Người Italia kêu gọi Thủ tướng Mario Draghi tiếp tục điều hành để ổn định đất nước

Các thị trưởng, các tổ chức kinh doanh và lãnh đạo các nghiệp đoàn đã kêu gọi Thủ tướng Italia Mario Draghi cân nhắc lại quyết định từ chức, cảnh báo quốc gia này đang đứng trước nguy cơ mất ổn định.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Mario Draghi. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Mario Draghi. (Ảnh: Reuters)

Hồi tuần trước, ông Draghi đã đệ đơn xin từ chức sau khi chính phủ của ông không nhận được sự ủng hộ từ Phong trào 5 sao (M5S) trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội, dù M5S cũng là một đối tác trong chính phủ liên minh.

Tuy nhiên, Tổng thống Italia Sergio Mattarella đã bác đơn từ chức của ông Draghi và yêu cầu ông phát biểu trước quốc hội trong tuần tới để huy động tinh thần đồng thuận, giúp tránh nguy cơ phải tổ chức bầu cử sớm trong bối cảnh đầy bất ổn hiện nay.

Dù gói biện pháp nhằm giảm nhẹ chi phí cho các hộ gia đình và các công ty trong bối cảnh bão giá do chính phủ của ông Draghi đề xuất đã được ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng ông cho biết, nếu không nhận được sự ủng hộ đầy đủ từ tất cả các đối tác trong liên minh cầm quyền thì chính phủ đoàn kết do ông dẫn đầu không thể tiếp tục.

M5S, vốn đang khủng hoảng vì tình trạng chia rẽ nội bộ, cho biết sẽ không rút khỏi liên minh cầm quyền nhưng đề nghị ông Draghi bảo đảm sẽ triển khai các ưu tiên chính sách của phong trào này, thí dụ như vấn đề lương tối thiểu.

Chia sẻ trên Facebook tối 16/7, lãnh đạo M5S Giuseppe Conte cho biết, không thể cùng chia sẻ trách nhiệm của chính phủ nếu không có gì bảo đảm các vấn đề mà phong trào này chú trọng.

Một nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng Draghi cho biết, ông sẽ không chấp nhận bất kỳ "tối hậu thư nào" và vẫn kiên định từ chức. Tuy nhiên, sự kiên định này đang đứng trước thử thách khi ngày càng nhiều người cảnh báo Italia có nguy cơ đánh mất quyền tiếp cận gói hỗ trợ phục hồi hậu đại dịch trị giá hàng tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài ra, quyết định từ chức của ông Draghi còn bị cho là sẽ khiến Italia phải chật vật tìm cách khống chế tình trạng giá năng lượng leo thang mà thiếu 1 chính phủ vận hành hoàn chỉnh.

Các thị trưởng của 110 thành phố ở Italia, trong đó có 10 đô thị lớn nhất, đã cùng gửi thư ngỏ tới Thủ tướng Draghi với nội dung nhấn mạnh chính quyền các thành phố theo dõi sát sao tình hình khủng hoảng chính trị trong sự lo lắng và hoài nghi, đồng thời kêu gọi tất cả các bên thể hiện tinh thần trách nhiệm.

Lá thư có đoạn nêu rõ, các thị trưởng đề nghị Thủ tướng Mario Draghi tiếp tục nắm quyền điều hành và đưa ra những lý do thuyết phục Quốc hội Italia về việc chính phủ của ông phải tiếp tục.

Ngoài ra, nhiều hiệp hội công nghiệp, nông trại và thương mại cũng ra các thông cáo kêu gọi chính phủ tiếp tục đảm nhận vai trò, nhấn mạnh sự ổn định quốc gia là điều thiết yếu.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định việc chính phủ liên minh có thể vượt qua những hiềm khích phe phái nội bộ và tiếp tục vận hành bất chấp những mâu thuẫn là điều ngày càng trở nên khó khăn, đẩy cao khả năng Italia lại phải tổ chức bầu cử trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới.

Ông Draghi lên nắm quyền vào đầu năm 2021 với nhiệm vụ đưa Italia vượt qua cuộc khủng hoảng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Quốc hội Italia sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2023.

Các cuộc thăm dò dư luận chỉ ra khối các đảng bảo thủ nhiều khả năng sẽ giành được thế đa số rõ ràng. Hai trong số các đảng thuộc khối này là đảng Liên đoàn (League) và đảng Tiến lên Italia (Forza Italia) cũng thuộc liên minh cầm quyền hiện nay.

Triển vọng giành thắng lợi nếu bầu cử diễn ra vào mùa thu khiến nhóm này được cho là có một lý do hợp lý để chấp nhận liên minh hiện nay tan rã.

Cả 2 đảng này đều khẳng định sẵn sàng tiếp tục tham gia chính phủ liên minh do ông Draghi dẫn đầu nhưng với điều kiện M5S phải rời khỏi chính phủ. Đề nghị này đã bị ông Draghi từ chối.