Người say làn điệu hát Dô

NDO - "Con hát tuổi hạn hai mươi/Nếu qua độ ấy thì thôi hát hò/ Bao giờ đến hội hát Dô/Thì còn phải kiếm gái tơ chưa chồng...". Ðó không chỉ là lời ca đơn thuần mà là lời "hèm" (điều cấm kỵ) đã mấy trăm năm người dân Liệp Tuyết (Quốc Oai - Hà Nội) không ai dám vi phạm. Lời hèm ấy gắn với một điệu hát mà cứ 36 năm mới được cất lời một lần tại một nơi duy nhất là đền Khánh Xuân. Lần diễn ra hội hát Dô theo nghi thức truyền thống gần đây nhất đã từ năm 1926...

Hát Dô là thể loại dân ca nghi lễ, hình thành và phát triển trên mảnh đất xã Liệp Tuyết, gắn với tín ngưỡng thờ Ðức Thánh Tản, vị thần đứng đầu trong "Tứ bất tử" linh thiêng của dân tộc ta. Nội dung diễn xướng hát Dô phản ánh nhận thức của người dân lao động về thiên nhiên, con người, mơ ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cùng tồn tại song song với lời ca là các động tác múa phụ họa của các "con" (còn gọi là bạn nàng, chỉ một vai nữ) được kết hợp nhuần nhuyễn trong lúc diễn. Một canh hát Dô gồm có "cái" (một vai nam) xướng và "con" họa lại. Khi hát "bạn nàng" vừa hát vừa múa theo nội dung từng đoạn như: hái hoa, múa quạt, bắn cung, hái chè, dệt cửi... đặc biệt là động tác chèo thuyền.

Theo đúng lệ tục, cứ 36 năm ứng với ba mươi sáu làn điệu mới tới kỳ hội. Bẵng đi 63 năm bởi chiến tranh, những làn điệu độc đáo của hát Dô dần rơi vào quên lãng. Những cô gái tham gia kỳ hội lần trước đến nay còn duy nhất một mình cụ Kiều Thị Hạnh cũng đã 96 tuổi.  Năm 1989, bà Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, tình cờ gặp cụ Ðàm Thị Ðiều và được cụ truyền dạy hát Dô. Trải qua một thời gian dài, hát Dô tưởng chừng đã thất truyền, nhưng bằng sự lôi cuốn của chính những làn điệu truyền thống ấy, cùng với niềm tự hào của người dân Liệp Tuyết, vượt qua những điều cấm kỵ với quyết tâm khôi phục làn điệu truyền thống quý giá của quê hương, bà Lan đã dày công sưu tầm những điệu Dô cổ, rồi tỉ mỉ ghi chép và thuyết phục các cụ cao niên truyền dạy lại cho lớp trẻ. Từ buổi học hát ban đầu ấy, người dân Liệp Tuyết như sống trong một bầu không khí mới. Các em ở độ tuổi từ mười một đến mười bốn, sáng đi học, chiều ra bãi trồng ngô, nhưng tối về lại í ới gọi nhau tập hát.

Trên cơ sở Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết được thành lập do bà Lan làm chủ nhiệm, năm 2003 Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã công nhận đây là địa chỉ văn nghệ dân gian độc đáo. Cùng thời gian này, đền Khánh Xuân cũng đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

Tiếp chuyện khách ngay trước hiên nhà, đang say sưa nói về hát Dô, bà Lan ngừng một lát, ánh mắt xa xăm hướng về phía đền Khánh Xuân, cất giọng: "Trúc trúc mai mai/Nào khi trúc trúc mai mai/Rồng ra là ra giãi nắng/Cú (a) ngồi ngồi ngoài mưa... Cởi áo lại đây, chàng về cởi áo lại đây/ áo thì thì thiếp mặc, gối mây, gối mây đợi chờ...".