Người lao động trông chờ tăng lương

Từ ngày 1/4, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiến hành điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu tại hai nghìn doanh nghiệp ở 18 địa phương, nhằm làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023 và các chính sách liên quan. 

Thu nhập bảo đảm, người lao động mới có thể toàn tâm, toàn trí phục vụ doanh nghiệp .Ảnh: NGUYỄN NAM
Thu nhập bảo đảm, người lao động mới có thể toàn tâm, toàn trí phục vụ doanh nghiệp .Ảnh: NGUYỄN NAM

Mục đích của cuộc điều tra là để tìm hiểu việc doanh nghiệp đã điều chỉnh lương ra sao trong quý I/2022, khi tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2021 không thay đổi. Cơ quan quản lý sẽ thống kê mức lương thấp nhất thực trả cho người lao động tại bốn vùng lương trong cả nước. Đồng thời, qua hoạt động này, cơ quan chức năng tiếp thu những kiến nghị, góp ý của doanh nghiệp về chính sách tiền lương tối thiểu có cần điều chỉnh trong năm 2022 hay không.

Theo khảo sát mới nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về đời sống công nhân lao động năm 2021, 21% số người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn, 48% giảm lượng thịt hằng ngày, 22% chuyển mua sắm mỗi ngày sang thực phẩm do người thân cung cấp, 15% gộp bữa ăn giảm chi phí, 60% tiết kiệm các khoản chi tiêu, 11% phải vay mượn để chi tiêu, 0,3% phải vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc báo bảo hiểm xã hội. Do vậy, với phần lớn công nhân, lao động, đối tượng chỉ trông chờ vào đồng lương để sống, thì thông tin về cuộc điều tra được đón chờ nhất sau hai năm liên tiếp mong mỏi được tăng lương để có thể có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Tiền lương tối thiểu là mức sàn để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ quan trọng để thỏa thuận tiền lương. Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp nêu rõ: Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Nhưng trong hai năm liên tiếp, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên  việc nâng lương tối thiểu vùng đã “lỡ hẹn”. Mức lương tối thiểu vùng đang được thực hiện theo bốn mức: vùng 1 cao nhất là 4,4 triệu đồng/người/tháng, vùng 4 thấp nhất là hơn 3 triệu đồng/người/tháng.  
 
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định rõ mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên 7 yếu tố, trong đó có mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình; tương quan giữa lương tối thiểu và tiền lương trên thị trường lao động; chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung cầu lao động; yếu tố năng suất, khả năng chi trả của doanh nghiệp... Hiện, trong 7 yếu tố cấu thành lương tối thiểu có nhiều yếu tố đã thay đổi như CPI, mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, tốc độ tăng trưởng... Chính vì vậy, mức lương tối thiểu hiện nay không còn phù hợp thực tiễn, chưa thể là cơ sở đặt ra cho các bên thương lượng xác lập tiền lương trên thị trường. 

Các chuyên gia lao động, công đoàn nhận định, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu thời điểm này có thể gây cú sốc chi phí nhất định cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với đà tăng giá xăng đã kéo theo sự tăng giá gần như đồng thời của nhiều mặt hàng khác như: Lương thực, thực phẩm, đi lại, vận tải... đã ảnh hưởng lớn đến chi tiêu của người lao động. 

Đời sống, thu nhập gặp nhiều khó khăn có thể là một trong những nguyên nhân gây rạn nứt quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Thông thường, các doanh nghiệp căn cứ vào mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu hằng năm của Chính phủ để điều chỉnh mức lương thực tế ở doanh nghiệp. Do vậy, nhiều doanh nghiệp dựa vào đó không điều chỉnh tiền lương, nguy cơ xảy ra đình công, nghỉ việc của công nhân, lao động tại doanh nghiệp là không thể tránh khỏi. 

Từ năm 2016 đến 2020, tiền lương tối thiểu tăng bình quân 7,4%/năm nhưng hai năm qua, lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh tăng theo lộ trình do ảnh hưởng của dịch bệnh. Có thể nói, người lao động cũng đã hết sức chia sẻ, thắt lưng buộc bụng, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, dần đi vào ổn định sản xuất, phục  hồi đáng kể. 

Do đó việc xem xét, điều chỉnh tăng lương tối thiểu là việc cần thiết. Trước mắt, các cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết nhanh chóng, kịp thời những chính sách trực tiếp hỗ trợ người lao động đã được ban hành như: Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, chi trả các chế độ, quyền lợi cho người lao động liên quan đến ảnh hưởng do dịch Covid-19… Trong điều kiện nền kinh tế bắt đầu hồi phục, Hội đồng Tiền lương quốc gia cần sớm thống nhất, đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng. 

Đồng thời, Chính phủ cần có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân và công nhân, lao động; tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, đưa ra các giải pháp triển khai quyết liệt, hiệu quả các chính sách bảo đảm ổn định việc làm, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.