Người dân trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô

Háo hức xen lẫn tò mò, đó là tâm trạng chung của những hành khách tham gia chuyến tàu điện từ Cát Linh đi Yên Nghĩa trong ngày đầu đưa vào khai thác. Sau nhiều lần lỗi hẹn, tuyến đường sắt đô thị trên cao đã chính thức vận hành với mong muốn góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Hành khách trải nghiệm chuyến tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông trong ngày đầu tiên đưa vào khai thác thương mại. Ảnh: Minh Hà
Hành khách trải nghiệm chuyến tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông trong ngày đầu tiên đưa vào khai thác thương mại. Ảnh: Minh Hà

Biết tin sáng 6/11 chuyến tàu thương mại đầu tiên chính thức được đưa vào khai thác, từ sáng sớm, ông Lê Văn Hà (65 tuổi) cùng vợ đã bắt xe buýt từ quận Long Biên (Hà Nội) sang ga Cát Linh. Ông Hà khá hài lòng khi thấy nhà ga hiện đại, được bố trí nhiều tiện ích như thang máy, thang cuốn, thang bộ, bảng thông tin về giờ tàu chạy; hệ thống thu soát vé tự động, hệ thống thông gió, thoát hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế, camera giám sát an ninh, có cả cửa hàng tiện ích, quầy ATM. Nhân viên phục vụ trong trang phục lịch sự, thái độ thân thiện. Tranh thủ lúc chờ lên tàu, ông bà tranh thủ chụp ảnh gửi cho bạn bè, con cháu biết. Nhà ở ngay phố Hào Nam (quận Ðống Ða, Hà Nội), ông Nguyễn Ngọc Hải  dẫn theo cháu nội 8 tuổi đến ga Cát Linh chờ từ khá sớm. "Hôm qua đọc báo biết 9 giờ sáng 6/11 tàu bắt đầu chạy, hai ông cháu tôi đến đi thử để cảm nhận về một loại hình vận tải hành khách công cộng mới của Hà Nội”.

Ðúng 9 giờ, chuyến tàu đón những hành khách đầu tiên bắt đầu lăn bánh. Ngồi trong khoang tàu điện, anh Nguyễn Mạnh Hùng - một người đã có nhiều năm du học ở châu Âu đánh giá, tàu của Việt Nam chạy khá êm, thoáng mát. Cũng đi chuyến tàu thương mại đầu tiên, anh Hà Văn Quân, trú tại quận Ba Ðình (Hà Nội) chia sẻ: “Nhà tôi ở phố Ðội Cấn, nơi làm việc ở quận Thanh Xuân. Tôi dự định đi thử tàu điện vài lần, nếu tàu chạy tốt, đúng giờ, tôi sẽ chuyển sang sử dụng phương tiện này để đi làm hằng ngày, thay vì đi xe máy”.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty Metro Hà Nội cho biết, sau khi nhận bàn giao, từ 9 giờ sáng 6/11, Công ty Metro Hà Nội bắt đầu hướng dẫn người dân cách mua vé theo từng loại, như: Vé lượt, vé phổ thông, vé tháng ưu tiên, vé tập thể, vé cho người được miễn phí. “Chúng tôi đã chuẩn bị hơn 200 nghìn vé 0 đồng (thẻ từ cứng) để phát cho hành khách trải nghiệm tàu trong 15 ngày đầu vận hành. Sau khi kết thúc hành trình, hành khách trả lại vé này cho đơn vị vận hành ở cửa ra”, ông Trường nói.

Hết 15 ngày đầu miễn phí, công ty sẽ bán vé, giá vé lượt từ 8.000 đến 15.000 đồng/chặng (tùy độ dài chặng khách đi). Các chính sách ưu đãi về vé tháng được áp dụng tương tự như với hành khách xe buýt. Cụ thể, giá vé tháng là 200.000 đồng/người/tháng. Học sinh, sinh viên được giảm giá, với mức 100.000 đồng/tháng. Người có công, người khuyết tật, người từ 60 tuổi trở lên, nhân khẩu thuộc hộ nghèo… được miễn phí. Toàn bộ khách đi tàu được mua bảo hiểm.

Theo ông Vũ Hồng Trường, khi đưa vào khai thác thương mại, tàu sẽ hoạt động liên tục từ 5 giờ đến 23 giờ hằng ngày. Vào khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy với tần suất 6 phút/chuyến, sức chở tối đa 960 người/đoàn tàu. Trong giờ thấp điểm, cứ 10 phút có một chuyến tàu. Tàu có tốc độ tối đa 80 km/giờ, tốc độ khai thác 35 km/giờ. Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Ðông (hoặc ngược lại) là hơn 23 phút. Như vậy, tuyến đường sắt này có thể vận chuyển 217.000 hành khách/ngày đêm, giờ cao điểm có thể vận chuyển từ 19.000 đến 20.000 hành khách/giờ, đáp ứng từ 55 đến 60% lưu lượng hành khách đi lại trên tuyến giao thông huyết mạch của Thủ đô.

Ðể giúp người dân dễ dàng tiếp cận tuyến đường sắt đô thị, thành phố Hà Nội đã bổ sung 17 điểm dừng xe buýt trên dọc tuyến đường có tàu chạy qua, bố trí 55 tuyến buýt có trợ giá kết nối với tuyến đường sắt đô thị. Tại các nhà ga thuộc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Ðông đều có các điểm dừng xe buýt đặt ở vị trí thuận tiện để người dân dễ dàng tiếp cận. Như tại nhà ga Thái Hà (trên phố Thái Hà), điểm dừng xe buýt chỉ cách cầu thang của nhà ga hơn 10 m. Hành khách từ tàu điện xuống có thể chuyển sang các tuyến xe buýt số 26, 30, 50, 18, 35A, 84 đi các địa điểm khác trong thành phố.

Ðại diện Thanh tra giao thông Hà Nội cho biết, lực lượng liên ngành Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông tăng cường phân luồng, tổ chức giao thông trên các tuyến phố dọc hành trình tàu Cát Linh - Hà Ðông hoạt động theo phương án đã được thống nhất. Tại nút giao thông Hào Nam - Giảng Võ - Cát Linh, thay vì phương tiện được đi theo vòng xuyến như lâu nay, từ sáng 6/11, ô-tô không được đi từ hướng Hào Nam đến Giảng Võ và ngược lại. Tương tự, các xe ô-tô cũng không được đi trên đường Giảng Võ đoạn từ nút giao Hào Nam đến Kim Mã. Mục đích của việc tổ chức giao thông này là để ưu tiên cho xe buýt từ trung tâm trung chuyển xe buýt ở số 1 phố Kim Mã nhanh chóng tiếp cận ga Cát Linh để trung chuyển hành khách. Tất cả những phương án này đều tạo điều kiện cho tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố được vận hành thuận lợi, thu hút người dân sử dụng thường xuyên.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông hoạt động hiệu quả sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Nội đẩy nhanh việc triển khai các dự án đường sắt đô thị trong những năm tới, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông Thủ đô.