Theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, các khu vực dân cư bãi sông Hồng được tồn tại gồm: Khu dân cư thuộc các xã Chu Phan-Tráng Việt (huyện Mê Linh), Tàm Xá-Xuân Canh (huyện Đông Anh), các phường Nhật Tân-Tứ Liên (quận Tây Hồ), Hoàng Mai, Thanh Trì 1, Thanh Trì 2 (quận Hoàng Mai), các xã Đông Dư-Bát Tràng và Kim Lan-Văn Đức (huyện Gia Lâm).
Ngoài ra, những khu vực dân cư hiện có ở bãi sông thuộc các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình và Hai Bà Trưng cũng được tồn tại, chỉnh trang. Nội dung này có ý nghĩa hết sức thiết thực, đáp ứng mong mỏi của rất nhiều hộ dân sinh sống lâu năm tại khu vực ngoài bãi sông vốn phải chịu cảnh nhà cửa xuống cấp nhưng không được sửa chữa, xây mới vì phải chờ đợi quy hoạch.
Tuy nhiên, sau hơn một năm Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt, cho đến nay việc triển khai quy hoạch chưa đáp ứng được mong đợi của người dân. Anh Nguyễn Văn Chi, người dân sinh sống khu vực bãi sông Hồng thuộc phường Quảng An (quận Tây Hồ) cho biết, gia đình anh sinh sống ổn định hơn 30 năm tại đây, nhưng hệ thống hạ tầng đô thị xuống cấp, không được đầu tư, cải tạo. Người dân có nhu cầu xây dựng, cải thiện chỗ ở. Vì thế, gia đình anh rất vui mừng khi khu vực gia đình sinh sống được định hướng quy hoạch khu dân cư. Tuy nhiên đến nay, ngoài bản vẽ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 được công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường, anh không có thông tin gì mới hơn.
Phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) có hơn 11 nghìn nhân khẩu sinh sống tại khu vực bãi sông Hồng, người dân rất vui mừng khi khu dân cư được định hướng quy hoạch giữ lại ổn định để chỉnh trang và hy vọng chỗ ở chật chội của nhiều gia đình sẽ nhanh chóng được cải thiện. Hệ thống hạ tầng được đầu tư nâng cấp phục vụ người dân. Tuy nhiên, đến nay, nhiều ngôi nhà đã xuống cấp nhưng vẫn không thể xây dựng.
Theo đại diện Ủy ban nhân dân phường Lĩnh Nam, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn vì nhiều năm qua không được xây dựng nhà ở. Thậm chí nhiều trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng gặp nhiều khó khăn khi xin phép xây dựng. Đây là nội dung đã được các cử tri phản ánh nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Để giải quyết bức xúc của người dân, chính quyền quận chỉ có thể cho phép người dân cải tạo, sửa chữa nhà ở khi xuống cấp, còn nhiều trường hợp chưa thể giải quyết. Vì thế, chính quyền và người dân đều mong muốn quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sớm được triển khai.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay sau khi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã có nhiều văn bản đôn đốc các quận, huyện nhanh chóng rà soát dân cư, cắm mốc giới, thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500. Đến nay một số quận, huyện đã rà soát xong và có đề xuất ban đầu, nhưng vướng mắc lớn nhất khi thực hiện các quy hoạch chi tiết là sông Hồng chảy qua nhiều địa bàn, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố. Mọi hoạt động liên quan đến bờ sông đều phải thông qua các bộ, ngành liên quan dẫn đến quá trình triển khai kéo dài.
Mới đây, tại buổi đối thoại với cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố Hà Nội do Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, theo quy hoạch, sông Hồng sẽ đi qua trung tâm thành phố, kết hợp với trục: Hồ Tây-Ba Vì, Hồ Tây-Cổ Loa, Nhật Tân-Nội Bài và trục phía nam Hà Nội, trở thành năm trục chính trong định hướng điều chỉnh quy hoạch. Cuối năm 2023, đầu năm 2024, cùng với tiến độ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, thành phố sẽ đồng loạt triển khai các quy hoạch hai bên sông Hồng. Quá trình triển khai, các đơn vị chức năng sẽ lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trước khi trình duyệt hồ sơ và báo cáo các cấp có thẩm quyền.