Nối lại hoạt động sơ tán qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập

Các nguồn tin an ninh và y tế Ai Cập cho biết hoạt động sơ tán người Palestine bị thương và người nước ngoài khỏi Dải Gaza qua cửa khẩu Rafah đã được nối lại trong ngày 9/11 sau một ngày gián đoạn vì sự cố an ninh. Theo đó, gần 700 người có hộ chiếu nước ngoài và người phụ thuộc, trong đó có cả công dân Ai Cập, đã qua cửa khẩu Rafah.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Palestine tại một trại tị nạn ở Dải Gaza. (Ảnh REUTERS)
Người dân Palestine tại một trại tị nạn ở Dải Gaza. (Ảnh REUTERS)

Ngừng bắn nhân đạo tại Dải Gaza

Hoạt động sơ tán người dân từ Gaza qua cửa khẩu Rafah được tiến hành kể từ ngày 1/11 đối với khoảng 7.000 người có hộ chiếu nước ngoài, người có hai quốc tịch cùng những người phụ thuộc và một số lượng giới hạn những người cần điều trị y tế khẩn cấp. Rafah cũng là điểm tiếp nhận viện trợ nhân đạo duy nhất vào Gaza.

Trước đó, Israel thông báo tạm dừng tấn công miền bắc Dải Gaza trong 4 giờ mỗi ngày, thông báo về việc dừng tấn công sẽ được đưa ra trước 3 giờ, để tạo điều kiện cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho Dải Gaza. Ngoài ra, Israel cũng mở hành lang thứ hai cho dân thường sơ tán khỏi các khu vực hiện đang là trọng tâm của chiến dịch quân sự chống lại Hamas. Hành lang này là một con đường ven biển nối liền với đường cao tốc bắc-nam của Dải Gaza.

Ngày 10/11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết chiến dịch chống Phong trào Hồi giáo Hamas mà quân đội nước này đang triển khai tại Dải Gaza diễn ra hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh Israel không có kế hoạch tái chiếm đóng vùng lãnh thổ của người Palestine. Ông cho rằng cần có một chính phủ dân sự hình thành ở Dải Gaza. Israel muốn bảo đảm rằng sẽ không có cuộc tấn công nào giống như vụ việc ngày 7/10 lặp lại với Israel.

Trước đó, ông Netanyahu từng đề cập rằng Israel sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh tại Gaza trong một khoảng thời gian chưa xác định. Mỹ, một đồng minh của Israel, phản đối nước này kiểm soát Dải Gaza sau khi xung đột chấm dứt đồng thời mong muốn Chính quyền Palestine (PA), hiện đang điều hành ở Bờ Tây bị chiếm đóng, sẽ trở lại quản lý Gaza.

Ngày 9/11, Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nêu rõ mọi quyết định ngừng giao tranh giữa Hamas và Israel trên Dải Gaza vì mục đích nhân đạo cần được phối hợp với Liên hợp quốc và được sự đồng thuận của tất cả các bên tham gia để có hiệu quả thực tế.

Thiệt hại kinh tế trầm trọng

Ngân hàng Trung ương Israel cho biết tình trạng thiếu lao động do cuộc xung đột giữa nước này với Phong trào Hồi giáo Hamas đã khiến nền kinh tế Israel thiệt hại ước tính 600 triệu USD/tuần, tương đương khoảng 6% GDP. Cụ thể, báo cáo ước tính Israel thiệt hại 1,25 tỷ NIS (hơn 325 triệu USD) do tình trạng đóng cửa các cơ sở giáo dục, khoảng 590 triệu NIS do 144.000 cư dân sơ tán không đi làm và khoảng 500 triệu NIS do huy động khoảng 360.000 quân dự bị.

Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), cuộc xung đột giữa Israel và Hamas cũng có thể khiến nền kinh tế của người Palestine ở Gaza và Bờ Tây bị thụt lùi hàng thập kỷ. Báo cáo của UNDP cảnh báo cuộc xung đột tới nay đã xóa sổ 61% việc làm ở Gaza và 24% việc làm ở Bờ Tây. Sau một tháng xung đột, GDP của Palestine giảm 4,2% so với ước tính trước xung đột, thiệt hại khoảng 857 triệu USD.

UNDP nhận định, cú sốc kinh tế-xã hội của cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas có thể đẩy hàng trăm nghìn người Palestine rơi vào cảnh đói nghèo. UNDP ước tính sau một tháng xung đột bùng phát tại Dải Gaza, tỷ lệ nghèo đói ở các vùng lãnh thổ của Palestine dự kiến sẽ tăng từ 26,7% lên 31,9%. Hiện toàn bộ 2,3 triệu người ở Dải Gaza đang phải sống trong tình trạng thiếu thực phẩm và đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng.

Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC) cũng cảnh báo về thảm họa nhân đạo tại Gaza. 95% dân số Dải Gaza không được tiếp cận nước sạch và 64% cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu đã phải đóng cửa. IRC nhận định, các bệnh dịch như dịch tả và thương hàn chắc chắn sẽ lây lan do thiếu nước sạch và không được tiếp cận các điều kiện vệ sinh phù hợp.

Đề xuất mở hành lang nhân đạo trên biển

Ðan Mạch ủng hộ yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) về việc được tiếp cận nhân đạo nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở ở Dải Gaza. Theo đó, trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Hợp tác phát triển và Chính sách khí hậu toàn cầu của Ðan Mạch Jannik Jorgensenat kêu gọi thiết lập các hành lang nhân đạo và tạm dừng giao tranh.

Phát biểu tại một hội nghị nhân đạo ở Paris, Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nikos Christodoulides đã công bố đề xuất về việc mở hành lang nhân đạo trên biển nhằm giúp vận chuyển hàng viện trợ tới Dải Gaza. Theo ông, hàng viện trợ sẽ được đưa qua đường biển từ Cyprus, quốc gia thành viên của EU gần nhất với Dải Gaza.

Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng tạm quyền Pakistan Anwaar Kakar đã cảnh báo về “hiệu ứng” của tình hình thảm khốc ở Gaza, có thể lan tỏa ra ngoài khu vực. Ông kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch tại Dải Gaza, đồng thời kêu gọi thiết lập một hành lang nhân đạo để hoạt động cung cấp thực phẩm, thuốc men và các mặt hàng thiết yếu khác không bị gián đoạn.