Giữ gìn “quốc bảo”

Sâm Ngọc Linh là bảo vật thiên nhiên ban tặng cho Quảng Nam và Kon Tum. Nhưng giá trị ấy trở nên mong manh do “cơn bão” hàng giả tràn về khi có những loại “đội lốt” sâm Ngọc Linh bị “thổi” giá lên hàng trăm triệu đồng/kg… Tháng 9-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt trọng tâm đưa “quốc bảo sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh”. Đây là tín hiệu vui, cũng là thách thức trong việc bảo tồn nguồn gen quý.

Sâm Ngọc Linh “ngủ đông”.
Sâm Ngọc Linh “ngủ đông”.

Giữa “muôn trùng vây”

Tháng 3-1973, Tổ điều tra dược liệu phía đông dãy Trường Sơn của Ban Dân y khu 5, do dược sĩ Đào Kim Long dẫn đầu, sau nhiều ngày băng rừng, ở độ cao 1.800 m, phát hiện một loại củ giống củ gừng. “Lúc đó, đoàn mệt mỏi, nhu yếu phẩm cạn kiệt, nhấm nháp thứ củ đó thấy khỏe lại. Đoàn hào hứng vượt lên cao 200 m nữa. Tại một thung nhỏ, tìm thấy sâm quần tụ dưới gốc cây, đoàn lấy mẫu, ghi chép tư liệu và đặt tên là sâm trúc, chính là sâm Ngọc Linh sau này!”, dược sĩ Đào Kim Long cho biết.

Nhiều năm gắn bó với cây sâm, ông Đặng Ngọc Phái, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam kể lại: “Những năm trước ở độ cao 1.400 m đã tìm thấy sâm. Nhưng nay, phải ở độ cao 1.800 m mới có sâm”. Cụ thể hơn, ông Phái cho hay: “Ngay chỗ nhà ông Hồ Văn Du, nóc Măng Lùng (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My), hồi bấy giờ đã tìm được sâm”.

Ngọc Linh là dãy núi nằm trên địa bàn ba huyện Nam Trà My (Quảng Nam), Tu Mơ Rông và Đác Glây (Kon Tum). Đã hơn 40 năm phát hiện loài sâm quý mọc trong rừng nguyên sinh trên sườn Ngọc Linh, cũng ngần ấy thời gian, cái ăn chi phối đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi thế, nhiều cánh rừng nhường đất cho nương rẫy, sâm Ngọc Linh bị thu hẹp diện tích, thậm chí đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nay phải lên cao hơn nữa sâm mới phát triển.

Cây sâm Ngọc Linh lớn chậm, bốn năm ra hoa lần đầu, đậu được khoảng 20 hạt giống. Hạt sâm là món khoái khẩu của chim và chuột. Ông Trần Út, Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, cho biết: “Chúng tôi đau đầu nghiên cứu bảo vệ cây sâm trước loài chuột”. Tiếp quản trại sâm từ Sở Y tế chuyển qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Út cho hay: “Ba năm nay, cây sâm đối diện bệnh đốm vàng, lở cổ rễ, thối rễ... Chưa tìm được thuốc đặc hiệu”.

Giá sâm mỗi ngày một tăng. Bởi thế mới có chuyện một số chủ vườn sâm nhỏ lẻ huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) trồng tam thất hoang, sâm Lai Châu trong vườn của mình. Hai loại cây này có tốc độ sinh trưởng nhanh, chống chịu được sâu bệnh nhưng trồng gần sẽ khiến nguồn gen sâm Ngọc Linh bị thoái hóa. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết: “Huyện đã khoanh vùng giống, tuyệt đối cấm các loại cây trồng khác”.

Cùng với biến đổi khí hậu, sâm Ngọc Linh ngày càng hiếm, giá sâm lên cao. Hiện lá sâm tươi bán được tám triệu đồng/kg, một hạt giống có giá 80 nghìn đồng, cây giống có giá 300 nghìn đồng, sâm củ có giá từ 60 - 120 triệu đồng/kg. Đây là cơ hội để sâm giả xâm nhập thị trường. Khách hàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua sâm, nhưng khó biết chính xác sâm Ngọc Linh hay tam thất hoang hoặc sâm Lai Châu khi từ củ, lá đến hoa đều tương tự nhau. Thực tế, hàm lượng saponin trong sâm Ngọc Linh được kiểm nghiệm lên đến 52 loại, là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất thế giới. Trong khi ở tam thất, sâm Lai Châu hàm lượng này rất thấp.

Sâm Ngọc Linh nằm giữa sức ép từ thời tiết, dịch bệnh cho đến con người. Việc bảo tồn sâm Ngọc Linh không chỉ gắn với việc bảo vệ sâm trước những tác động, xâm hại, mà còn gắn với việc bảo tồn nguồn gen quý, bảo vệ rừng, môi trường sống.

Bảo tồn gen quý

Thăm thẳm trong cánh rừng già ở độ cao 1.900 m, nơi đặt “đại bản doanh” của Trạm Dược liệu Trà Linh (thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu) ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, có 16 công nhân bảo vệ nghiêm ngặt vườn sâm “nguyên bản” của tỉnh nhiều năm qua. Trạm trồng và quản lý 8,5 ha với 238 nghìn cây sâm Ngọc Linh.

