Tạo dựng sản phẩm du lịch mới
Dù đã hẹn trước nhưng chúng tôi chỉ có khoảng hơn 20 phút để trao đổi với doanh nhân trẻ Bùi Anh Tiến, đại biểu HĐND tỉnh Điện Biên khoá 15, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 về những điều anh trăn trở và dự định trong thời gian tới để phát triển du lịch tỉnh Điện Biên.
Bùi Anh Tiến bắt đầu câu chuyện với lý do vì sao anh chọn Điện Biên để lập nghiệp: Bố mẹ tôi sống và lập nghiệp ở mảnh đất này gần 50 năm từ khi là một xí nghiệp nhỏ đến tổng công ty lớn như hiện nay. Với tình yêu và sự hy sinh rất lớn của ông bà cho mảnh đất Điện Biên, tôi là thế hệ thứ 2 cũng bị thấm nhuần văn hóa đó.
Chính vì vậy sau khi học xong ở nước ngoài tôi quyết định theo nghiệp bố quay về cống hiến cho tỉnh Điện Biên, quê hương thứ 2 của gia đình, với quyết tâm đưa du lịch tỉnh Điện Biên phát triển sớm hòa nhập với khu vực và thế giới.
Như các bạn đã biết, thời buổi hiện nay không có gì kết nối với nhau nhanh bằng truyền thông, bây giờ chúng ta ở đâu cũng du lịch được. Du lịch Điện Biên có một điểm yếu là lữ hành, ngành du lịch chỉ đem được khách của Điện Biên đi, tức là công ty lữ hành đưa khách từ Điện Biên đi tham quan các địa điểm du lịch trên cả nước nhưng ngược lại chưa kéo được khách du lịch đến với Điện Biên.
Chính vì vậy tôi đã thành lập và vận hành Công ty lữ hành bán các tour, tuyến du lịch cho các địa phương đến Điện Biên trải nghiệm như tham quan A Pa Chải, City tour về lịch sử, lễ hội hoa ban, check-in một số địa điểm mà không phải ai cũng biết. Xây dựng các chương trình cho khách nước ngoài và trong nước có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa đặc trưng địa phương.
Năm 2024 là một cơ hội rất lớn của tỉnh Điện Biên và những người làm du lịch cũng như những người muốn làm du lịch ở Điện Biên, cũng là năm mà tỉnh Điện Biên được chọn là năm Du lịch quốc gia. Là một tỉnh nghèo và còn khó khăn thì sẽ rất lâu nữa mới có được cơ hội tiếp theo.
Chính vì vậy phải làm gì để thu hút du khách đến với Điện Biên xuyên suốt cả năm cũng như những năm tiếp theo chứ không phải đến một lần rồi không quay trở lại. Đó chính là trăn trở của Bùi Anh Tiến cũng như những đơn vị làm du lịch.
Theo anh Bùi Anh Tiến: “Chúng ta biết đến Điện Biên qua các thông tin đại chúng và tour du lịch lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tận dụng lợi thế sẵn có, năm 2024, chúng tôi tổ chức các hoạt động cụ thể hơn để du khách đến Điện Biên sẽ hiểu về bản sắc, văn hóa con người nơi đây như ngày hội dân tộc H’Mông và ngày hội dân tộc Thái. Trước mắt sẽ dựng lại và mô phỏng các phiên chợ truyền thống của người Thái và H’Mông để du khách có thể trải nghiệm; đồng thời trưng tập thu, mua, đổi những đồ dùng cũ, không dùng của đồng bào dân tộc bản địa sang đồ mới.
Thí dụ cái cối giã được bà con đẽo từ thân cây hay mâm xôi bằng cả thân cây cắt ngang giống như cái thớt có tay cầm. Hiện nay bà con không muốn dùng đồ cũ nữa nhưng với người cần tìm hiểu về văn hóa thì họ không có. Đồ cũ thu về sẽ dùng để xây dựng bảo tàng của người Thái đen. Với dân tộc H’Mông, anh Tiến dự kiến xây dựng khu nghỉ dưỡng theo kiểu người H’Mông, trên đỉnh Pú Vạp cao hơn 1.000m so với mực nước biển là dinh thự một thời xa hoa bậc nhất vùng Tây Bắc ở thị xã Mường Lay, khí hậu ở đây rất tốt.
