Theo đó, thời gian ưu đãi của gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn. Riêng thời gian ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong 3 năm chỉ phù hợp với các dự án quy mô trung bình nhưng chưa phù hợp với các dự án quy mô lớn.
Lãi suất của gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng lên đến 8,2%/năm là quá cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp đô thị. Chẳng hạn, trường hợp căn hộ nhà ở xã hội có giá 1 tỷ đồng, thanh toán trước 20% là 200 triệu đồng và được vay 80% là 800 triệu đồng, với lãi suất 8,2%/năm thì chỉ riêng việc trả lãi vay năm đầu tiên người vay phải trả bình quân 5,46 triệu đồng/tháng, đồng thời còn phải trả một phần nợ gốc.
Theo Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng này về bản chất không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội, mà chỉ là gói tín dụng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay thông thường dành cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư. Nhưng do Ngân hàng Nhà nước sử dụng cụm từ “thời gian ưu đãi”, “lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi”, “lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi” đã dẫn đến sự ngộ nhận đây là “gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội”.
Đó là chưa kể, hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội đang còn tồn gần 11 nghìn tỷ đồng để cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội (vì thiếu dự án nhà ở xã hội để thuê, mua). Nếu tính suất vay bình quân là 600 triệu đồng/căn, với nguồn vốn 11 nghìn tỷ đồng thì Ngân hàng Chính sách xã hội còn có thể cho vay khoảng 18 nghìn người để mua nhà ở xã hội.
Nếu có nguồn cung nhà ở xã hội thì người mua, thuê mua nhà ở xã hội chắc chắn sẽ lựa chọn vay ưu đãi 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Nên gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng có thể "bị ế" đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội không lựa chọn để vay.
Do vậy, Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ dành một phần gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhưng có triển vọng phục hồi, phát triển trở lại, nhất là tập trung hỗ trợ người tiêu dùng và khách hàng để làm tăng tổng cầu giúp cho nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản phục hồi và phát triển trở lại theo hướng lành mạnh, an toàn, bền vững.