Người hồi sinh chữ Thái trên quê hương Quỳ Hợp

Từ nay người dân tộc Thái nơi đây lại có thể viết thư từ cho nhau bằng văn tự riêng của mình. Có lẽ vui nhất là thầy Sầm Văn Bình, được coi là "người gọi hồn chữ Thái" về với dân tộc mình...

Con đường đến với chữ Thái

Sầm Văn Bình sinh trưởng trong một gia đình dân tộc Thái đông anh chị em ở bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp. Là con đầu nên Sầm Văn Bình vừa đi học vừa phải lên nương, làm nải thuê cho các gia đình khác để lấy gạo nuôi các em. Vượt qua nhiều khó khăn, anh đã cố gắng học hết trung học phổ thông, và quyết định thi đại học.

Cuộc đời tưởng chừng như đã đổi khác khi anh học xong Trường đại học Hàng hải (Hải Phòng). Năm 1988, anh được phân về công tác tại Nhà máy đóng tàu Hạ Long thuộc Xí nghiệp liên hiệp đóng tàu I Hà Nội. Nhưng lúc đến nơi thì họ không nhận. Anh quay trở về Hà Nội để hỏi thì vẫn nhận được câu trả lời tương tự. Bất đắc chí, Sầm Văn Bình ngậm ngùi về quê sống những ngày tháng buồn chán.

Cuộc sống gia đình rơi vào tình thế khó khăn, Sầm Văn Bình phải làm đủ nghề: làm nương, làm nải, làm công nhân ở các mỏ đá, tham gia làm quặng vàng, thiếc. Thời gian dần trôi, cùng với sự đổi mới đi lên của quê hương, đất nước, nhận thức của anh cũng chuyển khác.

Nhận thấy chữ Thái là một trong những nét bản sắc, niềm tự tôn của dân tộc mình, đang đứng trước nguy cơ mai một. Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 281.400 người là dân tộc Thái, nhưng số người còn biết chữ Thái chỉ đủ tính trên đầu ngón tay, phần đông đều đã bước sang tuổi "xưa nay hiếm", còn thế hệ trẻ chẳng ai lưu tâm bảo tồn nét bản sắc ấy.

Việc bảo tồn và phát triển chữ Thái được đặt ra cấp bách. Nhà có sách chữ Thái của cha ông để lại, Sầm Văn Bình quyết đi sâu vào nghiên cứu văn hóa Thái, cụ thể là lịch sử hình thành, phát triển chữ Thái ở Quỳ Hợp. Anh đến thư viện huyện để đọc sách, tìm tài liệu. Một trong những cuốn sách anh tâm đắc và sau này trở thành chìa khóa giúp anh giải mã chữ Thái Quỳ Hợp là cuốn "Luật tục Thái Việt Nam" của tác giả Ngô Ðức Thịnh và Cẩm Trọng biên soạn bằng hai loại chữ: Thái - Việt.

Anh say mê mày mò, giở ngược lật xuôi để tìm ra quy luật, cách đọc chữ Thái. Anh cho biết "Chữ Thái cũng gần giống với chữ Lào, chữ Thái-lan, nhưng có những kiến trúc ngữ âm lại khá giống với tiếng Trung Hoa và tiếng Việt". Sau gần ba tháng mày mò, anh đã nhận ra mặt chữ và bắt đầu đọc được. Cái khó của chữ Thái là có đến 37 chữ cái, gồm 14 nguyên âm. Trong đó đặc biệt có bảy nguyên âm (e, ưa, ơ, ay, ê, â, ô) đứng trước các phụ âm, điều này hoàn toàn trái ngược với cấu tạo sắp xếp của tiếng Việt. Căn cứ vào các danh từ Mường La, Mường Lay... trong cuốn "Luật tục Thái Việt Nam" mà anh nhận ra điều đó.