Thời gian tới, nhóm anh Tiến còn đầu tư khôi phục và dựng lại những căn nhà 100 tuổi trở lên dự kiến 38-40 nhà để tạo thành một khu làng Thái cổ quanh khu suối khoáng nóng Uva. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm ở tại nhà người Thái cổ, đồng thời trải nghiệm tắm nghỉ dưỡng ở suối khoáng nóng. Làm du lịch phải phục vụ nhu cầu về tiêu dùng chứ không phải nhu cầu xem của du khách.
Mới đây nhất tỉnh Điện Biên đã mời nghệ nhân và diễn viên phục dựng Huyền tích Uva. Thực cảnh Huyền tích Uva là sản phẩm du lịch mới nằm trong khuôn khổ Lễ hội Hoa ban và khai mạc Năm du lịch quốc gia Điện Biên 2024.
Với thời lượng gần 40 phút, show diễn mang đến cho du khách những câu chuyện của người dân tộc Thái từ các dấu ấn cổ xưa, huyền tích, đến các nét văn hóa gắn liền với đời sống của dân tộc này.
Anh Bùi Anh Tiến (người đeo kính) trao đổi với công nhân thi công dãy nhà sàn của người Thái cổ. (Ảnh MỸ HÀ) |
Điểm đặc biệt của show diễn thực cảnh này là sự góp mặt của gần 60 diễn viên quần chúng tại xã Noong Luống cùng với 20 diễn viên chuyên nghiệp. Họ đã cùng tái hiện huyền tích lịch sử và các vũ điệu dân gian độc đáo của dân tộc Thái tại bản Uva nói riêng và dân tộc Thái, tỉnh Điện Biên nói chung.
Với vai trò Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh, anh Bùi Anh Tiến và đơn vị thường xuyên tổ chức các hội thảo, chương trình hợp tác du lịch, mời các địa phương trong toàn quốc đến với Điện Biên, thông qua đó các đơn vị sẽ đưa du khách đến Điện Biên. Thực tế mảnh đất này, ngoài các di tích lịch sử còn rất nhiều những điểm chúng ta có thể đặt chân đến trải nghiệm và khám phá.
Là đại biểu HĐND tỉnh khóa 15, Bùi Anh Tiến cũng là cầu nối của người dân, cử tri với chính quyền địa phương. Tỉnh Điện Biên còn nghèo, kinh phí không nhiều, chính vì vậy cán bộ chưa thể phủ khắp địa bàn khi có vấn đề phát sinh người dân chính là kênh thông tin nhanh nhất, họ sẽ phản ánh đến với anh, mỗi phản ánh của người dân anh đều ghi nhận và sớm có ý kiến với lãnh đạo UBND, HĐND tỉnh để có hướng giải quyết.
Người trẻ dám nghĩ, dám làm
Lên Điện Biên lập nghiệp, anh Hoàng Văn Dán, bản Bua, xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ đã có thu nhập kinh tế ổn định nhờ trồng dâu tây loại quả mọng trái nhiều dinh dưỡng. Sau khi nghiên cứu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Mường Phăng, tương đồng với huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Anh Dán quyết định đầu tư thuê đất, trồng thử vài trăm mét vuông dâu tây.
“Lúc đầu tôi không định trồng dâu đâu, nhưng được sự ủng hộ của vợ và UBND xã tôi đã có động lực để thực hiện bài toán kinh tế này”, anh Dán chia sẻ.
Với kinh nghiệm học hỏi trên internet và những người bạn ở quê hương Mộc Châu, vườn dâu tây của anh Dán phát triển tốt.
Từ những thành công bước đầu, người dân ở Điện Biên đã biết nhiều hơn đến dâu tây tại Mường Phăng, nhưng để người tiêu dùng yên tâm vào chất lượng sản phẩm dâu tây Mường Phăng thì phải đơn vị đứng ra bao tiêu, sản phẩm sau thu hoạch phải có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ thì bán mới được giá.
Chính vì vậy, anh Dán đã liên kết với các hộ dân và gia đình đoàn viên thanh niên xã Mường Phăng để mở rộng diện tích trồng.
“Đất ở đây rộng, bà con thì thiếu việc làm. Thanh niên vẫn phải đi làm thuê, tại sao mình không liên kết để mở rộng diện tích dâu tây, bà con vừa có thêm thu nhập, mà sản phẩm dâu tây Mường Phăng sẽ tăng lên”, anh Dán chia sẻ.
Với quyết tâm tạo ra một sản phẩm nông nghiệp sạch đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Dán quyết định thành lập Hợp tác xã Dâu tây Mường Phăng. Nhưng để người dân tin tưởng cùng góp đất, mở rộng diện tích dâu tây, cuối năm 2021, anh Dán quyết định thuê thêm 2.500 m2 đất ruộng một vụ để mở rộng diện tích trồng dâu tây.
Vườn dâu tây được anh Dán đầu tư tỉ mỉ, từ khâu làm đất, chọn giống đến khi xuống giống. Ngoài việc đầu tư về ngày công cho các khâu sản xuất, giống, vật tư nông nghiệp, anh Dán còn đầu tư thêm cả bạt phủ, hệ thống đường ống tưới tự động và một số vật liệu, phương tiện khác phục vụ cho sản xuất.
Theo anh Dán thì cây dâu tây, chi phí ban đầu cao nhưng bù lại, cây này cho nguồn thu nhập đa dạng. Bắt đầu từ tháng 11, nhà vườn bán cây dâu tây làm cảnh, từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau thì bán quả. Thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 có thể bán cây làm giống. Chỉ tính bán quả tươi, nhà vườn cũng có thể đem lại lợi nhuận cao.
“Vườn dâu tây của tôi chỉ 3.000 m2 nhưng vụ này dự kiến sẽ thu hoạch hơn 3 tấn quả. Dâu tây của vườn được chia ra làm 3 loại bán với 3 giá khác nhau, từ 80 đến 160 nghìn đồng/kg. Sản phẩm dâu tây ngoài bán lẻ cho khách du lịch, hiện nay phần lớn sản phẩm sau thu hoạch đã khẳng định thương hiệu và có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn ở thành phố Điện Biên Phủ” anh Dán cho biết.
Trước đây, nói đến dâu tây mọi người thường nhắc đến cái tên quen thuộc như: Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), thành phố Sa Pa (tỉnh Lào Cai) hay các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn của tỉnh Sơn La. Thế nhưng hiện nay, cái tên dâu tây Mường Phăng đã dần trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng trong tỉnh.
Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, Lò Văn Hợp chia sẻ: Anh Hoàng Văn Dán với lối tư duy mới, tinh thần kiên quyết dám nghĩ dám làm bước đầu đã thành công trong phát triển kinh tế, ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho người dân cũng như các đoàn viên thanh niên ở Mường Phăng đem đến cuộc sống ổn định hơn cho các hộ gia đình tại đây.
Sinh ra và lớn lên ở Điện Biên, Bùi Anh Tiến và Hoàng Văn Dán vẫn luôn hằng ngày cống hiến cho mảnh đất anh hùng quê hương.
Với Bùi Anh Tiến, anh luôn trăn trở làm sao để có thật nhiều du khách đặt chân đến với Điện Biên không chỉ du lịch lịch sử vào mỗi tháng 5 mà có thể đến vào tất cả các tháng trong năm.
Với Hoàng Văn Dán, anh mong muốn trong thời gian tới sẽ được UBND xã hỗ trợ kinh phí và cây giống để mở rộng sản xuất, hợp tác xã có đông thành viên và thu nhập cao hơn, dâu tây Mường Phăng sẽ sớm có mặt tại các địa phương khắp cả nước.