Lần tìm về ký ức xa xăm, tôi nhớ rõ những ngày sau chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, khi tôi còn là một cậu bé ở một làng quê hẻo lánh Phú Thọ, cứ đêm đêm nghe văng vẳng tiếng sáo trúc. Người chơi sáo hầu như chỉ thổi một bài. Nghe đi nghe lại, tôi thuộc lòng. Âm điệu quen thuộc đến mức cứ nhìn thấy cây sáo ở đâu là tôi nghĩ đến bài hát này. Khi ấy tôi chẳng rõ tên bài là gì, chỉ biết: Ðô đô đô son lá son mì son. Ðô đô đô son lá son mi rề... Mãi sau này, khi đã bước vào hoạt động âm nhạc, tôi mới biết đó là bài Mùa hoa nở của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: "Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa. Ðây bao la ánh sáng vui chan hòa...". Ông viết bài này thời kỳ chưa kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cho đến khi lớn vồng lên, trái tim bắt đầu biết rung trước người con gái đẹp, tự nhiên tôi nhập tâm và luôn say sưa hát bài Dư âm của Nguyễn Văn Tý: Ðêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ... Tôi mê mẩn bài này đến mức suốt thời trai trẻ, cứ cầm đàn là gần như chỉ hát Dư âm.
Nói đến ca khúc Việt Nam, không thể không nhắc đến Nguyễn Văn Tý. Ông viết bài hát cứ như chẳng tốn nhiều công sức bởi mạch âm nhạc (tuyền điệu) tuôn ra rất tự nhiên, thoải mái, rồi ngấm vào lòng người nghe cũng tự nhiên như vậy. Nhưng nếu chứng kiến quá trình hình thành một bài hát của ông, sẽ thấy vô cùng cầu kỳ, công phu. Ông tỉa tót từng nốt hoa mỹ, cân nhắc từng nốt móc đơn hay có chấm giật, sửa đi sửa lại hàng chục lần một nốt, một chữ.
Giai điệu của ông như có phép thần: đã ngấm vào thì làm ta mê mẩn mãi. Hầu như bài hát nào của ông cũng được khai thác từ một chất liệu dân gian nào đó, khi nhiều, khi ít, khi gần, khi xa. Hoặc nếu không xuất phát từ một làn điệu cụ thể nào thì cũng phảng phất, có hơi hướng dân ca rõ rệt.
Ông viết nhiều bài hay, rất nổi tiếng, ai ai cũng biết, rất nhiều người thuộc lòng, như Mẹ yêu con, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Tiếng hát người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre... Còn có những bài nếu vào tay người khác khó có thể tạo nên tác phẩm, hấp dẫn như thế. Trong một đợt tổ chức cho một số nhạc sĩ đi tìm hiểu thực tế sáng tác về ngành ngân hàng, khi mà nhiều người không thể viết được hoặc viết được nhưng lại có lời ca như "khẩu hiệu", thì Nguyễn Văn Tý viết được bài Em đi làm tín dụng.
Bằng chất liệu dân ca miền núi phía bắc quen thuộc, ông sáng tác bài hát hết sức duyên dáng, với giai điệu đầy quyến rũ. Viết về nông nghiệp là điều không dễ dàng, nhất là lại gắn với miền đất cụ thể Thái Bình và với thành tích cụ thể: Tỉnh đầu tiên trong thời chiến đạt năng suất 5 tấn/ha. Ông đáp ứng yêu cầu này của Tỉnh ủy Thái Bình khi ấy với Bài ca 5 tấn. Vừa ra đời, bài hát đã nhanh chóng lan truyền khắp tỉnh Thái Bình và cả nước. Suốt một thời gian dài, nhạc hiệu buổi phát thanh Khắp nơi ca hát của Ðài Tiếng nói Việt Nam chính là giai điệu bài Múa hát mừng chiến công của Nguyễn Văn Tý. Bài hát khai thác chất liệu từ điệu Chức cẩm hồi văn - một làn điệu chèo quen thuộc. Thời chiến tranh cuộc sống mỗi người vô cùng gian khổ mà nghe âm điệu hân hoan, tưng bừng của bài hát này thì ai cũng quên mọi vất vả để vui và tin ở ngày chiến thắng.
Sau năm 1975, Nguyễn Văn Tý chuyển vào làm việc ở Viện Nghiên cứu âm nhạc, cơ sở 2 đặt trụ sở tại Sài Gòn. Từ đó đến nay, tôi không có dịp gặp lại ông. Mãi gần đây, khi có nhà xuất bản mời làm các tuyển tập ca khúc về từng chủ đề, tôi mới gắng tìm để liên hệ được với ông. Rất mừng là sau đó ông đã nhanh chóng hồi âm bằng thư gửi qua đường bưu điện. Nhìn lại nét chữ quen thuộc xưa, tuy đã có phần hơi liêu xiêu, có lẽ do tay ông đã run khi viết, bởi năm nay ông đã ngoài 80 tuổi (ông sinh năm 1925), tôi vô cùng bồi hồi. Càng xúc động hơn khi ông thông báo tin đau buồn: người vợ yêu dấu - em ruột nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương - từng đi trọn cả cuộc đời với ông đã theo người anh trai về chốn vĩnh hằng.
Nguyễn Văn Tý là một nhạc sĩ tài năng. Khối lượng tác phẩm đồ sộ của ông dường như ôm trọn nửa sau của thế kỷ 20 với một giá trị lớn về tư tưởng và thẩm mỹ. Dấu ấn của ông trong lịch sử âm nhạc Cách mạng Việt Nam thật sâu đậm.
Gần như cả đời Nguyễn Văn Tý không đảm nhiệm một chức vụ gì đáng kể, ngoài việc làm trưởng đoàn một vài đơn vị văn nghệ nhỏ từ hồi kháng chiến chống thực dân Pháp. Người ta thường nhắc một bài hát hay ông viết về Hưng Yên: Chim hót trên đồng đay. Riêng tôi, mỗi lần nghe "chim hót" lại thấy trống ngực đập rộn lên. Nguyễn Văn Tý đã để lại "dư âm" vang vọng không chỉ một thời.