Nguy cơ bỏ lỡ các mục tiêu phát triển bền vững

Liên hợp quốc cảnh báo, thế giới có nguy cơ bỏ lỡ các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) nếu không tăng gấp hai lần nỗ lực toàn cầu để hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu này. Theo tổ chức hợp tác lớn nhất hành tinh, nếu không đưa các SDGs trở lại đúng hướng, thế giới sẽ phải đối mặt những vấn đề bất ổn lớn hơn về chính trị, kinh tế, cũng như những thiệt hại không thể khắc phục đối với môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững tại trụ sở của Liên hợp quốc. (Ảnh: UN NEWS)
Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững tại trụ sở của Liên hợp quốc. (Ảnh: UN NEWS)

Tháng 9/2015, tất cả các thành viên Liên hợp quốc nhất trí thông qua 17 SDGs, một phần của Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững, nhằm hướng tới xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và cải thiện chất lượng cuộc sống của mọi người dân, ở mọi nơi trên Trái đất. Tuy nhiên, theo báo cáo Liên hợp quốc vừa công bố, trong số khoảng 140 mục tiêu có thể đánh giá, một nửa trong số đó cho thấy độ lệch ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng so với quỹ đạo mong muốn, trong khi hơn 30% số mục tiêu này không có tiến triển hoặc thậm chí tệ hơn là thụt lùi so với mức năm 2015.

Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về tiến độ thực hiện SDGs năm 2023 chỉ ra rằng, các tác động tổng hợp của cuộc khủng hoảng khí hậu, xung đột tại Ukraine, triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm kết hợp với tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 làm bộc lộ những điểm yếu mang tính hệ thống và cản trở tiến trình hướng tới SDGs. Đáng chú ý, những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới lại đang phải chịu những tác động tồi tệ nhất của những thách thức toàn cầu chưa từng có như hiện nay.

Theo Liên hợp quốc, chỉ riêng tác động từ đại dịch Covid-19 đã gây ra những cản trở nghiêm trọng đối với ba thập niên tiến bộ ổn định trong nỗ lực giảm nghèo cùng cực. Các chuyên gia của Liên hợp quốc dự đoán, nếu xu hướng hiện nay tiếp diễn, đến năm 2030, ước tính thế giới sẽ có khoảng 575 triệu người vẫn bị mắc kẹt trong tình trạng nghèo cùng cực và khoảng 84 triệu trẻ em và thanh niên không thể đến trường.

Đánh giá nửa chặng đường nỗ lực thực hiện các SDGs, Liên hợp quốc chỉ ra những tiến bộ nổi bật trong hàng loạt lĩnh vực kể từ năm 2015. Tỷ lệ dân số toàn cầu sử dụng điện đã tăng từ 87% vào năm 2015 lên 91% vào năm 2021. Vào năm 2022, khoảng 5,3 tỷ người trên thế giới truy cập internet, tăng 65% so với con số năm 2015. Báo cáo nhấn mạnh rằng, các thành tựu quan trọng này có thể đặt nền móng cho những bước phát triển đột phá để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người trên thế giới thông qua sự kết hợp giữa hành động tập thể và ý chí chính trị mạnh mẽ cũng như việc sử dụng hiệu quả các công nghệ, nguồn lực.

Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững khai mạc ngày 10/7 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ nhằm thảo luận những vấn đề cấp thiết đưa SDGs trở lại đúng hướng. Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC) của Liên hợp quốc, bà Lachezara Stoeva (L.Xtô-e-va) cho biết, Diễn đàn kéo dài 10 ngày với hơn 200 cuộc họp chính thức và các sự kiện bên lề tập trung xem xét việc đẩy nhanh thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 ở mọi khía cạnh, trong đó đặt trọng tâm vào một số mục tiêu như nước sạch và vệ sinh môi trường, năng lượng sạch, công nghệ, cơ sở hạ tầng, cộng đồng bền vững cũng như quan hệ đối tác vì các SDGs.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) nhấn mạnh rằng, năm 2023 là thời điểm quan trọng để tăng tốc các hành động hướng tới Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững. Khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn thành SDGs, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nêu rõ, những tiến bộ của SDGs sẽ góp phần tạo ra tương lai hòa bình và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người trên thế giới.