Kiểm soát chặt thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử để giải quyết các quan ngại

Thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN) hiện đang là mối quan tâm của Chính phủ, các cơ quan bộ ngành và xã hội, nhất là tình trạng sử dụng TLĐT ở giới trẻ ngày càng cao. Để ngăn chặn tình trạng trên, hiện có hai giải pháp được đưa ra đối với TLĐT, TLLN là cho phép kinh doanh có điều kiện theo kế hoạch của Bộ Công Thương, và cấm hoàn toàn cấm theo đề xuất của Bộ Y tế. Các bộ ngành đều cho rằng việc lựa chọn giải pháp cần được đánh giá tác động chính sách một cách toàn diện dựa trên tình hình thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
TLĐT lậu tràn lan tại khu chợ du lịch Bangkok, Thái Lan (Ảnh: nationthailand.com)
TLĐT lậu tràn lan tại khu chợ du lịch Bangkok, Thái Lan (Ảnh: nationthailand.com)
Thái Lan: tỷ lệ sử dụng TLĐT tăng dù có lệnh cấm

Mới đây, Hiệp hội Thương mại Thuốc lá Thái Lan (TTTA) cho biết TLĐT nhập lậu ở nước này được bán rộng rãi trên mạng xã hội Twitter và Facebook. Việc cấm TLĐT không giúp giảm tỷ lệ sử dụng sản phẩm ở giới trẻ. Theo một kết quả khảo sát của Trung tâm Quản lý Kiến thức và Nghiên cứu Kiểm soát Thuốc lá, 1/3 số sinh viên đại học Thái Lan muốn dùng thử TLĐT.

Tổng kết từ Cục Hải quan Thái Lan từ tháng 10/2023 đến tháng 1/2024, gần 70.000 sản phẩm, tinh dầu và phụ kiện TLĐT đã bị tịch thu. Trong khi đó, theo công bố của Hải quan Trung Quốc, số thiết bị và tinh dầu TLĐT trị giá trên 45 triệu USD do nước này sản xuất đã được xuất khẩu sang Thái Lan trong năm 2023.

Singapore, sau 6 năm quyết định cấm TLĐT, TLLN, tiếp tục chứng kiến tỷ lệ sử dụng TLĐT ngày càng tăng, mặc dù mức phạt cũng tăng theo từng vụ. Ở 2 nước ASEAN khác cùng áp dụng chính sách cấm thuốc lá mới là Lào và Campuchia, tình trạng gia tăng sử dụng TLĐT lậu cũng tương tự.

Thực tiễn trên cho thấy, việc cấm TLLN, TLĐT chỉ dẫn đến kết quả chung, đó là vấn nạn buôn lậu tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người mua bán, sử dụng TLĐT, TLLN. Như vậy, lệnh cấm không khiến cho nhu cầu sử dụng các mặt hàng này giảm đi, mà ngược lại càng làm cho việc tìm kiếm nguồn hàng chính danh thêm khó khăn, và việc thẩm định chất lượng của sản phẩm là điều xa xỉ.

Nếu không triệt tiêu được sự hiện diện của sản phẩm trên thị trường, các chuyên gia quản lý cho rằng, mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng của các cơ quan chức năng phải chăng chỉ còn trên lý thuyết.

Việt Nam: Phương án nào giúp kiểm soát TLLN, TLĐT nhanh nhất?

TLĐT, TLLN không còn là sản phẩm mới trên thị trường Việt Nam, vì thực tế đã hiện diện hơn 10 năm qua. Hiện số liệu báo cáo từ các cơ quan Hải quan, Công an, lực lượng phòng chống buôn lậu… đều cho thấy tỷ lệ buôn lậu mặt hàng này ngày càng tăng cao. Điều này chứng minh thị trường đã hình thành rõ nét. Vì vậy tại các diễn đàn, hội thảo, các chuyên gia đều đánh giá nhu cầu thị trường hiện là rất lớn.

Luật Đầu tư đã quy định thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) lấy “nguyên liệu thuốc lá” làm cơ sở phân loại và quản lý sản phẩm. Chiếu theo luật này, TLLN được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá nên đang được hầu hết bộ, ngành liên quan cho rằng đây là sản phẩm thuốc lá. Do đó, đề xuất cấm thuốc lá mới, đặc biệt đối với những sản phẩm đã thuộc định nghĩa trong văn bản luật, là điều đang gây nhiều tranh luận.

Với cơ sở pháp lý hiện hành, cụ thể là Luật PCTHTL, theo ý kiến của nhiều bộ ngành là đã có thể quản lý ngay các sản phẩm tương thích với luật, như TLLN. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để ngăn chặn sự phát triển của thị trường chợ đen, cũng như việc có luật định, khung hình phạt rõ ràng sẽ giúp loại bỏ các sản phẩm không nguồn gốc, kém chất lượng, hay kinh doanh ngoài vòng pháp luật như hiện nay. Đồng thời, cơ sở pháp lý rõ ràng sẽ giúp các cơ quan chức năng tập trung kiểm soát nhằm loại bỏ sản phẩm nhập lậu bị kẻ gian lợi dụng để đưa chất cấm vào, và tiếp cận học sinh, giới trẻ.

Kiểm soát chặt thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử để giải quyết các quan ngại ảnh 1

Đại diện Bộ Tư pháp, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế nêu quan điểm, các nhà làm luật bao giờ cũng có dự liệu cho sự phát triển của sản phẩm trong tương lai. Ông khẳng định khái niệm về sản phẩm thuốc lá tại Khoản 1, Điều 2 của Luật PCTHTL đã bao hàm TLLN, một trong những loại thuốc lá mới phổ biến trên trên thị trường hiện nay.

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng các loại thuốc lá mới (TLĐT, TLLN) là một loại hàng hóa mà dù “cấm hay không cấm thì vẫn bán”, và gọi hiện tượng này là “sức mạnh của thị trường”. Ông cũng cho rằng “thay vì lập nên cái đê ngăn cấm ấy, tốt hơn chúng ta nên xẻ dòng mương” thông qua việc quản lý hiệu quả các sản phẩm TLLN, TLĐT bằng pháp luật.

Từ Hội nghị Các bên tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) năm 2018 đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục khuyến nghị các nước cần kiểm soát TLLN theo luật quốc gia. Theo đó, tính đến tháng 7/2021, 184/195 quốc gia thành viên của WHO đã có quy định quản lý TLLN theo luật hiện hành.