Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập hiện hữu
Báo cáo tình hình dịch bệnh trên thế giới, đại diện Bộ Y tế cho biết, Việt Nam vừa ghi nhận một số ca nhập cảnh trái phép. Để tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương có trường hợp liên quan ca nhiễm mới tiếp tục mở rộng điều tra dịch tễ, thực hiện thần tốc truy vết, cách ly y tế các trường hợp nhập cảnh các trường hợp này; lập danh sách người tiếp xúc gần và có liên quan…; tổ chức điều tra, truy vết, cách ly, xét nghiệm theo quy định.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình biên giới Tây Nam khá phức tạp bởi có cả đường bộ và đường biển; do đó, vấn đề nhập cảnh trái phép ở khu vực này đáng quan ngại. Nguy cơ có thể xảy ra đợt dịch thứ tư tại Việt Nam rất lớn.
Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định tình hình dịch bệnh trên thế giới và nhất là các nước trong khu vực diễn biết rất phức tạp. Hai ngày qua, mỗi ngày thế giới ghi nhận trên nửa triệu ca mắc mới. Vì vậy, chúng ta phải tăng cường kiểm soát nhập cảnh tại các tỉnh biên giới.
Một mặt các địa phương quản lý thật chặt, không cho nhập cảnh trái phép, mặt khác khẩn trương thực hiện theo đề nghị của Bộ Ngoại giao là có các giải pháp hỗ trợ khuyến khích các tỉnh biên giới hợp tác với các tỉnh giáp biên nước bạn, hỗ trợ bà con người Việt Nam cố gắng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của nước bạn. Trong trường hợp cần thiết phải về nước thì cần tạo điều kiện thuận lợi để bà con nhập cảnh bằng con đường hợp pháp.
Các trường hợp nhập cảnh trái phép phải xử lý thật nghiêm. Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh trên toàn quốc tham mưu chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm túc công tác nắm thông tin, tuyên truyền, vận động những người dân có người thân ở nước ngoài và cam kết nếu về thì bằng đường hợp pháp. Mọi người dân cần thông báo với cơ quan chức năng khi phát hiện người từ nước ngoài về hay người về từ vùng dịch không khai báo.
Riêng những người đi cùng trên thuyền nhập cảnh trái phép với hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ đường biển, các cơ quan chức năng yêu cầu những người này trình diện ngay lập tức, nếu không khi bị phát hiện ra dứt khoát xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
“Chúng ta phải làm rất nghiêm. Không thể vì một vài cá nhân mà gây thiệt hại rất lớn cho toàn xã hội nếu dịch lan ra”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Ban Chỉ đạo cũng phân tích rõ sau khi làn sóng dịch thứ ba ở Hải Dương đã được kiểm soát, việc có lúc nơi lỏng là tâm lý rất bình thường. Ban Chỉ đạo, Thủ tướng đã nhắc rất nhiều lần “không thể nơi lỏng, lúc tình hình tốt càng phải cảnh giác”. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương phải tiếp tục kiểm tra, đôn đốc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 căn cơ. Các địa phương cần có giải pháp hạn chế tối đa những sự kiện tập trung đông người.
Sớm có phương án triển khai "hộ chiếu vaccine"
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo cũng bàn và đôn đốc các bộ, ngành tiếp tục các giải pháp kỹ thuật để sẵn sàng tạo điều kiện cho các đối tượng có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam sau khi đã được tiêm vaccine, hay còn gọi là “hộ chiếu vaccine”.
Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế có phương án báo cáo vào lần họp sau về cơ chế, địa điểm, thời gian cách ly, xét nghiệm, theo dõi y tế đối với: Các chuyên gia, thương nhân đã tiêm vaccine hai lần, được hệ thống của Việt Nam xác nhận là loại vaccine đó đã được cấp phép hợp pháp, được tiêm bởi hệ thống cơ sở y tế bảo đảm theo quy định y tế; người Việt Nam, người có quốc tịch Việt Nam đã được tiêm vaccine và có nhu cầu về nước. Đồng thời, chuẩn bị phương án dài hạn cho những người nước ngoài muốn vào Việt Nam với mục đích giao lưu, du lịch.
Báo cáo Ban Chỉ đạo về tình hình tiêm vaccine tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, sáng nay (26-3), Bộ Y tế đã tập huấn toàn quốc để tăng cường an toàn công tác tiêm chủng cao 1 mức so với thế giới từ tiến hành sàng lọc trước tiêm, theo dõi sau tiêm đến xử lý các trường hợp phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng, để bảo đảm an toàn tối đa. Sau khi tiêm 42 nghìn liều, không ghi nhận trường hợp xuất hiện huyết khối.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc thiếu hụt nguồn cung vaccine đang là vấn đề. Việt Nam cố gắng đàm phán với các hãng, nhà sản xuất vaccine trên thế giới, thảo luận đề nghị cung ứng cho Việt Nam. Hiện nay, Bộ Y tế đang nỗ lực tiếp cận nguồn vaccine trên toàn thế giới.
Phó Thủ tướng lưu ý những vaccine phòng Covid-19 nhập khẩu về Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Chỉ những doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vaccine mới được nhập khẩu các loại vaccine này. Việc tiêm vaccine phải được thực hiện tại các cơ sở y tế thuộc ngành y tế.
Hiện nay, các công ty sản xuất vaccine phòng Covid-19 đã được cấp phép trên thế giới đều có mối liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế và Bộ Y tế mong muốn bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có quan hệ đối tác với những công ty sản xuất vaccine trên thế giới tăng cường tiếp cận để có nguồn vaccine dồi dào cho Việt Nam.
Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy thử nghiệm các vaccine nghiên cứu, phát triển trong nước theo tinh thần tiến hành các bước thử nghiệm khẩn trương nhưng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thử nghiệm và thực hành quốc tế về thử nghiệm vaccine. Đến giờ phút này, dù loại vaccine đang thử nghiệm ở giai đoạn 2, hay giai đoạn 1, hoặc chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1, thì các kết quả đều rất khả quan.
Ban Chỉ đạo cũng lưu ý, từ trước khi có vaccine phòng Covid-19, Việt Nam vẫn chống dịch tốt. Hơn nữa, để tiêm vaccine phòng Covid-19 đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng trên thế giới cũng như ở Việt Nam thì còn là một câu chuyện dài. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, ở mức cao nhất các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả như đã thực hiện từ trước đến nay.