Náo nức tiếng máy cày
Giữa chốn sơn cùng thủy tận, chúng tôi ngỡ ngàng khi nghe tiếng máy cày náo nức sau những lùm cây bao quanh phía trước bản Cò Phạt. Chúng tôi háo hức như những đứa trẻ ở quê lần đầu nhìn thấy chiếc máy cày đang phăm phăm dọc ngang trên ruộng nước hình “tay áo” của tộc người Đan Lai. Đại úy Nguyễn Trung Kiên, trưởng Trạm biên phòng Khe Khặng chỉ tay về phía chiếc máy cày lấm lem bùn đất, nói: “Máy cày của ông La Văn Đoàn, dân bản Cò Phạt đấy. Đây là vụ đông xuân đầu tiên đồng ruộng người Đan Lai có máy cày”.
Chúng tôi men theo bờ ruộng để chụp hình ông Đoàn đang điều khiển máy cày như điều khiển một báu vật của tộc người này. Ông Đoàn giải thích: “Cả đời mô biết máy cày, mua về tự mày mò rồi mần luôn”. Sở dĩ ông Đoàn mua máy cày là do “nhà không có tru (trâu) nên phải dùng máy cày thay tru”. Ông bảo, cày ruộng của nhà mình xong thì cày thuê cho những nhà có tru còn nhỏ để kiếm tiền xăng. Nói đoạn, ông cười, phô hai hàm răng đen bóng. Chúng tôi ngạc nhiên về một người Đan Lai đã sắm được máy cày thì ông Đoàn nói: “Tiền vay ngân hàng 15 tiệu (triệu). Ta mới đủ sức mua máy cũ thôi. Vườn ta có 700 cây cam, tính gom tiền bán cam để trả nợ ngân hàng, lúa để ăn đợi đến mùa sau”.
Quanh thửa ruộng ông Đoàn đang cày có ba tốp gái bản Đan Lai đang mải mê cấy lúa. Thấy chúng tôi chụp ảnh, một cô gái nói: “Chụp phải mất tiền đó, tưởng bở”. Câu nói đùa của gái bản Đan Lai khiến chúng tôi ngạc nhiên về sự tinh nghịch không khác gì con gái dưới xuôi.
Rời “cánh đồng” bé nhỏ, chúng tôi đến nhà ông La Văn Linh, Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt. Ông Linh cho hay, ngoài máy cày của ông Đoàn, còn có một máy cày nữa của ông La Văn Thìn. Nhờ có hai máy cày nên vụ đông xuân năm nay dân bản làm kịp thời vụ trên diện tích hơn 8 ha”. Hơn 8 ha, mỗi năm hai mùa đông xuân và hè thu, năng suất 3,5 tấn/ha thì 115 hộ (500 nhân khẩu) của bản Cò Phạt vẫn chưa đủ ăn nên hàng năm tỉnh phải hỗ trợ gạo. Ông Linh nói: “Nơi sống phải có đất cho dân trồng lúa. Lúa không đủ ăn thì phải có đất vệ rừng cho dân trồng cây keo, cây mía. Được thế thì bà con Đan Lai mới có sức phấn đấu theo đồng bào các dân tộc khác”.
Gái bản Đan Lai đang cấy lúa.
Chuyện đẻ ngồi…
Chứng minh cho sự “lột xác”của tộc người Đan Lai, ông Linh không ngần ngại nhắc lại những hủ tục truyền đời giống như cái “vòng kim cô” từng ngự trị bản mường bao đời nay. Đó là hủ tục đẻ ngồi; nhúng trẻ sơ sinh xuống nước sáu, bảy lần; đêm ngủ không được mắc màn; ngủ trên sạp nứa, sạp mét thay vì ngủ trên giường…
Chúng tôi nêu câu chuyện do ông La Văn Liễu (60 tuổi, hai vợ, 14 con) kể lại với hình ảnh - sản phụ khi sinh không nằm thay vì ngồi. Để ngồi vững, hai tay sản phụ nắm chặt sợi dây buộc từ xà nhà thả xuống vừa tầm tay với trước mặt. Theo ông Liễu, ngồi đẻ dễ hơn nằm vì nằm sợ con khó ra do dồn lên phía trước. Ông Linh bảo: “Ngày xưa mỗi cụm bản chỉ có hai - ba nhà. Thú dữ lại nhiều. Con khái (hổ) có thể rình chộp cả nhà bất cứ lúc nào nên đêm đến dân phải ngủ ngồi để nghe động là chạy ngay. Có ông chồng làm chòi trên cành cây, đưa vợ con lên đó ngồi ngủ. Đẻ ngồi cũng do sợ khái vồ sinh ra. Vả lại, do không có người đỡ đẻ nên họ tự ngồi đẻ trong nhà. Vợ đẻ xong, chồng đem con xuống suối rửa rồi nhúng sáu, bảy lần cho quen nước để không mắc bệnh cảm cúm. Đứa nào sống thì ba tuổi là biết bơi. Cứ thế nó khỏe mãi đến già”.
