Nguy cơ tăng mạnh số ca nhiễm sau kỳ nghỉ lễ

NDO - Sự lưu hành mạnh của biến thể B.A.5 có tốc độ lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể cũ, việc giao lưu, đi du lịch nhân dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 là nguy cơ dẫn tới tăng mạnh số ca nhiễm Covid-19. 
0:00 / 0:00
0:00
Rạp chiếu phim đông khách dịp nghỉ lễ 2/9.
Rạp chiếu phim đông khách dịp nghỉ lễ 2/9.

Nguy cơ tăng mạnh ca nhiễm mới

Theo Bộ Y tế, trong nước đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.

Trong một tuần qua, cả nước ghi nhận trung bình khoảng 3.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại. Trong đó tại 3 bệnh viện là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế có hơn 400 ca. Trong số này, số ca thể nguy kịch phải can thiệp thở máy là 19%, có 14 ca tử vong và đặc biệt số ca chưa tiêm đủ vaccine chiếm 35%.

Theo Bộ Y tế, nếu như những tháng đầu năm 2022, chủ yếu các ca mắc Covid-19 ở 28 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra chủ yếu nhiễm biến thể phụ BA.1 và BA.2 thì từ tháng 6/2022 đến nay, khu vực này phát hiện thêm biến thể phụ của Omicron là BA.5 tại Hà Nội, và sau đó là tại Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An và Hải Dương.

Trong số 95 mẫu giải trình tự gene của tháng 8/2022 cho thấy có đến 60% ca Covid-19 nhiễm biến thể BA.5; có 1 mẫu nhiễm biến thể BA.2.74, còn lại là mẫu nhiễm biến thể BA.2.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.418.894 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.066 ca nhiễm).

Biến thể BA.5 của Omicron được đánh giá có khả năng chống lại các kháng thể cao hơn, đồng nghĩa rằng nếu đã từng mắc Covid-19 trước đó vẫn có khả năng nhiễm biến thể BA.5. Biến thể này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với BA.2.

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, sau dịp nghỉ lễ 2/9, việc gia tăng ca nhiễm Covid-19 là tất yếu. Bởi vì hiện nay có nhiều người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng nên không biết mình bị bệnh vẫn giao lưu ngoài cộng đồng tạo ra nguy cơ lây lan.

Nguy cơ tăng mạnh số ca nhiễm sau kỳ nghỉ lễ ảnh 1

Bệnh nhân Covid-19 nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bên cạnh đó, hiện nay việc tuân thủ khai báo, cách ly không còn nghiêm ngặt như trước nên các trường hợp bị Covid-19 nhẹ vẫn tham gia các hoạt động vui chơi dịp lễ. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ gia tăng ca nhiễm.

Một nguyên nhân nữa là do tâm lý người dân hiện nay đã chủ quan, lơ là trong phòng dịch, không tuân thủ các quy định 2K về đeo khẩu trang, sát khuẩn khi ra đường, tham gia các hoạt động ngoài trời, đến khu vui chơi, giải trí.

Dự báo số ca mắc mới sẽ tăng, nhưng ông Phu cũng nhấn mạnh dịch Covid-19 sẽ không bùng phát mạnh như trước do chúng ta đã tiêm vaccine kịp thời và biến chủng mới có triệu chứng nhẹ hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh, người dân không nên chủ quan và các địa phương cũng cần nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống dịch, không buông trôi thả lỏng. Nới lỏng nhưng vẫn phải dự phòng đồng bộ, đặc biệt trong môi trường kín, nơi tiếp xúc đông người, hoặc tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ.

Vaccine vẫn có tác dụng với biến thể mới

Dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Nguy cơ tăng mạnh số ca nhiễm sau kỳ nghỉ lễ ảnh 2

Cần tăng cường tiêm vaccine mũi nhắc lại.

Theo ông Trần Đắc Phu, hiện nay người dân có tâm lý cho rằng nhiễm Covid-19 có triệu chứng nhẹ hơn hoặc cho mình đã nhiễm Covid-19 - có kháng thể bảo vệ nên không nhiễm nữa. Có người nghĩ tiêm mũi 4, 5 sẽ phản ứng nặng hơn.

Tuy nhiên, ông Phu nhấn mạnh, việc mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ thời gian gần đây chính là thành quả do chúng ta đã tiêm vaccine kịp thời. Nhưng miễn dịch vaccine không bền vững, sau 4-6 tháng sẽ giảm đi.

"Hiện nay chúng ta đã trải qua thời gian tiêm mũi 3 được khoảng 5 tháng, đã giảm miễn dịch, cần phải tiêm mũi 4, 5 tăng cường", ông Phu khuyến cáo.

Về tâm lý cho rằng vaccine Covid-19 đang sử dụng bị biến thể mới vô hiệu hóa phần nào, ông Phu khẳng định, vaccine vẫn có tác dụng. "Các nước trên thế giới vẫn sử dụng vaccine Covid-19 được WHO cấp phép chính thức và khuyến cáo. Đặc biệt, chúng ta phải tiếp tục chú trọng tiêm cho đối tượng có nguy cơ là người già, người suy giảm miễn dịch...", ông Phu nói.

Theo TS, BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, hiện Bộ Y tế đang tập trung rà soát nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vaccine để thực hiện được tiêm vét vaccine với đối tượng chưa tiêm mũi nào hoặc chưa tiêm mũi bổ sung.

Bởi vì, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch sẽ giảm miễn dịch nhanh hơn so với người khác. Đối tượng này sự hình thành miễn dịch và sức chống đỡ giảm đi trước bất kỳ tác nhân gây bệnh nào, vì thế việc tiêm nhắc lại là cần thiết, kích thích hệ thống miễn dịch.

GS, TS Nguyễn Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, tiêm nhắc không chỉ tăng cường miễn dịch với người đã tiêm các liều cơ bản mà tiêm nhắc còn phục hồi miễn dịch để đáp ứng với biến thể mới, giảm lây nhiễm, giảm chuyển nặng và tử vong.

Hiện, Bộ Y tế đang cùng WHO, CDC Hoa Kỳ đang nghiên cứu tiêm các mũi vaccine tiếp theo để có thêm kháng thể miễn dịch.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2; giám sát sự lưu hành của virus SARS-CoV-2 để phát hiện các biến thể và các biến thể phụ khác của virus; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.

Các địa phương thường xuyên rà soát số liệu và báo cáo kịp thời, không để tình trạng báo cáo bổ sung số ca mắc với số lượng lớn dẫn đến không phản ánh đúng tình hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch.