Xuyên rừng A Pa Chải

Có những chuyến đi chỉ để trải nghiệm, hoặc thử khả năng chịu đựng bản thân. Lại có chuyến đi thú vị đến bất ngờ mà chỉ những người thích sự chuyển dịch mới hào hứng, như hành trình xuyên rừng A Pa Chải (xã Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên).

A Pa Chải có những dốc cao... Ảnh: D. HIẾU
A Pa Chải có những dốc cao... Ảnh: D. HIẾU

Đường nhựa đã "bò" vào đến trung tâm xã, nhưng quãng đường đi hơn 200 km từ thành phố Điện Biên vào Sín Thầu bằng xe máy vẫn khiến nhiều bạn trẻ mệt lả. Có người đã từng hỏi chúng tôi tại sao cứ phải "đi bụi" cho mệt người? Không, chúng tôi không "đi bụi". Chúng tôi đi để khám phá và những hành trình là cuộc sống. Mệt nhưng vui. Mệt mà ý nghĩa.

Giờ thì không phải đánh vật với đường xấu, nhưng phải dè chừng những khúc cua gấp. Bao giờ cũng thế, khi biết mình vào đến Sín Thầu, được hít thở không khí nơi miền biên viễn xa xôi thì tự nhiên một cảm giác thiêng liêng trỗi dậy, mỗi người lấy lại can đảm để đi bộ xuyên rừng vào sáng hôm sau.

Từ Đồn Biên phòng A Pa Chải lên đỉnh núi Khoang La San - cao đến 1.865 m so với mực nước biển, nơi dựng cột mốc số 0, điểm ngã ba biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào, chỉ khoảng 10 km nhưng không phải ai cũng dám đi. Mà đã dũng cảm dám đi thì sẽ có ấn tượng không quên.

Đầu tiên là phải vượt qua những đồi cỏ lau mọc um tùm, giăng giăng bên lối mòn lởm chởm đá trơn trượt. Khí hậu miền biên viễn đỏng đảnh, nắng đấy rồi cũng mưa luôn. Mưa là một cản trở rất lớn cho hành trình. Đã đi thì chẳng ai muốn bỏ cuộc. Bởi có thể đến khu rừng thưa, trời lại quang mây, hửng nắng. Ấy thế, bạn cũng đừng mừng vội, bởi chút nữa thôi, khi vào khu rừng nguyên sinh vô cùng ẩm ướt, có thể sẽ bị vây lấn bởi sương mù.

Vậy điều gì đặc biệt khiến hành trình trở nên hấp dẫn? Không, A Pa Chải cũng chẳng có gì quá đặc biệt, mà tự trong lòng thấy cần phải khám phá và chinh phục đường mòn đi dưới những tán cây. Cái lạ là khiến tôi biết mình đang cần gì. Tôi và nhóm tận hưởng cảm giác chân rã rời mỏi, ngực phập phồng thở nhưng đầu óc lại hứng thú với những chùm hoa phong lan cứ buông rủ lên lối đi, như được tách ra từ lớp vỏ xù xù của cổ thụ. Thi thoảng, những con suối chui lên từ lòng đá, róc rách chảy, nuôi nấng những thân rêu xanh mượt như thảm nhung. Bạn tôi thốt lên, không phải vì ngạc nhiên, mà vì thấy thiên nhiên quá hào phóng. Chúng tôi có những giây phút sống hòa với thiên nhiên và đặc biệt tất cả đều biết mình chẳng uổng công.

Cả nhóm lại vịn cây, kéo tay nhau vượt qua dốc đá, hướng đến đích hành trình. Chim hót giục những bước chân nhanh và vững chãi. Chúng tôi còn hát nữa. Chim chóc và lá rừng cùng hợp âm. Cây cối biết cổ vũ. Cuối một bài hát trữ tình, cũng là lúc đã gần trưa, thì trước mắt là đỉnh núi. Cả nhóm reo lên: Cột mốc số 0 đây rồi! Nhóm đứng lại, nghiêm, cúi chào cột mốc. Từ đây, phóng tầm mắt ra ba phía và cảm nhận sự khác biệt của không gian ba nước. Trong mầu xanh bất tận của núi rừng, tôi thấy mình bé nhỏ. Mọi cảm giác mệt mỏi tan biến, nhường chỗ cho lòng tự hào và biết ơn công lao các chiến sĩ biên phòng đã tuần tra, canh gác cột mốc, giữ cho một vùng bình yên.

Rừng A Pa Chải có phong cảnh hữu tình và những dốc cao đáng nhớ. Buổi chiều quay về, chim chóc hót lời tạm biệt. Chúng tôi lại thấy có dũng khí, để tiếp tục dấn thân vào những cuộc hành trình đầy thách thức và cũng đầy hứng khởi như thế.