Người Đan Lai vươn lên đón nắng mới

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, những năm gần đây, cuộc sống của người Đan Lai ở tỉnh Nghệ An đã có nhiều thay đổi tích cực, tự tin hòa nhập cộng đồng, nhất là ở điểm tái định cư bản Cửa Rào, xã Môn Sơn và bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ nữ Đan Lai ở bản tái định cư Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An) đi thăm đồng.
Phụ nữ Đan Lai ở bản tái định cư Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An) đi thăm đồng.

Vượt qua quãng đường khá dài, chúng tôi trở lại Thạch Sơn vào buổi sáng với tiết trời khá mát mẻ. Đón chúng tôi ở đầu bản, Trưởng bản Thạch Sơn Lê Văn Hào dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh bản.

Sức sống nơi tái định cư

So với lần chúng tôi về Thạch Sơn cùng đoàn thiện nguyện mấy năm trước, diện mạo bản tái định cư Thạch Sơn nay đã khác nhiều. Ven đường, các vườn keo lên xanh tốt. Từng đàn trâu, bò đang gặm cỏ; thi thoảng một vài người dân vội vã lùa bầy dê đi kiếm ăn...

“Ngoài trồng lúa và keo, ngô, nhiều hộ gia đình ở Thạch Sơn có đàn trâu, bò với số lượng đáng kể, như gia đình ông La Quang Vinh có 9 con; ông La Đình Thám có 6 con; ông Lê Văn Lợi có 7 con, kinh tế của đồng bào ngày càng được cải thiện…”, Trưởng bản Thạch Sơn phấn khởi cho biết.

Bản tái định cư Thạch Sơn được đầu tư xây dựng năm 2006, kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, gồm: Nhà ở, đường giao thông, nhà vệ sinh, điểm trường mầm non, tiểu học, điện sinh hoạt… 42 hộ gia đình người dân tộc Đan Lai từ vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát đã được đón về đây sinh sống. Vốn quen sống nơi rừng sâu, cuộc sống khép kín, cho nên thời gian đầu, nhiều gia đình bỏ khu tái định cư trở về nơi ở cũ. Để đồng bào gắn bó với nơi ở mới, xây dựng cuộc sống ấm no, văn minh hơn, chính quyền địa phương và lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phải nỗ lực rất lớn.

Ông Nguyễn Đàm Minh, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn cho biết, thời gian đầu, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, Bộ đội Biên phòng phải vào bản, cùng ăn, cùng ở với đồng bào để giúp đỡ, tuyên truyền vận động để họ hiểu và không bỏ vào rừng sâu. Đến giờ, cơ bản cuộc sống của người dân đã ổn định, mỗi năm trồng hai vụ lúa nước, trồng keo, chăn nuôi… Từ 42 hộ ban đầu, nay đã tăng lên 55 hộ, với 276 nhân khẩu.

Đặc biệt, ở Thạch Sơn đang có khoảng 15 thanh niên đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và hơn 30 thanh niên đi làm công nhân ở các tỉnh, thành phố trong nước. “Hồi mới về đây mỗi buổi sáng thức dậy, nghe tiếng gà gáy là tôi nhớ về quê cũ. Giờ thì quen rồi nên không muốn về nữa. Cuộc sống ở nơi đây tốt hơn, con cái được đi học, ốm đau có trạm y tế, không phải đi tìm củ nâu, củ khúa để ăn như trước nữa”, bà La Thị Hồng, 52 tuổi, vui vẻ chia sẻ.

Rời Thạch Sơn, đi thêm khoảng 40 km nữa, chúng tôi đến bản Cửa Rào, bản tái định cư đầu tiên của người Đan Lai. Từ 20 hộ dân ban đầu, nay Cửa Rào đã có 36 hộ dân, với gần 170 nhân khẩu. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, nay người dân trong bản đã thành thạo việc cấy hái, chăn nuôi, cuộc sống ngày càng khởi sắc.

Ghé thăm nhà bà La Thị Nguyệt, hộ gia đình người Đan Lai đầu tiên ở xã Môn Sơn viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, bà Nguyệt cho biết, tuy còn khó khăn nhưng cuộc sống giờ đã tốt hơn rất nhiều. Hiện nay, với việc trồng lúa nước, rau màu, chăn nuôi trâu, bò, gà, vịt, mỗi năm gia đình bà dành dụm được từ 40 đến 50 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Trà, Trưởng bản Cửa Rào cho hay, Cửa Rào ngày càng có nhiều tiệm tạp hóa được mở, hoạt động buôn bán cũng trở nên sôi động hơn. Nhiều hộ mua sắm ti-vi, xe máy. Người dân bản khác còn mang lúa đến Cửa Rào để xay.

