Người vẽ bản đồ tác chiến lịch sử Xuân Lộc 1975

Người vẽ bản đồ tác chiến lịch sử Xuân Lộc 1975

NDO - Trận chiến Xuân Lộc đánh sập cánh cửa thép ở cửa ngõ phía đông Sài Gòn là một trong những dấu ấn không thể phai mờ. Trong căn nhà trên phố Hoài Thanh (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cựu chiến binh Đàm Duy Thiên, nguyên trinh sát trẻ của sư đoàn 341-Sông Lam, là người duy nhất vẽ tấm bản đồ tác chiến tấn công vào "cánh cửa thép" Xuân Lộc, mở đường cho đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn-Gia Định năm 1975 đã kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng 4 lịch sử ở chiến trường miền nam.

NGƯỜI VẼ BẢN ĐỒ TÁC CHIẾN LỊCH SỬ XUÂN LỘC

Vào quân đội cuối năm 1972 khi chưa học xong trung học phổ thông, chàng thanh niên trẻ Đàm Duy Thiên được bổ sung vào E266 F341 (Gọi tắt là Sư đoàn Sông Lam). “Sở dĩ gọi tên Sông Lam là vì Sư đoàn được thành lập trên quê Bác”, ông Thiên kể lại.

Ngay khi vào Sư đoàn, ông được chọn làm chiến sĩ đồ bản vì có năng khiếu hội họa. Ngoài năng khiếu hội họa, tiêu chí để chọn chiến sĩ đồ bản phải có lý lịch bản thân và gia đình rõ ràng, trong sạch, trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng.

Người vẽ bản đồ tác chiến lịch sử Xuân Lộc 1975 ảnh 1

Cựu chiến binh Đàm Duy Thiên.

Đến đầu năm 1974, ông cùng đồng đội tập trung cao độ cho việc huấn luyện, chuẩn bị sẵn sàng vào miền nam chiến đấu. Đầu năm 1975, ông cùng sư đoàn lên đường hành quân vào mặt trận B2 (Đông Nam Bộ), trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trong đội hình Quân đoàn 4 trên cánh quân phía đông tiến vào giải phóng Sài Gòn-Gia Định bấy giờ.

Sau những thất bại liên tiếp trên các mặt trận Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng và miền Đông Nam Bộ, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải “tử thủ Sài Gòn”. Vì vậy, địch tổ chức tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó Xuân Lộc là “một mắt xích quan trọng quyết phải giữ”, là “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn.

Trong khi đó, thị xã Xuân Lộc là nơi được tổ chức phòng ngự, phòng thủ trọng yếu của địch (được gọi là cánh cửa thép) để bảo vệ Sài Gòn từ hướng đông, án ngữ Quốc lộ số 1 và đường 20 từ Bắc vào Nam. Nếu giữ được Xuân Lộc-Long Khánh thì tuyến phòng thủ Biên Hòa-Bà rịa-Vũng Tàu không bị uy hiếp, quân địch sẽ giữ được Sài Gòn-Gia Định. Địch đã tung lực lượng lớn để giữ Xuân Lộc.

Muốn thực hiện mục tiêu giải phóng Sài Gòn-Gia Định trước mùa xuân, ta phải đập tan hệ thống tuyến phòng thủ cực kỳ kiên cố của địch đó là thị xã Xuân Lộc, từ đó mới có không gian rộng để triển khai lực lượng từ miền bắc vào đánh. Và để bước vào trận đánh, một nhiệm vụ tối quan trọng là phải xây dựng được bản đồ quyết tâm chiến đấu.

Bản đồ này là cơ sở để cấp trên chỉ huy, có quyết tâm chính xác, phải có cơ quan tham mưu, tác chiến giúp việc bằng cách nhận định, phân tích đánh giá địch-ta, kể cả không gian chiến trường (địa hình). Từ đó, đề xuất phương án tác chiến chính xác, được thể hiện trên bản đồ đúng ý định. Đây là khâu quan trọng quyết định kết quả chiến đấu.

