Là một trong những nông dân xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) tiên phong trong sản xuất nông nghiệp theo mô hình xanh-sạch-bền vững, nhiều năm nay, gia đình ông Phạm Văn Dưỡng ở thôn Hoàng Yên, đã có nguồn thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm từ nuôi cá, kết hợp với chăn nuôi và trồng các loại cây ăn quả như: cam, xoài, mít, bưởi...
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Văn Dưỡng cho biết: "Sau khi đi tham khảo các mô hình tại nhiều địa phương và tham khảo nhu cầu người tiêu dùng trong tỉnh, tôi nhận thấy lợi thế của gia đình có quỹ đất để phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, do vậy tôi đã quyết định đào ao thả cá làm nền tảng rồi từ đó phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phần đất khác trên bờ thì phát triển cây ăn quả để phát triển kinh tế".
Theo quy trình này, phần vốn đầu tiên ông Dưỡng dành để đào ao thả cá; quanh bờ ao trồng rau, các loại cây ăn quả bằng cách tận dụng nguồn nước trong ao làm nước tưới hằng ngày. Cùng với đó, ông nuôi thêm lợn, gà, vừa có thực phẩm cho gia đình, vừa có nguồn phân chuồng để ủ mục phục vụ trồng cây ăn quả. Làm theo cách này, mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu về hơn 500 triệu đồng.
Điều đặc biệt là cá, gà, rau và hoa quả của gia đình sản xuất ra đến đâu đều có người đặt mua đến đó, vì họ được tận mắt thấy cách chăn nuôi, trồng trọt theo quy trình xanh, tuần hoàn, hạn chế tối đa sử dụng các loại thuốc, hóa chất.
Cũng là người chủ động phát triển kinh tế bằng sản xuất nông nghiệp sạch, anh Ngô Xuân Đức ở bản Huổi Phạ, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ đã mạnh dạn đầu tư trồng dưa lưới thủy canh kết hợp với trồng dưa trong nhà màng, đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Mô hình trồng dưa lưới của gia đình anh Đức đã tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng dưa cũng ngon hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Anh Ngô Xuân Đức, cho biết: "Đầu tư vốn nhiều hơn, nhưng mô hình trồng dưa trong nhà màng lại ít bị sâu bệnh hại, do vậy gần như không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vừa đỡ tốn kém mà lại bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dùng. So với các phương pháp trồng truyền thống, trồng trong nhà màng độ an toàn cao hơn; người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi sử dụng nên dù giá cao hơn thì họ vẫn lựa chọn".
Cùng suy nghĩ, quan điểm sản xuất nông nghiệp sạch như anh Đức, đã 5 năm gần đây, ông Phan Trọng Nhất, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Trà Phan Nhất Điện Biên đều lựa chọn các sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường để chăm sóc, sản xuất các sản phẩm trà sạch theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Tất cả sản phẩm của công ty đều chỉ sản xuất đại trà sau khi đã được cơ quan chức năng chứng nhận về bảo đảm chất lượng, an toàn với người sử dụng.
Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng bền vững đã trở thành mục tiêu mà tỉnh Điện Biên hướng tới. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, có tính cạnh tranh cao; đồng thời hướng tới phát triển các sản phẩm thế mạnh thành sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP...
Theo thống kê sơ bộ, đến nay, nhiều mô hình kinh tế mới, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã và đang hình thành, từng bước tạo nên một nền nông nghiệp hiệu quả, hiện đại, bền vững. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, điển hình như: mô hình rau của Hợp tác xã Si Pa Phìn ở huyện Nậm Pồ; trồng mắc-ca theo chuỗi liên kết tại huyện Tuần Giáo; trồng rau an toàn ở Thèn Pả, xã Sa Lông (huyện Mường Chà). Với kết quả khả quan của các mô hình, ngành đã tham mưu các huyện tiếp tục nhân rộng để xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân làm giàu trên chính quê hương mình.
Sản xuất theo mô hình nông nghiệp sạch, cuối năm 2023, toàn tỉnh Điện Biên có 77 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và trở thành sản phẩm chủ lực, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn lên 26 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn xuống còn gần 37%.
Thời gian tới, Điện Biên xác định tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và từng bước nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân.