Hồi sinh làng nghề truyền thống
Bánh tráng Túy Loan được làm hoàn toàn thủ công, rất ngon, là món quà quê đầy ý nghĩa, cùng với món mì Quảng Túy Loan nổi tiếng, là những sản phẩm ẩm thực được cấp chứng nhận bản quyền. Đã có thời gian tưởng chừng mai một nhưng nhờ những nỗ lực thật sự từ mỗi người dân, làng nghề đang dần hồi sinh. Về thăm làng nghề độc đáo này, được ngồi nghe các bà, các mẹ trong làng, ở tuổi xưa nay hiếm, tự hào chia sẻ niềm tâm huyết và bí kíp để làm nên đặc sản nổi tiếng, mới rõ hơn ẩm thực có sức cuốn hút lạ kỳ. Tại thôn Túy Loan Đông 2, chúng tôi tìm gặp cụ Đinh Thị Túy Phong, 83 tuổi, để được nghe trọn câu chuyện về nghề bánh tráng. Trong ngôi nhà nhỏ nằm sau những cội mai già, lò tráng bánh của gia đình cụ Túy Phong luôn đỏ lửa và rộn rã tiếng cười. Đây cũng là một trong 10 hộ làm tráng bánh của làng hoạt động quanh năm. Để chuẩn bị cho một mẻ bánh ra lò, cụ Túy Phong cùng con gái là bà Nguyễn Đặng Thái Hòa, 46 tuổi, phải thức dậy từ hai giờ sáng để chuẩn bị tất cả các công đoạn từ bột gạo, mè, đến nhóm lò lửa và quây lồng than để nướng bánh. Cụ Túy Phong cho hay, do nhu cầu mua bánh của thị trường cho dịp Tết tăng gấp hai đến ba lần so với ngày thường cho nên từ giữa tháng 12 dương lịch hằng năm, nhiều hộ dân tại đây phải bắt đầu công việc từ 2, 3 giờ sáng. Để có nguyên liệu tráng bánh vào sáng sớm thì từ chiều tối hôm trước phải ngâm gạo và làm gia vị. Ngày thường, cơ sở này sử dụng khoảng 7 đến 8 kg gạo, cho ra khoảng 400 chiếc bánh loại lớn 40 cm. Còn từ đầu tháng Một (âm lịch) đến cận Tết Nguyên đán, mỗi năm, riêng hộ bà Túy Phong tráng gần 10.000 bánh mới đáp ứng đủ nhu cầu người dùng.
Tiếng lành đồn xa, món ngon nhớ mãi, vậy nên, nhiều người về làng Túy Loan đều tìm đến các hộ gia đình có lò tráng bánh, thưởng thức bánh tại lò rồi mua làm quà. Từ món bánh gia truyền người dân trong làng Túy Loan làm để sử dụng, biếu, tặng người thân, nay đã trở thành món bánh nổi tiếng khắp nơi. Ngoài việc lựa chọn gạo, mè, thì lựa chọn than củi rất quan trọng. Phải chọn củi, than loại tốt, "đượm" mới thổi lò đỏ, mới có than hồng để xông khô bánh. Khi than rực hồng, lò đỏ lửa phừng phực, đó là lúc việc tráng bánh bắt đầu. Thời gian để hoàn thành một chiếc bánh tráng tầm 3 đến 5 phút, người tráng phải cho bột đều tay, tròn bánh, tự căn chỉnh thời gian bằng cảm nhận và kinh nghiệm để khi tráng chiếc bánh dày hai lớp, cân đối. Điều đặc biệt là bánh tráng Túy Loan, cả loại lớn và loại nhỏ, đều được người dân hong, sấy khô bằng than trước khi đóng gói, chứ không phơi nắng như bánh tráng các nơi khác. "Từ hồi mới về làm dâu làng này, tôi đã thấy nhiều hộ dân trong làng tráng bánh. Lúc đó, đa phần các gia đình làm để sử dụng trong nhà. Gần 50 năm tráng bánh, tôi rất muốn trao truyền lại cho con cháu lớp sau. Hy vọng địa phương hỗ trợ thêm để khôi phục làng nghề này", cụ Túy Phong trăn trở.
Tiếp nối câu chuyện của cụ Túy Phong, chúng tôi được nghe lời tâm sự của cụ Nguyễn Thị Bàng, 87 tuổi, cùng trú thôn Túy Loan Đông 2: Bánh tráng Túy Loan được xông khô bằng một lồng tre, đường kính gần 3 m. Than trong lò cời ra, đem trải dưới lồng, lấy nhiệt làm khô bánh. Bởi vậy, bánh khi nướng lên có vị ngọt giòn, vàng rụm. Cụ Bàng kể, gia đình cụ thuần nông ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Trong ký ức của mình, cụ nhớ mãi những năm tuổi thơ, cứ mỗi mùa lúa, gia đình cụ thường để lại gạo ngon để đến ngày cận Tết, mang sang các gia đình có lò tráng bánh, gửi gạo để nhờ tráng vài chục bánh làm quà Tết. Trước hết là để mâm cúng ông bà tổ tiên có cái bánh tròn dày đầy đặn, sau là để các cháu con sum vầy thưởng thức. Đến khi về làm dâu ở làng Túy Loan, cụ gắn bó với những món ăn truyền thống của quê chồng, gắn bó và chơi thân như chị em với cụ Túy Phong. Ngày xưa ở làng Túy Loan, nhiều hộ có lò tráng bánh, nhưng rồi theo thời gian, các hộ làm bánh thưa dần. Có thể do công việc này vất vả và thu nhập chỉ trội nhất vào tháng Chạp, nên lớp con cháu sau này ít người còn theo nghề, còn người lớn tuổi thì già, mất hết. "Túy Loan trăm thứ đều ngon - Vừa vừa cái miệng kẻo chồng con hết nhờ! là câu ca dao ông cha đã đúc kết về các món ngon nơi đây. Bánh tráng Túy Loan ngon vì sự công phu, tài khéo trong lựa chọn thứ gạo thơm ngon làm nguyên liệu, tráng bánh, nhất là pha chế gia vị theo cách riêng cổ truyền. Dù có đi nơi nào, thưởng thức nhiều loại bánh tráng, thì cái hương vị của bánh tráng quê mình vẫn không thể lẫn vào đâu được. Đó như ký ức cả một đời người, ăn là nhớ quê, nhớ tuổi thơ của mình", cụ Bàng chia sẻ.
Phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng
Hòa Vang là huyện thuần nông duy nhất của TP Đà Nẵng, đây cũng là mảnh đất có hơn 27 di tích, trong đó có sáu di tích được xếp hạng và cấp bằng di tích cấp quốc gia, gồm đình làng Túy Loan, đình làng Bồ Bản, di tích Căn cứ Huyện ủy Hòa Vang, mộ danh nhân Đỗ Thúc Tịnh, miếu Ông Ích Đường và nhà thờ Chư phái tộc Quá Giáng. Nơi đây còn giữ gìn được gần như nguyên vẹn các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam như lễ hội đình làng, lễ hội Mục đồng, lễ hội mừng lúa mới của người Cơ Tu, lễ hội gắn với sinh hoạt của người dân địa phương. Đặc biệt có ba làng nghề mang tính đặc trưng, tiêu biểu, trong đó có làng bánh tráng Túy Loan. Về Hòa Phong, được trải nghiệm các giá trị văn hóa, được tìm hiểu các giá trị của đình làng Túy Loan có lịch sử gần 500 năm, tham quan nhà cổ Tích Thiện Đường với lịch sử hơn 200 năm tuổi và để hiểu hơn về con người nơi đây, không thể không thưởng thức vị đậm đà đặc trưng của ẩm thực mì Quảng với bánh tráng Túy Loan thơm giòn.
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Phạm Nam Sơn cho biết, huyện sẽ chủ động đề xuất thành phố ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho huyện phát triển. Bên cạnh phát triển kinh tế, huyện sẽ đầu tư kết cấu hạ tầng theo hướng đô thị, chú trọng đẩy mạnh đầu tư phát triển văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Tập trung đầu tư trùng tu, tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống, bản sắc riêng con người và vùng đất Hòa Vang anh dũng và nhân nghĩa.
Một trong những nỗ lực lớn của huyện Hòa Vang là tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa di sản, làng nghề truyền thống. Đầu xuân mới Tân Sửu 2021, huyện đưa vào triển khai Phố đêm Túy Loan tại xã Hòa Phong. Việc xây dựng Phố đêm Túy Loan có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 31-1-2018 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển xã Hòa Phong đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Đây là phố ẩm thực đầu tiên của huyện Hòa Vang, được đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng, nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm truyền thống, món ăn ẩm thực của địa phương đến với du khách trong, ngoài thành phố. Đây cũng là hoạt động nhằm phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, phục vụ du khách đến tham quan, mua sắm, tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa và trao đổi mua bán hàng hóa. Và tại Phố đêm Túy Loan, những đặc sản đầu tiên được giới thiệu đến người dân, du khách là bánh tráng Túy Loan và mì Quảng.
Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang Nguyễn Thị Vân, cho biết: "Hiện tại, trong xã có 10 hộ thường xuyên sản xuất bánh tráng, riêng dịp Tết Nguyên đán, trong xã có khoảng 40 hộ tham gia tráng bánh mới đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Hiện, bánh tráng Túy Loan đã được đăng ký bản quyền. Địa phương đã xây dựng đề án phục hồi làng nghề, hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi để đầu tư làm bánh. Mong muốn của địa phương là làm sao có thể kết hợp giữa việc khôi phục, phát triển làng nghề gắn với các tua du lịch tham quan, trải nghiệm thực tế tại làng nghề. Người dân bảo đảm cung ứng bánh đúng chất lượng và hy vọng tìm được một đơn vị nào đó nhận bao tiêu sản phẩm, để mở rộng được thị trường, phục vụ người dân. Thông qua đó để quảng bá đặc sản truyền thống thơm ngon của Túy Loan đến với bạn bè, du khách gần xa".
Hồi sinh làng nghề, đặc biệt là những làng nghề truyền thống như bánh tráng Túy Loan, đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền địa phương, khi lớp người "giữ lửa" như cụ Túy Phong tuổi ngày càng cao, lớp trẻ lại ít mặn mà, và bởi mỗi hồn cốt, giá trị làng quê đều bắt đầu từ những thanh âm làng nghề, gắn với các giá trị văn hóa một vùng quê giàu truyền thống. Như lời gửi gắm của cụ Túy Phong: "Dẫu thời gian trôi qua có nhiều thay đổi, chúng tôi vẫn tâm huyết, tỉ mẩn giữ lửa làng nghề. Tôi luôn tâm niệm một điều, bán cho khách cũng là bán cho chính mình, phải ngon, phải tốt thì mới là đặc sản Túy Loan, là hồn cốt của cả quê nhà".