Đây là đề tài khoa học cấp Nhà nước được Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ giao, do GS, TS Tạ Thành Văn làm chủ nhiệm, nhằm xác định và phát hiện đột biến chủng virus để đánh giá nguy cơ của dịch. Điều này vô cùng quan trọng, bởi nếu phát hiện được biến chủng mới, sẽ ảnh hưởng rất lớn không chỉ cục diện chống dịch ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Sự biển đổi gien/đột biến gien theo thời gian của virus khiến cho việc chẩn đoán và dự phòng vaccine sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi ngành y tế cần phải tập hợp đầy đủ thông tin, bằng chứng khoa học rất cụ thể, thực tế để đáp ứng nhanh, chính xác với các biến thể virus SARS-CoV-2 mới cho chẩn đoán và dự phòng.
Đây là vấn đề hết sức khó khăn bởi thực tế cho thấy virus SARS-CoV-2 có đột biến gien xảy ra nhanh hơn so với các chủng virus cúm khác. Hơn nữa đã xuất hiện các chủng virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây truyền nhanh hơn, có thể gây bệnh nặng hơn và giảm hiệu quả dự phòng của một số loại vaccine đã được cấp phép sử dụng hiện nay.
Về dịch tễ học, có thể nhận thấy là tại mỗi đợt dịch ở Việt Nam đều có những chùm ca bệnh đặc trưng. Với đợt dịch đầu tiên nổi bật là chùm bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội tháng 3-2020; đợt dịch thứ hai tại Bệnh viện Đà Nẵng tháng 7-2020 và đợt dịch thứ ba tại nhà máy của công ty Poyun tại huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, từ đó có chùm trường hợp bệnh trong đám cưới tại huyện Nam Sách vào tháng 1-2021.
Việc điều tra dịch tễ học để xác định đặc điểm các ca bệnh, đặc điểm lây truyền và các yếu tố nguy cơ bùng phát bệnh là rất quan trọng để cung cấp bằng chứng và cái nhìn chính xác hơn về nguy cơ bệnh để có thể giúp nâng cao hiệu quả dự phòng bệnh tại Việt Nam.
Nghiên cứu sẽ áp dụng các kỹ thuật phân tích thống kê hiện đại như phân chuỗi thời gian (time-series; cluster time seriesanalysis), phân tích mô hình mối liên quan các yếu tố nguy cơ để giúp tăng tính giá trị và tin cậy của kết quả nghiên cứu. Đây là vấn đề hết sức thách thức và khó khăn bởi vì thực tế cho thấy virus SARS-CoV-2 có đột biến gien xảy ra nhanh hơn so với các chủng virus cúm khác. Hơn nữa đã xuất hiện các chủng virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây truyền nhanh hơn, có thể gây bệnh nặng hơn và giảm hiệu quả dự phòng của một số loại vaccine đã được cấp phép sử dụng hiện nay.
Tại các nước phát triển, song song với xét nghiệm chẩn đoán và điều trị thì các nhà khoa học thực hiện giám sát, đánh giá biến đổi gien của virus SARS-Cov2, theo dõi sự xuất hiện của các biến chủng virus mới, đưa ra giải pháp chẩn đoán chính xác cũng như điều chế vaccine hiệu quả.
Việt Nam đã ghi nhận nhiều biến chủng khác nhau, trong đó có hai biến chủng của Ấn Độ và Anh, nguy cơ lây nhiễm cho người tiếp xúc gần lên tới 40-70%.
Việc triển khai đánh giá đột biến gien của SARS-CoV-2 tại Việt Nam là rất cấp bách và cần thiết, đáp ứng nhiệm vụ trọng tâm trong công tác kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.