Người vẽ bản đồ tác chiến lịch sử Xuân Lộc 1975 ảnh 3

Giá trị của bộ bản đồ đã giúp cho người chỉ huy có căn cứ theo dõi, giao nhiệm vụ cho cấp dưới, người chỉ huy cấp dưới thực hiện nhiệm vụ cụ thể và triển khai cách đánh của đơn vị mình được kịp thời chính xác. Bộ bản đồ quyết tâm chiến đấu thể hiện được toàn bộ tầm nhìn, trí tuệ, nghệ thuật tác chiến của tập thể lãnh đạo, của người chỉ huy bộ đội ta trong chiến đấu để bảo đảm thắng lợi hoàn toàn.

Khi đó, người lính trẻ Đàm Duy Thiên được tín nhiệm là người duy nhất vẽ bản đồ Xuân Lộc. Dù nhiều lần cầm bút vẽ bản đồ tác chiến huấn luyện, nhưng nhiệm vụ ở trận chiến Xuân Lộc vẫn khiến chàng thanh niên 19 tuổi không khỏi căng thẳng.

"Ở trận Xuân Lộc, khi đến địa bàn mới, được nhiều thông tin về phía địch từ các trinh sát gửi về, tôi phải cố gắng thu thập, quan sát và vận dụng trí nhớ của mình kết nối mọi dữ liệu. Lúc ấy, chỉ huy nói đến đâu phải ghi chép ngay đến đó. Ngoài ra, khi các đơn vị, bộ phận đi trinh sát báo về cũng cần nắm thông tin rồi thể hiện trên bản đồ chính xác", ông Thiên bồi hồi kể.

Chỉ trong hơn một tuần, người lính trinh sát chưa đầy 19 tuổi đã vẽ hoàn chỉnh tấm bản đồ.

Người vẽ bản đồ tác chiến lịch sử Xuân Lộc 1975 ảnh 4

Bản đồ trận Xuân Lộc do cựu chiến binh Đàm Duy Thiên hoàn thiện.

Trong những ngày đầu tại trận Xuân Lộc, dù chiếm được một số mục tiêu trong thị xã, nhưng bộ đội ta vẫn chưa diệt gọn được các lực lượng của địch. Trước tình hình đó, chiến thuật tấn công có những thay đổi, khiến bản đồ thực chiến phải linh hoạt theo kế hoạch mới của cấp trên.

"Mỗi ngày, tôi thường xuyên lắng nghe ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo chỉ huy để cập nhật tình hình, dùng những nét chì để điều chỉnh bản đồ kịp thời, chính xác. Để bảo đảm an toàn, chúng tôi vẽ bản đồ ngay dưới hầm, có những lúc không đủ ánh sáng, tôi phải dùng cả đèn pin hoặc đèn bão để vẽ", ông Thiên kể lại.

Bản đồ do người chiến sĩ trẻ Đàm Duy Thiên thực hiện gấp rút đã góp phần quan trọng để sau 12 ngày đêm tiến công ác liệt, quân ta đập tan bức tường thép phòng thủ bất khả xâm phạm của địch, mở toang cánh cửa phía đông cho lực lượng hùng hậu của quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn-Gia Định, tạo nên một mùa xuân lịch sử.

Người vẽ bản đồ tác chiến lịch sử Xuân Lộc 1975 ảnh 5

Ông Đàm Duy Thiên (thứ 3 từ trái sang) gặp gỡ các đồng đội.

Từng "vào sinh ra tử" ở chiến trường Xuân Lộc, Đại tá, cựu chiến binh Lê Tiến Hạt, nguyên Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 266 vẫn không quên hình ảnh về "em út" Đàm Duy Thiên.

Theo ông Hạt, bản đồ tác chiến trước mỗi trận đánh có ý nghĩa rất quan trọng. Những người cầm bút như ông Thiên phải thể hiện chính xác trận địa tấn công của ta thế nào, trận địa phòng ngự của địch ra sao để cấp trên vạch kế hoạch tác chiến. Nếu vẽ sai chỉ một chút, quân ta có thể sẽ không đánh trúng mục tiêu hoặc sẽ gặp những tổn thất lớn.

