Người lưu giữ làn điệu chèo

60 năm gắn bó với nghệ thuật chèo truyền thống với bao nhiệt huyết, đam mê, nghệ nhân Lê Thị Nhuệ Phái (trong ảnh) được vinh danh là Nghệ nhân Ưu tú. Danh hiệu cao quý đó vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm để bà gắn bó, gìn giữ, quảng bá và truyền dạy nghệ thuật chèo đến với mọi người.
0:00 / 0:00
0:00
Người lưu giữ làn điệu chèo

Thôn Trung Lập, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên là địa phương giàu truyền thống văn hóa với những làn điệu dân ca có từ nhiều đời nay. Sinh ra và lớn lên giữa những làn điệu dân ca ngọt ngào, tâm hồn cô bé Nhuệ Phái thấm đẫm những lời ngân nga của các làn điệu chèo.

Cô cuốn theo những lời hát, những tà áo tứ thân thướt tha, dáng đi uyển chuyển của những người diễn chèo từ lúc nào không hay. Nghe xong, cô về tự tập hát, tập diễn, chỗ nào không nhớ, không hiểu thì hỏi người khác. Với niềm đam mê chèo, cho nên cô thuộc các làn điệu rất nhanh, hát tròn vành rõ chữ.

Lên 13 tuổi, Nhuệ Phái bắt đầu tham gia đội văn nghệ của làng. Với tinh thần ham học hỏi, cô nhanh chóng nắm được kỹ thuật hát các làn điệu chèo, từ dễ đến khó. Ngày thường thì đi học, đi làm giúp gia đình, cuối tuần cô cùng mọi người luyện tập chăm chỉ. Cô Nhuệ Phái cùng mọi người trong đội thường xuyên dàn dựng những vở chèo ngắn phục vụ người dân trong làng, trong xã.

“Lớn lên ở quê hương của chèo, tình yêu với chèo khiến tôi gắn bó cả đời với môn nghệ thuật này, trong khi nhà tôi không ai theo cả. Nhưng tôi may mắn được mọi người trong gia đình ủng hộ, tạo điều kiện để tôi thỏa niềm đam mê”-Nghệ nhân Lê Thị Nhuệ Phái bày tỏ.

Đến năm 19 tuổi, cô Nhuệ Phái được cử đi học lớp tập hát diễn chèo do huyện Phú Xuyên tổ chức và lớp đạo diễn không chuyên do Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Hà Tây (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) tổ chức.

Từ đó, cô Nhuệ Phái càng hoạt động tích cực, đóng góp cho phong trào văn hóa chung của làng, xã. Cô cất công sưu tầm nhiều điệu hát chèo, ghi chép lại để cùng nhau luyện tập, dàn dựng những trích đoạn hay. Cô còn động viên nhiều người tham gia đội văn nghệ, tập luyện các tiết mục mới để phục vụ người dân trong xã và quanh vùng.

60 năm gắn bó với làn điệu chèo quê hương, nghệ nhân Lê Thị Nhuệ Phái đã tham gia biểu diễn hàng trăm buổi từ làng, xã đến huyện, thành phố. Không chỉ đam mê với loại hình nghệ thuật này, cô nỗ lực lan tỏa đến nhiều người, phát triển đội văn nghệ ngày càng mạnh hơn và sau này góp sức thành lập câu lạc bộ hát chèo của xã.

Với sự nhiệt huyết và khả năng của mình, cô Nhuệ Phái được người dân trong xã và các vùng lân cận tín nhiệm. Không chỉ tham gia tích cực ở phong trào của thôn Trung Lập và xã Tri Trung, cô còn dàn dựng kịch bản, biên đạo múa cho các câu lạc bộ các xã khác.

Không chỉ biểu diễn, bảo tồn chèo cổ, nghệ nhân Nhuệ Phái còn đam mê truyền dạy chèo cho mọi người, nhất là các thế hệ trẻ ở các địa phương. Đối tượng học cũng rất đa dạng, có cả các cháu nhỏ, các bà, các chị, thậm chí là các nam thanh niên.

Nhưng lớp dạy hát chèo của bà lúc nào cũng đông vui, tràn ngập tiếng cười. Hàng trăm người được bà truyền dạy lại tiếp tục tham gia các câu lạc bộ dân ca, mang lời ca, tiếng hát của mình phục vụ cho phong trào văn nghệ chung. Đó chính là nguồn động viên lớn để bà ngày càng nỗ lực truyền dạy và gìn giữ nghệ thuật chèo của quê hương.

Sau này, khi nhiều tuổi, bà chuyển về sinh sống với gia đình người con ở phường Xuân La, quận Tây Hồ và tiếp tục gây dựng phong trào văn nghệ tại khu vực đó. Bà Nhuệ Phái vẫn thường xuyên duy trì các phong trào ở xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên; tham gia Chi hội văn nghệ dân gian của Câu lạc bộ văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, Câu lạc bộ Người yêu ca nhạc của Cung Văn hóa hữu nghị Việt-Xô, Câu lạc bộ dân ca quận Tây Hồ…

Với sự đóng góp không mệt mỏi cho nghệ thuật truyền thống, nghệ nhân Lê Thị Nhuệ Phái đã đoạt nhiều huy chương qua các kỳ hội diễn. Năm 2022, bà vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.