Nhã Nam là một trong những đơn vị xuất bản có nhà sách sớm nhất, và cho đến nay, có thể nói Nhã Nam sở hữu nhiều nhà sách nhất. Những nhà sách của Nhã Nam được xây dựng thống nhất theo một phong cách riêng, với style hướng cổ điển, retro, sử dụng gam màu nhẹ nhàng, mát mắt như xanh lục, xanh dương, cách bài trí đẹp, trang nhã.
Đặc điểm chung của phần lớn các nhà sách Nhã Nam (thường có tên là Hiệu sách Nhã Nam) là bán sách gắn liền với không gian cà phê, đồ uống. Một số hiệu sách Nhã Nam có không gian rộng rãi còn trở thành nơi tổ chức sự kiện, giao lưu trò chuyện với tác giả cũng như giới thiệu ra mắt các ấn phẩm mới xuất bản.
Nhiều nhà sách của Nhã Nam đã trở thành địa điểm check-in yêu thích của các bạn đọc trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Với phong cách riêng, Nhã Nam đang biến những nhà sách của mình trở thành những điểm hẹn văn hóa thực sự đối với bạn đọc.
Nói đến nhà sách, không thể không nhắc tới Cá Chép của Công ty Sách và Lịch Đại Nam, một trong những địa chỉ “đầu ra” của sách Đông A. Không giống như Nhã Nam, thường lựa chọn những không gian nhỏ xinh, quây quần, ấm cúng, nhà sách Cá Chép tại Hà Nội phô diễn tất cả sự hoành tráng trong tòa nhà bốn tầng, nơi bạn đọc có thể tìm thấy đủ thể loại sách từ văn học, giáo dục, kinh tế…. cho đến sách chân dung, tự truyện.
Không chỉ sách, tại tầng trên cùng của tòa nhà là một không gian trưng bày lớn, chuyên dành cho các triển lãm hội họa, điêu khắc, hoặc những buổi tọa đàm, giới thiệu sách, giao lưu trao đổi về nghệ thuật, văn hóa. Không gian sách sang trọng, lịch sự cùng nhiều góc nhỏ được bài trí bắt mắt, trẻ trung, khiến cho nhà sách Cá Chép trở thành một trong những địa điểm yêu thích, được lựa chọn của các bạn trẻ.
Mới đây nhất, nhân dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, NXB Kim Đồng sau khi trở về địa chỉ cũ tại 55 Quang Trung, cũng đã cho ra mắt nhà sách mới toanh, với bài trí đẹp, lịch sự, gần gũi với bạn đọc nhỏ tuổi. Đây là nhà sách lớn nhất miền bắc của Kim Đồng, có thiết kế thân thiện, văn minh, ấn tượng.
Đặc điểm chung của những nhà sách này, là luôn có sẵn những không gian đọc sách dành cho bạn đọc “chùa” tại chỗ. Nhã Nam ở phố Tô Hiệu có nguyên một sàn gỗ, bỏ giày dép bên ngoài, bạn đọc có thể nằm, ngồi, dựa lưng và thưởng thức bất kỳ cuốn sách nào mình thích.
Độc giả Vũ Thùy Linh (quận Tây Hồ, Hà Nội), là người thường xuyên đưa các con tới đây chọn mua sách, cho biết: “Hồi nhỏ, một trong những thú vui của chúng tôi là ra nhà sách và chôn chân hàng tiếng đồng hồ ở đó để đọc những cuốn sách yêu thích. Bởi vì không phải lúc nào chúng tôi cũng đủ tiền mua tất cả những cuốn sách mình thích. Cho nên “đọc chùa” sách ở nhà sách là một trong những thú vui nho nhỏ của thế hệ chúng tôi thời khó khăn xưa kia. Ngày nay, nhiều nhà sách đã nuôi dưỡng thú vui đó của bọn trẻ, bằng cách tạo điều kiện hết sức có thể cho các em đọc ngay tại chỗ”. Thậm chí, nhiều nhà sách đã trở thành địa điểm “nghỉ hè” của nhiều bạn nhỏ, khi đến đây đọc sách hàng giờ, rời xa các thiết bị điện tử và công nghệ…
Có thể nói, những nhà sách đẹp xuất hiện ngày càng nhiều đang giống như một cuộc đua âm thầm giữa các đơn vị xuất bản. Những nhà sách như vậy đang trở thành những điểm hẹn văn hóa, không chỉ là nơi gặp gỡ của giới trí thức, những người yêu sách, mà còn là chốn qua lại của nhiều bạn trẻ, trước mắt là “check-in sống ảo”, rồi sau đó làm quen và dần gắn bó với sách.
Với cuộc đua này, phía có lợi nhất luôn là bạn đọc.