"Sở chỉ huy Trung đoàn trong thời chiến là những mô đất được công binh đào thành hầm, hào. Địa thế phức tạp, gồ ghề như vậy là thử thách không nhỏ cho người vẽ bản đồ. Ngoài ra trong quá trình tác chiến quân đội phải di chuyển liên tục. Dù khó khăn như vậy, đồng chí Thiên vẫn tỉ mỉ, cẩn thận, ghi chép đầy đủ và kịp thời các vị trí tiến công trên bản đồ", ông Hạt kể lại.

BÁC SĨ QUÂN Y CỦA ĐỒNG ĐỘI

Ông Thiên kể, hồi còn bé, ông thường xuyên đau ốm phải nghỉ học để điều trị bệnh, nhưng bù lại ông khéo tay, đam mê hội họa. Những năm tháng sống trong khói đạn bom lửa, được tận mắt nhìn những đồng chí thương binh, những đồng chí đồng đội nằm trên giường bệnh, ông ước có một ngày mình thi vào ngành y để có điều kiện khám chữa bệnh cho đồng chí, đồng đội và nhân dân trên đất nước thân yêu của mình.

Người vẽ bản đồ tác chiến lịch sử Xuân Lộc 1975 ảnh 6

Ông Đàm Duy Thiên (trái) đã thực hiện được nguyện vọng trở thành bác sĩ quân y chăm sóc sức khỏe cho đồng đội.

Trong chiến dịch Xuân Lộc, anh em đồng đội thương vong, bị thương rất nhiều, tuy đã được sơ cứu nhưng không qua khỏi. Tất cả điều đó đã để lại cho ông một trăn trở, tiếc rằng mình không phải là bác sĩ, thế nên ông khát khao được vào ngành y.

Còn với bản thân ông, sau khi giải phóng miền nam, ông cùng đồng đội của mình tham gia làm quân quản. Thời điểm đó, dịch sốt xuất huyết rất nhiều, ông bị sốt cao, nhưng từ Trường Sơn trở về thành phố, ông cứ nghĩ mình bị sốt rét nên chỉ uống thuốc sốt rét.

"Lúc đó, ở chiến trường ai cũng được nhận thuốc sốt rét, tôi càng uống càng bệnh nặng, phải nhập viện cấp cứu. Tôi thầm nghĩ, nếu mình là bác sĩ thì không thể nào mắc sai lầm như thế được", ông Thiên chia sẻ.

Sau khi giải phóng miền nam, ông Đàm Duy Thiên được cấp trên gửi ra Trường Văn hóa Quân đội, đóng tại Lạng Sơn để học văn hóa. Năm 1978, ông thi đỗ Đại học Quân y (từ năm 1981 là Học viện Quân y), đúng như nguyện vọng của ông để có thể tự chăm sóc cho bản thân và các đồng đội.

Người vẽ bản đồ tác chiến lịch sử Xuân Lộc 1975 ảnh 7

Tốt nghiệp, ông được Học viện giữ lại làm bác sĩ điều trị, phẫu thuật sọ não và cột sống kiêm giảng viên hướng dẫn thực hành cho học viên tại Viện Quân y 103 (nay là Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y).

Với ý thức không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, ông đi học thạc sĩ, rồi nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài liên quan đến căn bệnh tai biến mạch máu não.

Sau này, ông được điều chuyển về Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương chăm sóc cho các cán bộ, một thời gian sau thì ông tiếp tục được điều chuyển về Ban Tổ chức Cán bộ Trung ương Đảng và làm việc tại đó đến khi nghỉ hưu.

Ở tuổi 70, cựu chiến binh Đàm Duy Thiên bày tỏ niềm hy vọng thế hệ trẻ ngày nay sẽ luôn biết ơn, trân trọng những công lao to lớn mà thế hệ cha ông đã tốn biết bao trí tuệ, sức lực, xương máu để đất nước có được ngày hôm nay. Từ đó, lớp trẻ phải sống có lý tưởng, tự tin và hoài bão.

“Hiện nay, có một số bộ phận thanh niên bị phai nhạt lý tưởng cách mạng, chạy theo lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân quá cao, vì vậy, tôi kỳ vọng thế hệ trẻ Việt Nam hãy luôn mang trong mình tinh thần xung kích tiên phong trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trên các mặt trận khác như khoa học, kỹ thuật, công nghệ”, ông Đàm Duy Thiên nói.

back to top