Ngọt ngào then, tính trên đất bazan

Mỗi khi tiếng đàn tính hòa cùng điệu hát then với âm thanh réo rắt, ngọt ngào, ấm nồng, da diết cất lên giữa núi rừng Tây Nguyên, những bước chân của người Tày, Nùng, Kinh, Ê Đê, Mơ Nông… lại rầm rập thêm xích về gần nhau.

Khu du lịch Tà Đùng (Đác Nông).
Khu du lịch Tà Đùng (Đác Nông).

Mang đàn tính đi can cuộc ẩu đả

Nhà nhà hối hả luyện hát then để diễn trong ngày xuân Kỷ Hợi, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nông Văn Hưu (người Tày, gốc Cao Bằng, Chủ nhiệm CLB hát then Nam Dong, huyện Cư Jut, Đác Nông) hát vang bài “Mùa xuân đất nước”. Bao đêm vượt núi mang tiếng hát then, đàn tính kết nối các buôn làng, ông Hưu không nhớ nổi. Tiếng hát vang đến đâu thì chảy trong huyết quản mỗi người đến đó.

Nhớ ngày tháng cũ, già làng Y Song bấm ngón tay, ít năm trước, ngày xuân vui nhưng căng lắm. Rượu mềm môi là xóm làng đảo điên với âu lo. Giữa lúc ấy, nghệ nhân Nông Văn Hưu cùng nhiều người khác mang đàn tính “xông vào” các đám đông vừa can ngăn vừa hát vang bài then “Bên nhau yêu thương”, “Ngày xuân hy vọng”…

Những nghệ nhân như thế đã kêu làng trên, xóm dưới ở Đác Nông, Đác Lắc lập nên các nhóm hát then, cùng thi thố trong những ngày Tết. Đó cũng là lúc trải lòng, trao cho nhau kiến thức, những mô hình xây dựng đời sống mới. Đàn tính, hát then như mạch nước mát trong đi vào lời ru trẻ thơ, theo chân các hòa giải viên, hiện hữu trong đời sống vợ chồng.

Đi từ ngỡ ngàng đến yêu và “nghiện” hát then, Nông Văn Thắng cùng hàng chục lực điền khác ở Nam Dong bộc bạch: Lạ thật. Cứ như lời ru nhẹ nhàng, sâu thẳm mà ấm áp, ngấm sâu vào các gia đình ở Tây Nguyên này. Từng thường xuyên say xỉn và nói chuyện với vợ bằng nắm đấm nhưng Thắng và bạn bè mình đã từ giã thói xấu sau khi được chính vợ các anh hát then vào tai.

Quả ngọt sau gian lao

Xem tiếng đàn tính, hát then như hơi thở cuộc sống suốt hơn nửa thế kỷ, nghệ nhân Nông Văn Hưu nghiệm ra, tiếng đàn cũng như tiếng lòng người vậy. Trong hơn 200 bài then ông Hưu đã sáng tác thì tất cả đều chứa năng lượng tích cực trong từng câu chữ, không có bất cứ làn điệu nào nói về sự hiềm khích hay cạnh khóe. Ông cùng các nghệ nhân khác luôn tâm niệm: Phải dùng chính cái đẹp, cái tình, cái nghĩa để đánh bay cái xấu. Đàn tính được coi là Thiên cầm, tức cây đàn được trời ban cho, nó quyện vào điệu then để làm sứ mệnh xây dựng cuộc sống tươi vui như chính những ngày xuân vậy. Những người học đàn tính, hát then cũng là học thêm cái đức độ, cái nhã nhặn trong sự đối đãi giữa các gia đình, các dân tộc với nhau.

Lệ thường, từ 25 tháng 12 âm lịch là các bài then ca ngợi mùa xuân đất nước đã vang rền khắp nơi. Đến nay đã có hơn 100 người Tày, Nùng, Ê Đê… thuộc vài chục điệu hát then để có thể truyền dạy cho người thân của mình. Mỗi ngày không đi truyền dạy miễn phí và biểu diễn hát then vài giờ là bà Đàm Thị Tuyên (Phó Chủ nhiệm CLB hát then Nam Dong) lại đứng ngồi không yên. Giãi bày lòng mình, bà Tuyên hát: “Đất nước yêu thương, lòng người rộn rã/Người bên người hãy biết thương nhau…”.

Từ những xóm nhỏ, những đêm hội ngày xuân, tiếng đàn tính, hát then ở Nam Dong còn vươn đi khắp nơi. Và, bài then “Khúc tâm tình
Đác Nông” do CLB hát then Nam Dong dàn dựng, khổ luyện đã giành giải B Liên hoan đàn tính toàn quốc lần thứ hai tại Cao Bằng. Bài then này do chính ông Hưu sáng tác. Nhiều câu được các tầng lớp nhân dân thuộc lòng như: “Cùng cất cao lời then/Giữa bạt ngàn xanh xanh hùng vĩ/Núi rừng ta lặng lẽ đơm hoa/Lời non nước đậm đà xao xuyến/Nghe bồi hồi thương mến ai ơi… Mời anh đến như là để nhớ/Mời chị qua khỏi lỡ người quen/Khúc tâm tình vang lên vang mãi…”.

Từ ngày thêm tiếng hát then…

Thấy rõ sức mạnh cổ vũ tinh thần từ những điệu then, nghệ nhân Nông Văn Hưu tự mò mẫm và hướng dẫn cho hàng trăm nông dân cách lên internet tìm địa chỉ, email của nhiều CLB hát then uy tín trong cả nước để trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Ông Hưu kể: Mê rồi thì gian khó nào cũng vượt qua được. Có người sẵn sàng bỏ tiền túi đi thi thố để nâng cao kỹ thuật đàn và hát. Những ngày Tết, hàng vạn khách quốc tế đến Tây Nguyên tham quan, chúng tôi vẫn sẵn lòng biểu diễn cho họ xem như chuyển tải thêm một nét đẹp của di sản văn hóa Việt Nam đến bạn bè năm châu vậy.

Đây là vùng đất quy tụ hàng chục thành phần dân tộc, trong đó có gần 3.000 người Tày, Nùng từ phía bắc vào. Hát then như một “đại sứ” đặc biệt tăng cường sự kết nối trong cộng đồng. Từ ngày có các CLB quan họ và hát then, cuộc sống thêm phong phú sắc mầu, đậm đà tình nghĩa và tươi vui ấm cúng. Từ Nam Dong, phong trào hát then đã lan đi khắp các huyện lân cận như Krông Nô, Đác Min… Xã Nam Dong đã xây dựng Quỹ văn nghệ để hỗ trợ các nghệ nhân biểu diễn và đi truyền dạy khắp nơi. Hiện, các trường học ở Nam Dong cũng đã đưa thêm hát then vào dạy trong các chương trình ngoại khóa.

Ngọt ngào then, tính trên đất bazan ảnh 1

NNƯT Nông Văn Hưu đã đoạt nhiều bằng khen, danh hiệu về đàn tính và hát then.

Nghệ nhân Nông Văn Hưu nhớ: Cỡ chục năm trước, có hôm nhà chật cứng người, phụ nữ người Tày, Nùng lẫn Ê Đê, Mơ Nông từ nhiều xã mang vỏ dừa, cán gỗ đến nhờ tôi làm đàn tính và xin bản thảo nhiều bài hát then về tình yêu, hạnh phúc gia đình để hát cho chồng con nghe trong những đêm xuân, những lúc nhọc nhằn. Có nhà, ban đầu vợ vừa đàn vừa hát nhưng sau đó chồng thích quá giành đàn hát luôn.