Mặc dù thị trấn Giang Tiên (huyện Phú Lương) chưa đủ tiêu chí về diện tích và dân số, nhưng là một thị trấn lâu năm, có đặc thù riêng, có nhiều tiềm năng phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị trong tương lai và có nhiều triển vọng phát triển lan tỏa đối với các địa phương lân cận.
Sau khi nghiên cứu kỹ thực tiễn, nguyện vọng người dân, căn cứ quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển đô thị nên tỉnh Thái Nguyên, huyện Phú Lương chủ trương nhập 11 xóm thuộc xã Phấn Mễ vào thị trấn Giang Tiên, nhập 8 xóm còn lại của xã Phấn Mễ vào thị trấn Đu và giải thể xã Phấn Mễ. Với phương án này, quy mô của thị trấn Giang Tiên và thị trấn Đu sẽ tăng lên, tạo không gian để phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, không thuộc diện phải sắp xếp, nhưng khi nghe các xóm sáp nhập vào hai thị trấn và giải thế xã Phấn Mễ thì một số người dân, cán bộ tâm tư, băn khoăn về thông tin đã ghi xã Phấn Mễ trong các giấy tờ tùy thân, tài sản, phương tiện có giá trị, thủ tục hành chính... sẽ chuyển đổi thế nào.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương cho biết: Trước tâm tư của một số người dân, một số cán bộ và yêu cầu phát triển, chúng tôi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã một cách thận trọng, bài bản, khoa học, thực hiện đầy đủ quy trình; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải thích rõ ràng, thấu đáo trước khi lấy ý kiến cử tri khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện Phú Lương thành lập hai tổ công tác, gồm tổ tuyên truyền do đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy làm tổ trưởng và tổ giúp việc do một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm tổ trưởng. Lãnh đạo huyện tổ chức đối thoại, nhiều cuộc họp, tiếp xúc sâu rộng để tuyên truyền, giải thích quan điểm, chủ trương, lợi ích của việc sáp nhập nên cán bộ, đảng viên, người dân đồng tình rất cao với chủ trương sắp xếp của tỉnh, của huyện.
Khi lấy ý kiến cử tri, gần 96% cử tri xã Phấn Mễ nhất trí nhập vào thị trấn Giang Tiên và thị trấn Đu; 99,8% cử tri thị trấn Đu và 100% cử tri thị trấn Giang Tiên nhất trí nhập các xóm vào thị trấn. Hội đồng nhân dân xã Phấn Mễ và Hội đồng nhân dân hai thị trấn Giang Tiên và Đu đã họp, thống nhất rất cao việc sắp xếp theo phương án đề ra.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hữu chia sẻ: Chúng tôi đã có phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, sử dụng tài sản công sau sắp xếp ổn thỏa, góp phần giảm bộ máy cán bộ, công chức cấp xã, sử dụng tài sản công hiệu quả, tránh lãng phí. Điều quan trọng nhất là sau sắp xếp, bảo đảm các địa phương ổn định, hai thị trấn sẽ có không gian lớn để phát triển, nguồn lực của địa phương sẽ được đầu tư tập trung hơn. Tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị cấp trên tăng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội cho đơn vị sau sắp xếp để đáp ứng mong đợi của người dân.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, thời gian vừa qua tỉnh Thái Nguyên đã khẩn trương rà soát, nghiên cứu kỹ, thống kê số lượng đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn để thực hiện sắp xếp.
Hội đồng nhân dân xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ họp thông qua việc sáp nhập xã vào thị trấn Trại Cau. |
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thành Minh cho biết: Cùng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không đủ các tiêu chí, chúng tôi khuyến khích cán bộ và người dân ở các đơn vị hành chính cấp xã không thuộc diện sắp xếp nghiên cứu thực hiện việc sáp nhập để giảm số lượng xã, tăng quy mô đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp để tạo thuận lợi về nhiều mặt, thúc đẩy phát triển chung.
Với chủ trương này, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng phương án sắp xếp, tiến hành lấy ý kiến cử tri đối với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 đạt 99,08% cử tri tại các địa phương đồng ý. Trong thời gian tới, Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh tiến hành thảo luận, biểu quyết về việc thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Cùng với đó, các huyện và tỉnh cũng đã có phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và dự kiến phương án xử lý, sắp xếp chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng các trụ sở dôi dư, không sử dụng do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Có được kết quả này, tỉnh Thái Nguyên đã phát huy rất tốt các bài học kinh nghiệm từ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn từ năm 2019 cho đến nay (giảm 3 đơn vị hành chính cấp xã) là, tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên; đến nay đã cơ bản bố trí xong cán bộ, công chức sau sắp xếp; giải quyết tốt các thủ tục hành chính sau sắp xếp để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Lần này có số lượng đơn vị hành chính phải sắp xếp lớn hơn, với quan điểm ổn định, phát triển, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các địa phương huy động cả hệ thống trị vào cuộc, giải quyết tốt nguyện vọng của cán bộ, người dân, ban hành chính sách riêng là không thu phí, lệ phí đối với người dân khi chuyển đổi giấy tờ, giải quyết thủ tục hành chính do sắp xếp đơn vị hành chính nên người dân, cán bộ, đảng viên đồng thuận rất cao.