Cuối năm 2023, Cửa Rào có thêm ba hộ gia đình tự nguyện xin thoát nghèo, gồm hộ ông La Văn Sơn (sinh năm 1976), La Văn Bảy (sinh năm 1983) và La Văn Quân (sinh năm 1976). Bên cạnh lĩnh vực kinh tế khởi sắc, ngày càng có nhiều thanh niên người dân tộc Đan Lai khi đến độ tuổi kết hôn đã lập gia đình với người đồng bào dân tộc khác. Ngay trên địa bàn xã Môn Sơn, nhiều phụ nữ dân tộc Đan Lai làm dâu các gia đình người dân tộc Thái, giúp giảm nguy cơ suy thoái giống nòi do hôn nhân cận huyết.

Các hộ dân ở rừng sâu cần sớm được hỗ trợ

Tộc người Đan Lai sinh sống tập trung đông trên địa bàn huyện Con Cuông, có 785 hộ, với 3.528 nhân khẩu, chiếm 4,8% dân số toàn huyện, tập trung chủ yếu tại đầu nguồn các khe, suối của Vườn quốc gia Pù Mát. Ngoài ra, còn khoảng 200 hộ sinh sống ở hai xã Tam Quang và Tam Hợp của huyện Tương Dương.

Ở vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát, nơi thượng nguồn Khe Khặng, tộc người Đan Lai sinh sống tại bản Búng và bản Cò Phạt thuộc xã biên giới Môn Sơn, cách trung tâm huyện Con Cuông khoảng 40km, đi lại chủ yếu là đi bộ theo lối mòn và thuyền ba lá dọc theo khe suối. Do điều kiện cách biệt về địa lý, điều kiện lịch sử và các tập tục lạc hậu, cuộc sống tộc người Đan Lai dựa vào rừng, chủ yếu là săn bắn, hái lượm và phát rừng làm rẫy cho nên thiếu đói quanh năm. Đáng chú ý, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến tộc người có chiều hướng suy thoái giống nòi…

Thực hiện Quyết định số 3830/QĐ-UBND ngày 23/10/2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án đầu tư thực hiện tái định cư cho đồng bào tộc người thiểu số Đan Lai, năm 2002, huyện Con Cuông tổ chức di dời 36 hộ ở bản Búng và bản Cò Phạt ra khu tái định cư gần trung tâm xã Môn Sơn.

Tại điểm tái định cư, các hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở, cấp đất sản xuất, lương thực và đồ dùng sinh hoạt (giường, chiếu, chăn, màn…), hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi, giống, hỗ trợ mua dụng cụ sản xuất như: Cày, bừa, cuốc, xẻng; được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác, xây dựng vườn hộ gia đình và trang trại…

Nhằm tiếp tục bảo tồn phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Đan Lai, ngày 19/12/2006, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 280/2006/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An” (gọi tắt là Đề án 280), hàng chục hộ dân người Đan Lai tiếp tục được hỗ trợ di chuyển ra khỏi vùng lõi Vườn quốc gia đến sinh sống các điểm tái định cư gần trung tâm các xã.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Con Cuông Lô Văn Thao, với việc thực hiện Đề án 280 và sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến nay, đời sống của người Đan Lai đã có nhiều khởi sắc. Về phát triển kinh tế, từ hái lượm, sản xuất tự nhiên, người Đan Lai đã có kỹ thuật chăn nuôi trâu bò, lợn nuôi nhốt, biết sản xuất lúa nước, tăng năng suất lúa từ 1,5-3 tấn/ha. Từ chỗ chỉ khai thác lâm sản theo tự nhiên, người Đan Lai nay đã biết trồng rừng nguyên liệu, nhận khoán bảo vệ rừng cho Vườn quốc gia Pù Mát. Giáo dục, y tế, chất lượng dân số… đều có điều kiện phát triển hơn trước khi thực hiện đề án.

Chia sẻ về những khó khăn mà địa phương đang gặp phải trong công tác ổn định đời sống cho người Đan Lai, ông Thao cho biết, trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát quản lý đang có hơn 230 hộ gia đình, với hơn 1.000 nhân khẩu sinh sống tại bản Cò Phạt và bản Búng (xã Môn Sơn).

Do nguồn kinh phí được cấp để thực hiện các dự án tái định cư có hạn, khó khăn về quỹ đất ở và đất sản xuất để bố trí cho người dân tái định cư, nên địa phương chủ trương ổn định đời sống tại chỗ cho các hộ dân này. Thế nhưng, hiện tại, các hộ dân này vẫn chưa được giao đất ở và đất sản xuất để ổn định cuộc sống. Việc này cũng khiến công tác xây dựng nhà cho các hộ nghèo gặp nhiều khó khăn.

Bàn về giải pháp, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Con Cuông Trần Anh Tuấn cho biết, địa phương mong muốn, Ủy ban nhân dân tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí cắm mốc, trích lục đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính khu đất Vườn quốc gia Pù Mát tự nguyện trả lại theo phương án đã phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường sớm hướng dẫn Vườn quốc gia Pù Mát hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giao đất cho cộng đồng tộc người Đan Lai sinh sống tại bản Cò Phạt và bản Búng.