Lần trước, đến đây vào mùa mưa, chúng tôi chứng kiến cơn lũ núi ầm ầm “cắt” mọi nẻo đường vận chuyển nhu yếu phẩm. Nay, vào mùa khô, trời đỡ rét. Mây trắng bồng bềnh từ lưng chừng núi cuộn trào lên, trên đỉnh Ngọc Linh tràn xuống, những thợ ảnh nghiệp dư như chúng tôi thấy đẹp mê hồn. Nhưng người sống nơi đây lại thấy “đẹp nao lòng”. “Nghĩa là buồn các anh ạ!”, cánh công nhân tếu táo.

Công nhân tại trạm mỗi năm có hơn mười ngày phép, đến Tết thì cắt cử nhau về nhà, còn phần lớn thời gian sống biệt lập trên núi, ăn ngủ cùng sâm. Nguyễn Văn Biển là người dưới xuôi lên trên này. 5 năm trước, Biển mặc chiếc áo mầu cà-rốt và chụp ảnh với tôi. Nay trở lại, vẫn thấy Biển mặc chiếc áo năm xưa. Biển “thủy chung” với rừng, từng gốc cây, tán lá, Biển thuộc nằm lòng. Hồ Văn Quy, người Xơ Đăng, dáng thư sinh nhưng leo núi rất khỏe, cũng vậy. Quy gắn bó với trạm nhiều năm, hiểu từng cây sâm. Hai trong nhiều chàng trai như thế nguyện gắn với rừng, bảo vệ cây sâm.

Năm nay là năm thứ 39, ông Hồ Văn Du, người Xơ Đăng, ở nóc Măng Lùng, sống với cây sâm. Ngần ấy năm, ông Du nhận ra giá trị của “quốc bảo”. Không chỉ tự phát huy giá trị kinh tế, ông còn bày cho mọi người trong nóc cách trồng sâm. “Bà con được quan tâm, cấp giống mừng lắm! Nay dân hiểu rồi, họp thôn tuyên truyền bỏ phát rừng, nên chỉ làm ở những đám ruộng cũ thôi”, ông Du biết kỹ về bà con, về trạm sâm bởi ông làm Trưởng trạm Dược liệu Trà Linh đã mấy năm nay.

Cây sâm thấp nhất phải năm thứ bảy mới cho thu hoạch, vì thế, người dân xác định “lấy ngắn nuôi dài” thế nào cho thật hài hòa. Ngoài diện tích sâm tập trung do Trạm Dược liệu Trà Linh quản lý, xã Trà Linh có gần 440 ha sâm được người dân trồng rải rác theo nhóm hộ. Từ khi xây dựng vùng trồng sâm nhân dân, nhiều hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo, dần biết cách làm giàu.

Sâm Ngọc Linh chỉ phát triển dưới tán rừng tự nhiên có độ che phủ tối thiểu đạt 70%, ở độ cao từ 1.200 m đến 2.500 m trong vùng núi thuộc quần thể Ngọc Linh. Để bảo tồn giống sâm, Trạm Dược liệu Trà Linh duy trì môi trường tự nhiên. Sâm sinh trưởng tốt khi mọc sát gốc cây gỗ, cây tái sinh, bởi vậy, trạm hạn chế tối đa tác động bất lợi môi trường rừng, công nhân của trạm chỉ phát dọn dây leo, bụi rậm, tuyệt đối không tác động cây gỗ và cây tái sinh.

Năm xã Văn Xuôi, Đác Na, Măng Ri, Ngọc Lây và Ngọc Yêu (Tu Mơ Rông, Kon Tum) cũng có cách làm hay. Tại đây, các hộ đều có người làm công nhân vườn sâm. Với việc lấy mùn, nhổ cỏ dại, bắt chuột, đuổi chim, thu hoạch hạt giống, tuần tra, công nhân nhận lương 3,5 triệu đồng/tháng. Theo ông Lê Đức Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Duy Tân, đơn vị quản lý 4.756 ha rừng trồng sâm ở Kon Tum, “chỉ đàn ông mới có “nguy cơ” phá rừng, may mắn là đàn ông làm công nhân, vợ con họ thâm canh ruộng cũ, nên phá rừng không xảy ra”.

Để bảo vệ rừng, có nguồn nguyên liệu dồi dào, tạo đà cho ngành công nghiệp sâm phát triển, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) chủ trương phát giống, nhân thêm diện tích trồng sâm trong dân. “Mỗi hộ dân, được phát 100 cây sâm giống/năm, tính thành tiền là khoản không nhỏ”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Vương Văn Mười, chia sẻ.

Trong tương lai không xa, sâm Ngọc Linh mang đến cơ hội phát triển kinh tế không chỉ của các “phum, nóc” trên dãy Ngọc Linh mà của cả hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.

Giữ gìn “quốc bảo” ảnh 1

Sâm sinh trưởng tốt khi mọc sát gốc cây gỗ.

Hướng tới ngành công nghiệp sâm là hướng tới giá trị gia tăng. Tháng 9-2018, Viện Nghiên cứu hồng sâm của Hàn Quốc cùng nhiều công ty Hàn Quốc ký với tỉnh Kon Tum, đầu tư vào sâm Ngọc Linh và dược liệu. Chính quyền tỉnh Kon Tum cùng doanh nghiệp đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm sâm Ngọc Linh. Phía tỉnh Quảng Nam đang thực hiện Đề án Trồng, bảo tồn chủ động, kết hợp sản xuất giống sâm Ngọc Linh, áp dụng mô hình di thực sâm Ngọc Linh xuống đai thấp (1.300 m), tiếp tục so sánh chỉ tiêu sinh trưởng làm cơ sở mở rộng vùng sâm…