Nguyên nhân một cháu tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B không liên quan việc tiêm vaccine

Ngay khi xảy ra sự việc, các cơ quan chức năng thuộc ngành y tế đã phối hợp các cơ quan liên quan điều tra xác minh nguyên nhân trường hợp tử vong; tiến hành kiểm định chất lượng, tính an toàn của lô vaccine, kiểm tra dây chuyền lạnh, kỹ thuật bảo quản, sử dụng vaccine, điều tra dịch tễ học, và giám định pháp y. Kết quả điều tra cho thấy, vaccine đạt yêu cầu về chất lượng và tính an toàn, công tác bảo quản đúng quy định không có sai sót kỹ thuật tiêm chủng, các trẻ khác tiêm cùng lô vaccine  viêm gan B với trường hợp tử vong không ghi nhận trường hợp phản ứng nào. Kết quả giám định pháp y cho thấy nguyên nhân tử vong là suy hô hấp cấp do trào ngược chất chứa dạ dày vào đường thở. Như vậy, nguyên nhân tử vong không liên quan việc tiêm vaccine, cũng như chất lượng của vaccine.

Trong nhiều thập kỷ qua, vaccine đã được sử dụng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tiêm chủng mở rộng đã góp phần làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Việc tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ em đã góp phần hạn chế sự lây nhiễm vi-rút viêm gan B từ mẹ sang con và làm giảm tỷ lệ mắc viêm gan B ở trẻ em. Do tính ưu việt của tiêm chủng phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo, tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, giúp thanh toán và loại trừ một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tuy nhiên không tránh khỏi sự trùng hợp với tử vong ở trẻ em do những nguyên nhân khác khi tỷ lệ tiêm chủng cao, số đối tượng tiêm chủng lớn. Ðể giảm thiểu những phản ứng không mong muốn do tiêm vaccine, các cán bộ y tế cần tăng cường hướng dẫn gia đình chăm sóc trẻ sau tiêm chủng và xử lý đúng, kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng.

Ngày 13-3, Bộ Y tế cho biết, tuần tới, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư phối hợp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ chính thức họp báo về nguyên nhân các ca tử vong sau tiêm vaccine gần đây. Ðáng chú ý, Bộ Y tế sẽ thành lập Hội đồng tư vấn an toàn cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tiêm chủng. Bộ Y tế cũng cho biết, bước đầu nguyên nhân chất lượng vaccine đã được loại trừ vì qua kiểm tra cho thấy, các lô vaccine được sử dụng trong thời gian qua không có dấu hiệu kém chất lượng, quá trình bảo quản và sử dụng cũng chưa ghi nhận chất lượng vaccine bị biến đổi. Ðược biết, quá trình điều tra tập trung vào ba nguyên nhân chính là: chất lượng vaccine; kỹ thuật tiêm chủng và khâu bảo quản vaccine; cơ địa và sức khỏe của đối tượng tiêm chủng.

* Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết, trong vòng một tuần qua, Viện đã phải tiếp nhận bảy trường hợp ở một số quận của Hà Nội bị tiêu chảy cấp nguy hiểm. Theo điều tra dịch tễ ban đầu, các ca mắc bệnh này đều có nguyên nhân từ việc sử dụng thức ăn không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm vi khuẩn tả.

Việc xuất hiện lẻ tẻ các ca bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm nói trên là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này có thể bùng phát trong thời gian tới. Theo các nhà dịch tễ, hiện nay vi khuẩn tả vẫn tồn tại trong môi trường, nguồn nước và đất, cho nên người dân không nên ăn mắm tôm sống, rau sống, tiết canh và các loại gỏi.