Sau khi đã phần nào hiểu được cấu tạo, cách đọc chữ Thái, Sầm Văn Bình nảy ra ý tưởng soạn một giáo trình cơ bản về tiếng Thái - Quỳ Hợp (hay còn gọi là Thái lai - Mường Ham). Nhưng do đặc trưng của chữ Thái lai - Mường Ham không có thanh điệu như tiếng Việt nên việc đọc, nhận dạng các từ ngữ đúng nghĩa rất khó khăn. Phải mất nhiều năm nghiên cứu tìm hiểu anh mới nảy ra ý nghĩ thêm vào bảng chữ cái Thái một số thanh điệu giống tiếng Việt cho dễ đọc, dễ viết và dễ dạy. Ðây được coi là một trong những đóng góp vừa có tính chất bảo tồn vừa có tính phát triển đối với Chữ Thái lai - Mường Ham của thầy Bình.

Thực hiện đề án xây dựng Quỳ Hợp thành huyện điểm văn hóa của cả nước, cuối năm 2005, một CLB chữ Thái đã ra đời ở xã Châu Cường. Ngày 20-5-2006, lớp học chữ Thái lai - Mường Ham khóa I chính thức được khai giảng.

Anh Sầm Văn Bình được mời làm giảng viên cho gần 100 học sinh hai lớp: lớp cán bộ và lớp cho các em học sinh. Cuốn giáo trình của anh được chọn làm sách giảng dạy chính, gọi là giáo trình tiếng Thái cơ bản (quyển I). Sau hơn sáu tháng, đến ngày 30-12-2006, lớp học đã bế giảng. Kết quả có 86 học sinh biết qua chữ Thái, 20 người đọc thông viết thạo, 10 người được xếp loại xuất sắc. Vậy là từ nay đã có thêm nhiều người biết chữ Thái. Mặc dù chưa phải là tất cả, nhưng thế là đã có tương lai cho chữ Thái của ta rồi, anh Bình vui sướng nói. Hiện tại Sầm Văn Bình đã biên soạn xong giáo trình quyển II, chữ Thái cổ, có thanh điệu. Anh hy vọng cũng sẽ thu được kết quả như lần trước.

Ðầu năm 2007, lớp học chữ Thái lai - Mường Ham khóa II của CLB chữ Thái xã Châu Cường khai giảng, người dạy không ai khác là thầy Sầm Văn Bình, một người con của dân tộc Thái, lớp học được mở ngay trên chính quê hương.

Hồi sinh chữ Thái là một cống hiến to lớn của một con người đã vượt qua thử thách và chính con người ấy - Sầm Văn Bình đã làm sống lại một thành tựu văn minh của người Thái - điều tưởng chừng như sẽ bị mai một bởi thời gian. Anh được ví như "người gọi hồn chữ Thái" ở đất Nghệ trở về với dân tộc mình...

Và những niềm trăn trở

Chữ Thái lai - Mường Ham đã được hồi sinh, nhưng thật sự có nuôi dưỡng, phát triển được hay không, để các thế hệ hôm nay và mai sau của đồng bào dân tộc Thái được học tập chữ viết của dân tộc mình, còn là một câu hỏi lớn.

Trong khi ngân sách Nhà nước còn eo hẹp thì sức đóng góp của dân vẫn là chủ yếu. Nên chăng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa hai ngành văn hóa và ngành giáo dục để đưa chữ Thái vào chương trình dạy học ở các trường dân tộc nội trú tỉnh, huyện.

Chỉ có làm như vậy mới đào tạo được đội ngũ giáo viên dạy chữ Thái kế cận thầy Sầm Văn Bình. Cần phải có một hội đồng khoa học để biên soạn giáo trình, sách giáo khoa dành riêng cho việc dạy chữ Thái, và cần có sự thẩm định, công nhận các công trình nghiên cứu của thầy Sầm Văn Bình, để thầy tự tin trong công tác truyền dạy chữ Thái lai - Mường Ham quyển II sắp tới, góp phần nhỏ bé nhằm bảo tồn bản sắc, chữ viết, truyền thống văn hóa và di sản quý báu của dân tộc Thái trường tồn cùng quê hương, đất nước.