Nguy cơ lây lan dịch bệnh viêm da nổi cục trên gia súc ở thị xã Đức Phổ

NDO - Ngày 19/3, Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) cho biết, đã chỉ đạo đơn vị chức năng của thị xã và các địa phương tập trung triển khai các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn các ổ dịch viêm da nổi cục trâu, bò phát sinh và lây lan trên diện rộng.
0:00 / 0:00
0:00
Dịch bệnh viêm da nổi cục trên gia súc gây thiệt hại nặng cho nông dân thị xã Đức Phổ.
Dịch bệnh viêm da nổi cục trên gia súc gây thiệt hại nặng cho nông dân thị xã Đức Phổ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ Trần Ngọc Sang, từ đầu năm 2024 đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 13 xã, phường, với số bò mắc bệnh là 96 con, trong đó chết, tiêu hủy là 17 con, với trọng lượng tiêu hủy 2.256 kg, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân, ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi của thị xã.

Mặc dù các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn thị xã Đức Phổ đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan trên diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Để kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch viêm da nổi cục trâu, bò phát sinh và lây lan diện rộng, Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ yêu cầu các địa phương đang có dịch bệnh phải tập trung nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch và chống dịch theo đúng quy định.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh viêm da nổi cục trên gia súc ở thị xã Đức Phổ ảnh 1

Giải pháp phòng bệnh bằng vaccine là giải pháp hiệu quả và chi phí thấp nhất.

Khẩn trương rà soát, bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục; tổ chức tiêm phòng, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số gia súc thuộc diện tiêm. Đẩy mạnh việc xã hội hóa tiêm vaccine phòng bệnh; kinh phí hỗ trợ cho lực lượng thú y và những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch; kinh phí mua thuốc diệt côn trùng.

Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức triển khai Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường; có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng.

Tổ chức đoàn kiểm tra và hướng dẫn trực tiếp việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục tại các thôn, tổ dân phố có ổ dịch viêm da nổi cục (chưa qua 21 ngày) để phối hợp với đơn vị chuyên môn tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan diện rộng.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh viêm da nổi cục, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan và các biện pháp phòng dịch bệnh; giải pháp phòng bệnh bằng vaccine là giải pháp hiệu quả và chi phí thấp nhất.

Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, khi phát hiện có trâu, bò ốm, nghi mắc bệnh phải khoanh vùng, khử trùng, tiêu độc, tiêm phòng bao vây; tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh chết theo đúng quy định.