Những ngày tháng 4, chúng tôi về thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Van Chư, những người nông dân đang tất bật xuống giống trồng cây cát cánh, theo hợp đồng đã ký kết với các doanh nghiệp chế biến dược liệu. Gia đình anh Giàng Seo Tráng (35 tuổi) ở thôn Lả Gì Thàng là hộ đã tham gia mô hình trồng cây cát cánh. Năm 2022, gia đình anh trồng hơn 1ha cây cát cánh, thu về gần 150 triệu đồng. Gia đình anh Sùng Seo Quỳ là một trong những hộ xung phong xin ra khỏi hộ nghèo năm 2022 của địa phương.
Bắt đầu từ tháng 12/2022, cán bộ trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, xã xuống hướng dẫn người dân thu hoạch và cùng với đó nhân viên Công ty cổ phần Nam Dược đến tận nhà thu mua sản phẩm với giá 20 nghìn đồng/kg củ tươi. Anh Giàng Seo Tráng phấn khởi cho biết: Ðược sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, gia đình tôi chuyển đổi trồng gần 2 ha cát cánh và cây ăn quả ôn đới, bán cho doanh nghiệp thu mua chế biến theo giá cả đã ký kết từ đầu vụ, thu hàng chục triệu đồng, cao hơn trồng ngô, nhờ vậy thoát nghèo, đời sống được cải thiện, ổn định và nâng cao.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tả Van Chư Giàng Seo Sáng, từ mấy năm nay, người dân ở đây chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng dược liệu cát cánh, đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao hơn nhiều lần, nhờ vậy nhiều hộ thoát nghèo nhanh, bền vững. Nhất là những hộ viết đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo là những người dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây dược liệu và chăn nuôi gia súc, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ngoài tham gia trồng cây dược liệu cát cánh, đồng bào người H’Mông đã được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện ký cam kết hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; nông dân được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật để mở rộng diện tích trồng cây dược liệu theo hướng an toàn của Tổ chức Y tế thế giới; khi thu hoạch Trung tâm đến tận cánh đồng thu mua trực tiếp, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà Nguyễn Xuân Giang cho rằng, ngoài Công ty cổ phần Nam Dược, huyện Bắc Hà tiếp tục duy trì, ký kết thêm hợp đồng liên kết hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cát cánh với các doanh nghiệp khác. Theo đó, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện ký kết hợp tác mới với Viện nghiên cứu và Ứng dụng y dược học cổ truyền, mỗi năm dự kiến mua dược liệu từ 20 tấn sản phẩm khô trở lên; ngoài ra Công ty cổ phần ANVY ký hợp đồng nguyên tắc với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện mỗi năm bao tiêu 5-6 tấn cát cánh khô; Công ty cổ phần dược Khải Hà ký hợp đồng tiêu thụ 10 tấn cát cánh tươi...
Chủ tịch UBND xã Tả Van Chư Trần Ngọc Phương cho biết: Ðiều đáng mừng là những năm đầu trồng thử nghiệm, người dân được hỗ trợ giống, phân bón, đến nay các chính sách hỗ trợ gần như đã hết, nhưng người dân vẫn rất hào hứng mở rộng diện tích, vì thấy rõ hiệu quả kinh tế của cây dược liệu này.
Riêng năm 2022, toàn xã Tả Van Chư đã trồng 77ha cát cánh, toàn bộ sản phẩm được các doanh nghiệp chế biến dược liệu đến tận nơi bao tiêu, thu về gần chín tỷ đồng, nhờ đó nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Năm 2023, đồng bào người H’Mông ở Tả Van Chư phấn đấu trồng 80ha cây cát cánh, đồng thời đầu tư phát triển du lịch mùa hoa nở, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập từ cây dược liệu đặc hữu này.
Ngoài làm dược liệu, vào mùa nở hoa, những vùng trồng dược liệu cát cánh trên rẻo cao Tả Van Chư tràn ngập hoa tím biếc, ngút tầm mắt một mầu tím rịm, cuốn hút dưới thung sâu hay trên những nương đồi dốc, hoải… của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, tạo nên diện mạo mới và thu hút đông đảo du khách đến tham quan, khám phá, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người nông dân ■