Nhà dài của người Ê-đê

Nhà dài của người Ê-đê

Ngôi nhà dài của người Ê-đê là thể hiện nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ, nó được xây dựng phù hợp điều kiện tự nhiên của vùng đất mà buôn làng đó sinh sống cộng với những yếu tố tinh thần như tập quán, tình cảm, thần linh...

Sự kết hợp này mang một nghệ thuật riêng của cộng đồng người Ê-đê. Ngôi nhà dài chừng nào, khi nhìn qua ta biết trong ngôi nhà đó có bao nhiêu thế hệ đang sinh sống, bởi trong ngôi nhà này là nơi tập hợp nhiều gia đình nhỏ theo dòng họ mẹ, đây là yếu tố quần cư cộng đồng thị tộc; hiện nay thông thường trong ngôi nhà dài có ba nhóm thành viên chính sinh sống, đó là những người phụ nữ theo dòng họ mẹ, hai là những người đàn ông thuộc dòng họ mẹ và nhóm thứ ba là những người đàn ông không thuộc dòng họ mẹ.

Theo quan niệm của người Ê-đê, ngôi nhà không chỉ là nơi cư trú của gia đình mà còn thể hiện phong cách, nếp sống, sự giàu sang, "đẳng cấp" của gia đình đó trong cộng đồng. Xét về kiến trúc, nhà dài có ba phần: Sân sàn, ngăn khách và ngăn ở. Mỗi phần đều có tác dụng riêng có của nó và mỗi ngăn phải được sử dụng theo mục đích, yêu cầu của từng ngăn, sao cho mọi người nhìn vào đều phân biệt được cả hình thức và nội dung của từng ngăn trong ngôi nhà dài. Ngay cả cửa sổ bên hông ngôi nhà, nhìn vào ai cũng biết trong ngôi nhà dài này đã có bao nhiêu phụ nữ đã lập gia đình, bao nhiêu chưa có gia đình... Ðó là nét văn hóa độc đáo mà cộng đồng dân tộc này lưu truyền, gìn giữ từ xa xưa cho đến hôm nay.

Thiếu nữ bên chiếc cầu thang nhà dài.

Sân sàn ở phía trước nhà, tiếng Ê-đê gọi là Dring gah, nơi đây thường làm nơi giã gạo, nơi ngồi trò chuyện của gia đình sau ngày lao động nên những gia đình khá giả thì được "trang bị" hai chiếc ghế để mọi người ngồi, trên mặt ghế có chạm khắc hình mặt trăng. Phía trước sân sàn trước là cầu thang lên xuống được chạm cặp vú phụ nữ, quanh cặp vú có hình đôi chim cu đất hay hình mặt trăng. Xin nói đến chiếc cầu thang trong ngôi nhà dài của người Ê-đê. Từ xa xưa chiếc cầu thang là niềm tự hào của gia đình và cộng đồng, nó là vật có hình khối cân đối làm bằng gỗ đặc ruột được đẽo vát nối tiếp nhau từ dưới đất lên đến sàn nhà, mặt phẳng của các bậc thanh thường nghiêng về bên trong và các bậc đều lên xuống đều mang số lẻ, đây là con số lý tưởng của người Ê-đê. Cầu thang thường có hai chiếc, một dành cho khách và một dành cho người nhà khi lên xuống.

Sân sàn sau, đây là lối đi riêng của những người trong nhà, du khách không được đi lối đi này. Bên cạnh hai sàn sân, người thăm ngôi nhà dài thường chú ý đến phòng ngăn khách, nơi đây diễn ra mọi sinh hoạt của gia đình lớn và là nơi để các vật dụng quý, thiêng của cả nhà.

Những gia đình giàu có, sang trọng đều "trưng" các bộ chiêng, ché hay các vật dụng đắt tiền và tại đây còn có gian bếp riêng, gọi là Kpưr gah, trong ngăn này bao giờ cũng có một chiếc ghế dài, có người gọi là ghế độc mộc, tiếng Ê-đê gọi là Kpan. Ghế được làm bằng lõi một cây cổ thụ nguyên cây, không bị sâu bệnh, ghế không được ghép, chắp với cây gỗ nào khác và chiếc Kpan thường dùng cho các nghệ nhân đánh chiêng trong những lễ hội, cúng mừng của gia đình hay cộng đồng.

Như trên đã nói, chế độ mẫu hệ chi phối đến vị thế của mọi người trong gia đình người Ê-đê, phụ nữ gần như nắm giữ toàn bộ sinh hoạt trong gia đình. Ngăn đầu tiên tính từ sân sàn sau nhà là phòng của bà chủ nhà, gian này đặt bếp nấu ăn và bầu đựng nước sinh hoạt cho cả ngôi nhà và mọi hoạt động trong ngôi nhà do bà chủ quyết định. Khi bà chủ mất hay tuổi đã già yếu thì "chức chủ nhà" giao cho cô con gái út, cho nên cô con gái út lấy chồng khi bà mẹ còn sống thì gia đình cô được sống sát gian của gian chủ nhà.

Ngôi nhà dài còn thể hiện yếu tố tâm linh, như cột cúng Yàng là chiếc cột của gian nhà bà chủ. Việc hình thành ngôi nhà dài là vấn đề quan trọng, nó được thể hiện từ chỗ bà chủ nhà mời thầy cúng thần chọn đất dựng nhà đến khi làm các chi tiết trên từng cột nhà, nhất là cột khách, cột chiêng, cầu thang... và bà chủ nhà là người chặt nhát dao đầu tiên cũng như cuối cùng lên vật dựng làm nhà.

Thông thường người Ê-đê chọn hướng nhà (hai sàn nhà) theo hướng Ðông - Tây và vị trí tốt nhất là gần bến nước, đây vừa là yếu tố tâm linh vừa là yếu tố sinh hoạt. Bà con rất ngại làm nhà mới, cho nên các gia đình thường nối thêm phía sau nhà mỗi khi chật chội.

Nhà dài Ê-đê là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng vừa là nơi sinh hoạt riêng của từng gia đình nhỏ, nơi đây tạo nên sự gắn bó, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nó gần giống như đình làng của người Việt. Hình ảnh ngôi nhà dài như con thuyền lướt sóng, chiếc cầu thang là một biểu trưng thể hiện vẻ bên ngoài đầy chất hoang sơ, mẫu hệ của người Ê-đê, đôi bầu sữa, một biểu trưng độc đáo. Từng chi tiết trong ngôi nhà dài giúp chúng ta hình dung nếp sinh hoạt, nét văn hóa của cộng đồng Ê-đê. Thiết nghĩ, chúng ta cần quan tâm đầu tư, bảo tồn một trong những nét văn hóa riêng có của người Ê-đê: ngôi nhà dài.