Theo ông Linh, giờ tục ngủ ngồi không còn nữa do bản mường không còn hoang vu như trước, thú dữ cũng “đi đâu cả rồi”. Bản lại có Trạm quân dân y kết hợp của Bộ đội Biên phòng, có giường đẻ hẳn hoi nên không còn ai ngồi đẻ ở nhà nữa.
Nam nữ thanh niên thay đổi bản mường
Chúng tôi đang vui chuyện thì một cô gái Đan Lai từ ruộng về. Ông Linh giới thiệu đó là con gái thứ ba của ông, tên La Thị Sài. Ông bảo: “Nó đi cấy lúa về đấy”. Nghe vậy, Sài lên tiếng: “Lúc nãy, cháu đùa thế các chú có chụp được ảnh không”. Hóa ra cô gái nói vẻ tinh nghịch là đây.
Sài là cô gái Đan Lai đầu tiên được UBND xã Môn Sơn giới thiệu cho công ty đưa người đi xuất khẩu lao động sang Ả Rập Xê Út từ năm 2016. Chuyện xuất ngoại của Sài lại khiến chúng tôi ngạc nhiên bởi khi “mới tám tuổi đã theo chị đi hái măng, lấy củi hai, ba ngày trong rừng. Lớn lên, men theo khe suối ra trung tâm xã học hết THPT rồi sang tận Ả Rập Xê Út lao động kiếm tiền”.
Sài tâm sự, ngoài số tiền ít ỏi gom góp được về giúp cha mẹ sửa chữa lại ngôi nhà sàn rách nát không quan trọng bằng tuổi trẻ của đời mình không bị chết chìm giữa núi cao, rừng sâu thay vì được làm việc, tiếp xúc với xã hội bên ngoài, nơi có cuộc sống văn minh hơn dân tộc nhỏ bé của mình. Nhớ buổi đầu ấy, Sài không giấu giếm tâm lý hoang mang của một cô gái Đan Lai khi rời bản: “Lúc đầu đi cháu sợ người ta bắt lắm. Nhưng thấy cô giáo La Thị Hằng đi dạy tiểu học, lấy chồng là anh Vi Văn Thảo, Bí thư xã đoàn Môn Sơn nên nghĩ, mọi người đi ra sẽ làm thay đổi được cuộc sống cho giống nòi thì cháu mới dám đi”. Thấy Sài đi yên ổn, em trai của Sài cũng đi xuất khẩu lao động bên Malaysia. Sau chị em Sài, hiện có sáu thanh niên bản Cò Phạt đang lao động ở nước ngoài.
Ông La Văm Tám, trưởng bản Cò Phạt nêu thêm một thay đổi không ngờ tới: “Trai, gái Đan Lai đi ra, mang nhận thức từ xã hội về làm thay đổi bản mình. Thay đổi lớn nhất là chính lớp trẻ này đã phá vỡ hủ tục hôn nhân cận huyết do trước đây quanh năm sống co cụm trong rừng nên anh em lớn lên chỉ biết lấy nhau vì không biết lấy ai. Giờ có tám nam nữ thanh niên đi làm công nhân ở miền nam thì ba người lấy vợ người Kinh, năm người lấy chồng thuộc các dân tộc khác ở các tỉnh Kiên Giang, Tây Ninh…”.