Nghĩa tình nơi vùng đất lũ

Để góp phần giúp đỡ người dân vùng có nhiều nguy cơ ngập lũ, sạt lở đất, ảnh hưởng đến sự an toàn cuộc sống, ngay giữa dãy Trường Sơn, thuộc xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, một thôn tái định cư hiện đại vừa được xây tặng cho 56 hộ dân.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh thôn Nghĩa tình Sơn Hải.
Toàn cảnh thôn Nghĩa tình Sơn Hải.

Nằm cách đường Hồ Chí Minh nhánh tây khoảng 1 km, khu ở mới có tên gọi thôn Nghĩa tình Sơn Hải, được xây dựng trên vùng đất A Sóc-Cha Lỳ, có địa thế cao ráo, đẹp mắt. Đây là công trình do một doanh nghiệp xây tặng người dân vùng lũ quét, sạt lở đất các thôn Cuôi Cợp, Tri và A Sóc-Cha Lỳ của xã Hướng Lập.

Mong mỏi được sống nơi an toàn

Bao đời nay, giữa dãy Trường Sơn cao chót vót, các thôn Cuôi Cợp, Tri, A Sóc-Cha Lỳ nằm sâu ở rừng thẳm, là nơi định cư của người dân tộc thiểu số Vân Kiều. Dù gian lao, vất vả họ vẫn luôn thủy chung một lòng, sống trên mảnh đất cha ông mình dày công gìn giữ và tự hào được tiếp nối một phần trách nhiệm bảo vệ từng tấc đất biên cương xa xôi của Tổ quốc.

Nghĩa tình nơi vùng đất lũ ảnh 1

Khánh thành, bàn giao, đưa vào sử dung khu ở mới có tên gọi thôn Nghĩa tình Sơn Hải ở xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa.

Từ trung tâm xã đến các thôn, bản phải lội bộ giữa khe suối nhiều đoạn rồi len lỏi đi bộ thêm nhiều quãng đường rừng đèo dốc nữa. Sóng viễn thông chập chờn, có bản còn bị cô lập sóng viễn thông. Trạm y tế cũng ở xa, mỗi lần người trong bản ốm đau cấp cứu phải để vào võng rồi thay nhau cõng chạy theo lối mòn giữa rừng mới đến được nơi khám bệnh. Đó là câu chuyện của những ngày thời tiết yên lành.

Nằm cách đường Hồ Chí Minh nhánh tây khoảng 1 km, khu ở mới có tên gọi thôn Nghĩa tình Sơn Hải, được xây dựng trên vùng đất A Sóc-Cha Lỳ, có địa thế cao ráo, đẹp mắt. Đây là công trình do một doanh nghiệp xây tặng người dân vùng lũ quét, sạt lở đất các thôn Cuôi Cợp, Tri và A Sóc-Cha Lỳ của xã Hướng Lập.

Người dân xã Hướng Lập vẫn chưa quên nỗi ám ảnh bốn năm trước, mưa lớn dài ngày gây lũ quét chưa từng có, tràn về bao vây gần như toàn bộ khu vực trong nhiều ngày. Dân bản muốn ra bên ngoài mua lương thực cũng không có đường đi. Chính quyền các cấp và các lực lượng cũng không thể vào giúp dân, vì đường giao thông vừa bị ngập vừa bị sạt, lở, đất, đá bịt kín các lối. Trước tình hình này, Bộ Quốc phòng phải điều máy bay trực thăng chở nhu yếu phẩm đến giúp người dân có đủ lương thực sinh sống trong những ngày thiên tai tàn phá. Nước lũ rút đi, các gia đình ở chân núi, bờ suối mong mỏi được đến tái định cư ở một nơi an toàn vì bản làng không còn bình yên trước thiên tai nữa.

Nghĩa tình nơi vùng đất lũ ảnh 2

Người dân khu ở mới từng bước tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống.

Thời điểm ấy, Tập đoàn Sơn Hải có mặt tại nhiều thôn, bản của huyện miền núi Hướng Hóa cũng như xã Hướng Lập, tặng quà cho người dân. Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Sơn Hải chứng kiến người dân các thôn, bản xa xôi ở những xã dọc biên giới luôn bất an khi mùa mưa lũ đến. Ông Hải liền nghĩ đến chuyện giúp người dân vùng này một khu ở mới để ổn định cuộc sống và đồng hành với họ trên hành trình phát triển.

