Ở đây chỉ xin đề cập việc sử dụng các tác phẩm mỹ thuật trong công tác ngoại giao để quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, mở rộng hợp tác và giao lưu quốc tế.
Từ ý tưởng ban đầu của một số cá nhân, đầu tháng ba vừa qua Ban vận động "Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa" đã đưa ra kêu gọi họa sĩ Việt Nam tặng tranh cho các đại sứ quán của chúng ta ở nước ngoài. Thật bất ngờ, lời kêu gọi này lập tức được nhiều họa sĩ nhiệt tình hưởng ứng, còn những người làm ngoại giao hân hoan đón nhận. Chỉ trong vòng hơn một tháng, 68 bức tranh của hơn 30 họa sĩ đã được hiến tặng. Giữa tháng 4, những bức tranh đầu tiên được trao cho Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Dự kiến trong tháng 6, tranh sẽ tiếp tục được trao cho Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản; tiếp theo là tại Mi-an-ma và một số nước khác.
Ngoài tặng tranh, các họa sĩ sẽ được mời tham gia các sự kiện văn hóa của Việt Nam tại nước sở tại, mở ra một kênh đưa mỹ thuật Việt Nam đến với thế giới thông qua con đường ngoại giao.
Việc làm nêu trên có thể coi là một sáng kiến hay, "một sự tự phát đẹp đẽ" như lời của họa sĩ Phạm Hà Hải, thu hút sự quan tâm của công chúng và dư luận. Đến nay số lượng tác phẩm và họa sĩ hưởng ứng lời kêu gọi tặng tranh đang tiếp tục tăng lên. Vì sao sự "gặp gỡ" giữa hội họa và ngoại giao lại được hào hứng đón nhận như vậy?
Về phía ngoại giao, đó là vì một thời gian dài, do thiếu kinh phí và thiếu sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan văn hóa trong nước mà tại các cơ quan ngoại giao của chúng ta ở nước ngoài không có nhiều tác phẩm hay bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật Việt Nam. Đó là khiếm khuyết không nhỏ nếu so sánh với quy mô trang trí, trưng bày tác phẩm mỹ thuật tại các cơ quan ngoại giao của các nước khác trên thế giới.
Về phía các họa sĩ, đây là dịp để họ thể hiện tinh thần cống hiến sáng tạo cá nhân trên bình diện quốc gia, cùng với đó là cơ hội đưa tác phẩm ra thế giới, trước hết là trong giới ngoại giao.
Ý tưởng làm đẹp cho các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài bằng tác phẩm nghệ thuật rất đáng hoan nghênh và cổ vũ. Trong điều kiện kinh phí dành cho việc này còn hạn hẹp thì sự hiến tặng của các họa sĩ càng được trân trọng. Tuy nhiên, về cách làm, đã xuất hiện nhiều băn khoăn trong giới hội họa và những người nghiên cứu mỹ thuật. Đầu tiên là chất lượng các tác phẩm "cho, tặng" này đến đâu? Chúng thật sự tiêu biểu (với người tặng là các họa sĩ nổi tiếng) và có giá trị (với các họa sĩ khác) để đại diện cho hội họa Việt Nam tại các cơ quan ngoại giao chưa? Lường trước băn khoăn này, một hội đồng thẩm định đã được thành lập. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên hội đồng cho biết, bên cạnh việc đánh giá cao nhiệt tình của các họa sĩ, ông chưa hoàn toàn hài lòng với chất lượng tranh hiến tặng và "có sự khác biệt về đẳng cấp so với các bức tranh đặt hàng hoặc mua". Băn khoăn tiếp theo là, muốn có tác phẩm chất lượng cao ở tầm quốc gia nhưng thông qua việc quyên góp là chưa công bằng với lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ, đặc biệt trong cơ chế kinh tế thị trường. Ngoài tài năng, trí tuệ, người nghệ sĩ còn phải bỏ thời gian, công sức, tiền mua họa phẩm và vật liệu cần thiết để làm nên bức tranh. Chưa kể, có những họa sĩ cả đời chỉ sáng tạo được một, hai tác phẩm "để đời"..., mà cái gì càng hiếm lại càng quý.
Làm thế nào để vừa duy trì được nhiệt tình đóng góp của các họa sĩ, lại vừa có những tác phẩm thật sự giá trị phục vụ hoạt động ngoại giao văn hóa là câu hỏi không dễ trả lời. Chúng tôi cho rằng, về lâu dài, chúng ta cần có nguồn tài chính ổn định để mua những tác phẩm mỹ thuật xứng đáng. Trong điều kiện hiện nay, bên cạnh kêu gọi họa sĩ tặng tranh, nên chăng kêu gọi những người yêu hội họa, có tâm huyết và tiềm lực đóng góp vào một quỹ tài chính, có thể lấy tên của chính những người sáng lập chương trình quyên góp tranh, đó là quỹ Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa. Cần có cơ chế sử dụng quỹ công khai, minh bạch và vinh danh người đóng góp. Việc chọn mua tác phẩm nào sẽ phải thông qua sự thẩm định nghiêm ngặt của hội đồng nghệ thuật uy tín với sự tham gia của giới hội họa và ngoại giao. Ngoài ra, nên khuyến khích các tập đoàn kinh tế, các nhà sưu tập tư nhân đang sở hữu những bức tranh giá trị cho các cơ quan ngoại giao mượn tranh để phục vụ mục đích quảng bá với những ưu đãi phù hợp.
Còn trước mắt, bên cạnh việc tri ân các họa sĩ hiến tặng tranh bằng cách mời họ trực tiếp sang trao tranh cho các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài, các đại sứ quán nên hỗ trợ họa sĩ tham gia các trại sáng tác hoặc tổ chức triển lãm tại nước đó. Tự thân việc này đã làm nên hoạt động ngoại giao văn hóa. Sau từng đợt sáng tác, triển lãm, một phần các tác phẩm sẽ được tặng lại đại sứ quán theo nguyên tắc "win-win" (hai bên cùng đạt được mục đích). Về chất lượng tranh, cũng nên có sự minh định rõ ràng. Những bức tranh thật sự giá trị và có chủ đề phù hợp với hoạt động ngoại giao thì đưa vào bộ tranh treo cố định trong các đại sứ quán. Những bức tranh hiến tặng khác có thể xếp vào các bộ sưu tập mỹ thuật của đại sứ quán, phục vụ cho mục đích giao lưu, trưng bày, quà tặng... nhằm giới thiệu về dòng chảy đời sống mỹ thuật Việt Nam đương đại. Với một số cách làm như vậy, hy vọng trong tương lai, các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa cho hoạt động ngoại giao văn hóa và thật sự trở thành "sứ giả văn hóa".