“39 đoản thiền để thấy” như một mối duyên tiếp nối “39 câu hỏi cho người trẻ” và “39 cuộc đối thoại cho người trẻ” của tác giả Phan Đăng, nhưng trong một hành trình mới sâu lắng và đầy chiêm nghiệm, trầm tĩnh hơn, lặng hơn và “thấy” nhiều hơn.
Là những đoản văn, ghi lại cảm nhận của tác giả bằng con mắt thiền, “39 đoản thiền để thấy” tập hợp những suy tư tưởng chừng vụn vặt, nhưng đầy sâu lắng về cuộc đời và con người của tác giả Phan Đăng. Tựa như một nốt lặng đầy suy tư trong bộn bề cuộc sống hiện đại, tác giả Phan Đăng đã gửi vào cuốn sách “39 đoản thiền để thấy” những gợi mở sâu sắc để giúp người đọc tập trung hơn vào hiện tại, trân trọng từng khoảnh khắc của đời sống.
Cuốn “39 đoản thiền để thấy” của tác giả Phan Đăng. (Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng) |
Với giọng viết giản dị, sâu lắng và đầy chiêm nghiệm, cuốn sách gợi mở những triết lý sâu sắc, những bài học mới mẻ về cuộc đời, khéo léo để lộ những điều vĩ đại đằng sau những cái đời thường, góp phần dẫn dắt người đọc hướng đến một lối sống bình tĩnh hơn, một góc nhìn cảm nhận cuộc sống đầy đủ và trọn vẹn hơn. 39 đoản thiền tựa như 39 cánh cửa, mà mỗi cánh cửa lại dẫn dắt chúng ta bước vào một chuyến hành trình diệu kỳ với nhiều ngã rẽ khác nhau: khi thì ta hóa thân thành một chiếc lá nhỏ bé, lúc lại là một đóa hoa khiêm nhường, hay đơn giản như dung nhập vào một cơn gió vô hình để ngắm nhìn đời sống.
Cuốn sách cũng đánh dấu một bước chuyển trong tư tưởng của Phan Đăng, giống như một hành trình đi tìm chính mình. Nếu trong 39 câu hỏi cho người trẻ và 39 cuộc đối thoại cho người trẻ, chúng ta bắt gặp hình ảnh của một nhà báo Phan Đăng sắc sảo trong lập luận, minh bạch trong tư duy, thì trong “39 đoản thiền để thấy”, chúng ta sẽ nhận ra một tác giả Phan Đăng vẫn sắc sảo và minh bạch, nhưng trầm tĩnh, thận trọng và chậm rãi hơn như một người giàu trải nghiệm.
Thêm vào đó, “39 đoản thiền để thấy” còn gây ấn tượng với sự hòa quyện giữa những hình ảnh minh họa đặc sắc của họa sĩ Vũ Xuân Hoàn và tư tưởng của tác giả Phan Đăng. Những bức họa đơn giản mà nhiều hàm ẩn, liên kết chặt chẽ với câu chuyện mà tác giả Phan Đăng gửi gắm.
Rất đông bạn đọc đến dự buổi ra mắt sách. |
Phan Đăng mở đầu buổi ra mắt sách của mình với một phần thiền ngắn chừng 3 phút dành cho tất cả những người đến dự. Bằng giọng hướng dẫn nhẹ nhàng, điềm tĩnh, tác giả giúp người tham dự tĩnh lặng lại, mở tâm trí và cảm xúc của mình ra, đón nhận những câu chuyện và những triết lý mà “39 đoản thiền để thấy”, đón nhận những điều anh muốn chia sẻ và muốn mọi người “thấy”.
Phan Đăng chia sẻ, cách đây 7, 8 năm, khi anh bệnh nặng và nằm trong bệnh viện, anh đã thực hành thiền và nhận ra những tổn thương bên trong mình được xoa dịu. Và anh cũng hiểu được rằng, mình nên cảm nhận về thực tế cuộc sống bên ngoài bằng tất cả những suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác của mình, thay vì “thấy” qua những cảm nhận và triết lý của người khác. Đó cũng chính là những gì anh viết ra trong cuốn “39 đoản thiền để thấy”.
Chia sẻ về cuốn sách “39 đoản thiền để thấy”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: “Đây không phải là một cuốn sách thông thường. Đây là con đường của một người đi tìm chính mình để xác thực mình và xác lập mình trong cái thế giới của chính cá nhân mình. Đấy là con đường khó nhất và cũng chính là con đường duy nhất để tìm thấy ý nghĩa đích thực của đời sống”.