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc dài gần 40km, là dự án trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên, có tổng mức đầu tư gần bốn nghìn tỷ đồng, thời gian thi công 30 tháng, hợp đồng không được điều chỉnh giá theo thực tế mà điều chỉnh giá theo chỉ số giá tiêu dùng, nếu thời gian tới giá xăng dầu, sắt thép, đá dăm, nhựa đường... không giảm thì sẽ rất khó khăn cho các nhà thầu, dự án đối mặt với nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn chồng chất, các nhà thầu kiến nghị tỉnh Thái Nguyên giải quyết tình trạng khan hiếm đất san lấp, vì khan hiếm đất san lấp làm giá thành tăng đột biến, công trình chậm tiến độ; kịp thời thanh toán vốn theo tiến độ thi công; cơ quan quản lý cần cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật tư, vật liệu hằng tháng phù hợp với thực tế; những gói thầu có giá từ 20 tỷ đồng trở lên, thời gian thi công ngắn thì cần thực hiện hợp đồng điều chỉnh giá theo quy định.

Chủ tịch Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải Hoàng Hữu Sơn, cho biết: Nếu các vấn đề nêu trên không được giải quyết kịp thời, thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ có không ít doanh nghiệp xây dựng phá sản, công trình bị bỏ dở, nếu chọn được nhà thầu khác thì công trình cũng bị kéo dài thời gian hoàn thành, đội giá, xảy ra hệ lụy nhiều mặt.