Nguy cơ gián đoạn hoạt động nhân đạo tại Dải Gaza

Người đứng đầu Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) tại Dải Gaza, ông Thomas White, cảnh báo, các hoạt động nhân đạo sẽ chấm dứt vì không có xe chở nhiên liệu nào được phép vào Dải Gaza. Theo ông Thomas White, sáng 13/11, hai trong số các nhà thầu phụ phân phối nguồn nước chính của tổ chức này đã ngừng hoạt động vì họ không còn nhiên liệu và điều này sẽ khiến 200.000 người không có nước uống.
0:00 / 0:00
0:00
Các bệnh viện tại Dải Gaza bị tê liệt bởi cạn kiệt nhiên liệu.
Các bệnh viện tại Dải Gaza bị tê liệt bởi cạn kiệt nhiên liệu.

Thủ tướng chính quyền Palestine Mohammad Shtayyeh kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc huy động không quân thả hàng viện trợ xuống Dải Gaza. Ông Shtayyeh nhấn mạnh, nơi cần hàng viện trợ khẩn cấp là phía bắc Dải Gaza, khu vực xảy ra giao tranh khốc liệt nhất giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EU diễn ra ở Brussels (Bỉ), Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell đưa ra tuyên bố đại diện cho khối, trong đó kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hoạt động thù địch và thiết lập hành lang nhân đạo, để hàng viện trợ có thể đến được với người dân ở Dải Gaza.

Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng kêu gọi bảo đảm an toàn cho các bệnh viện ở Dải Gaza, đặc biệt bệnh viện Al-Shifa lớn nhất khu vực này, trong bối cảnh giao tranh ác liệt giữa Israel và lực lượng Hamas vẫn tiếp diễn chung quanh cơ sở y tế này. Xe tăng của Israel đã bao vây bên ngoài bệnh viện Al-Shifa.

Tình hình "thảm khốc"

Chiến sự vẫn tiếp diễn tại vùng lãnh thổ Gaza, nơi hơn một nửa trong số 2,4 triệu dân phải di chuyển chỗ ở và hoàn toàn phụ thuộc viện trợ nhân đạo để sinh sống. Các hoạt động cứu trợ nhân đạo đang diễn ra hết sức khó khăn do khu vực này bị phong tỏa.

Giám đốc Bệnh viện Al-Shifa cho biết, bệnh viện này đang là nơi trú ẩn của khoảng 7.000 người dân, chưa kể 1.500 bệnh nhân và nhân viên y tế, trong khi tình hình tại đây đã xuống mức "thảm khốc" do ảnh hưởng bởi bom đạn.

Trong khi đó, quân đội Israel thông báo triển khai "hành lang tự sơ tán", cho phép, người dân trú ngụ trong bệnh viện Al-Shifa rời khỏi cơ sở y tế này để di chuyển về phía nam Dải Gaza. Quân đội Israel cũng cho biết đã phân phát 300 lít nhiên liệu gần bệnh viện Al-Shifa để phục vụ mục đích y tế khẩn cấp. Tuy nhiên, bệnh viện này cần ít nhất 8.000 lít nhiên liệu vận hành các máy phát điện chủ chốt để có thể cứu sống hàng trăm bệnh nhân.

Lữ đoàn Al-Qassam-cánh vũ trang của phong trào Hamas đang kiểm soát Dải Gaza cho biết, đã thông báo với những nhà trung gian hòa giải về việc lực lượng này sẵn sàng trả tự do cho 50 con tin, gồm phụ nữ và trẻ em, để đổi lấy lệnh ngừng bắn kéo dài năm ngày. Theo số liệu của Israel, khoảng 240 người đã bị bắt làm con tin kể từ khi cuộc xung đột với lực lượng Hamas bùng phát hôm 7/10 vừa qua.

Nỗ lực chuyển hàng viện trợ

Cộng đồng quốc tế đang gấp rút nỗ lực để chuyển hàng viện trợ đến Dải Gaza hoặc bố trí các bệnh viện để tiếp nhận bệnh nhân từ vùng lãnh thổ này. Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc ước tính, khoảng 980 xe tải chở hàng viện trợ đã được phép vào Dải Gaza trong ba tuần qua. Tuy nhiên, con số này chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người Palestine đang bị phong tỏa tại đây.

Bộ trưởng Y tế Ai Cập Abdel-Ghaffar thông báo đã bố trí 37 bệnh viện để tiếp nhận và điều trị người bị thương từ Dải Gaza, với 13 bệnh viện trong số này đang tích cực điều trị cho các bệnh nhân.

Theo ông Abdel-Ghaffar, Bộ Y tế Ai Cập đã thành lập các ủy ban xử lý khủng hoảng và chuẩn bị các phòng cấp cứu, đề ra kế hoạch nhằm bảo đảm các dịch vụ cấp cứu, điều trị và phòng ngừa để xử lý các tình huống xấu nhất. Ai Cập cũng đã tiếp cận được bệnh viện Al-Shifa ở Dải Gaza để tiếp nhận trẻ em từ cơ sở y tế này.

Một tàu của Thổ Nhĩ Kỳ chở trang thiết bị và vật dụng để thiết lập bệnh viện dã chiến hỗ trợ người dân ở Dải Gaza đã cập cảng El Arish của Ai Cập. Đây là chuyến tàu đầu tiên chở hàng viện trợ theo hình thức này đến Ai Cập kể từ khi cuộc xung đột Hamas-Israel bùng phát. Theo một quan chức y tế của Thổ Nhĩ Kỳ, con tàu mang theo vật tư, máy phát điện, xe cứu thương để lập tám bệnh viện dã chiến.

Hoạt động viện trợ nói trên diễn ra trong bối cảnh tất cả bệnh viện ở phía bắc Dải Gaza đều phải ngừng hoạt động do cạn kiệt nhiên liệu để vận hành thiết bị và máy móc. Trong vòng hơn một tháng qua, Dải Gaza đã phải phụ thuộc vào máy phát điện cho các hoạt động của bệnh viện nói riêng, cũng như các hoạt động khác của người dân.