Sau trận lũ quét lịch sử đó, tỉnh Quảng Trị có chủ trương di dời người dân thôn Cuôi Cợp và một số thôn, bản của xã Hướng Lập luôn bị thiên tai đe dọa ra vị trí gần trung tâm xã để tái định cư ở nơi an toàn, văn minh. Trước thời khắc này, Tập đoàn Sơn Hải nhanh chóng quyết định phối hợp cùng chính quyền địa phương xây dựng khu ở mới tặng người dân xã Hướng Lập. Đầu năm 2022, tập đoàn bắt đầu triển khai ý nguyện ở vị trí được chọn tại thôn A Sóc-Cha Lỳ. Sau khoảng hai năm khẩn trương thi công, công trình hoàn thành, 56 hộ dân của ba thôn Cuôi Cợp, Tri, A Sóc-Cha Lỳ đã được nhận nhà mới vào ở trước mùa mưa lũ.

Nghĩa tình nơi vùng đất lũ ảnh 3

Một góc thôn Nghĩa tình Sơn Hải.

Cuộc sống nơi ở mới

Bí thư Đảng ủy xã Hướng Lập Hồ Thị Thiệt dẫn chúng tôi thăm từng ngôi nhà tại khu ở mới. Số hộ dân từ thôn, bản cũ về đây gồm thôn Cuôi Cợp 32 hộ; thôn Tri 19 hộ và 5 hộ ở bản Cha Lỳ của thôn A Sóc-Cha Lỳ, tất cả với 271 nhân khẩu. Khu ở mới được ra đời bằng tình cảm, trách nhiệm, chứ không có bất cứ ràng buộc về lợi ích nào của doanh nghiệp. Người dân từ các thôn, bản xa xôi về đây gặp thuận lợi trăm bề. Khi được an cư ở một nơi an toàn thì bà con càng có điều kiện hơn nữa để chăm lo cuộc sống của mình.

Người dân được tặng nhà mới, thôn mới, sự mừng vui, niềm hạnh phúc rạng rỡ trên từng khuôn mặt. Ông Hồ Văn Duẩn, một trong những hộ dân ở thôn Tri được chuyển về thôn mới kể, đời ông chưa bao giờ dám mơ có ngôi nhà được xây kiên cố như hôm nay. Hằng ngày ba người trong gia đình ông Duẩn không còn phải nơm nớp lo sợ tai họa sạt, lở núi, lũ quét bất ngờ đổ về khi mùa mưa lũ đến nữa. Thôn mới nằm ở vị trí đã được khảo sát an toàn về điều kiện tự nhiên và thuận lợi về mặt xã hội để người dân phát triển bền vững. Mục tiêu lâu dài là sẽ tổ chức khu mới này thành bản kiểu mẫu.

Nghĩa tình nơi vùng đất lũ ảnh 4

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thăm gia đình người dân ở thôn Nghĩa tình Sơn Hải.

Chị Hồ Thị Thiệt cho biết, năm 2022, khi biết tin có một khu ở mới dành cho các hộ dân của xã đang ở các thôn, bản thường xuyên bị lũ quét, sạt, lở đất, bản thân chị và tập thể lãnh đạo xã chưa dám tin là sự thật. Cả xã Hướng Lập mong ngóng từng ngày đợi món quà quý này.

Nói là làm, không để người dân đợi lâu, với sự chung tay, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, Tập đoàn Sơn Hải triển khai xây dựng khu ở mới trên diện tích gần 14,5 ha, có tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng. Không gian khu dân cư gồm 56 ngôi nhà, mỗi nhà có diện tích 54 m2 (trên diện tích đất ở được bố trí 300 m2) được xây dựng kiên cố, phù hợp với phong tục văn hóa người dân địa phương, sàn trên của nhà là không gian sinh hoạt của gia đình và chỗ ngủ, sàn trệt được bố trí nhà bếp, nhà vệ sinh. Hệ thống hạ tầng đường giao thông, nước, điện, sóng viễn thông được trang bị đến từng nhà. Không gian cộng đồng xã hội được tập đoàn xây tặng một trường tiểu học, một trường mầm non có phòng ở cho giáo viên, nhà vệ sinh khép kín; cùng với đó là nhà sinh hoạt cộng đồng.

Để ổn định cuộc sống nơi ở mới, tập đoàn hỗ trợ gạo ăn cho các hộ dân trong ba năm đầu với mức 15 kg/tháng/người lớn, trẻ em 7 kg/tháng; tạo mặt bằng sạch, tặng khu ruộng bậc thang có diện tích gần 8 ha để sản xuất lúa hằng năm; mỗi hộ còn được tặng một con bò, một chiếc ti-vi kèm mạng wifi.

Nghĩa tình nơi vùng đất lũ ảnh 5

Trường học kiên cố được Tập đoàn Sơn Hải xây tặng cho con em khu ở mới.

Chị Hồ Thị Pần mở quán tạp hóa và bán đồ ăn sáng ngay trong ngôi nhà của mình nằm gần cổng khu dân cư. Đây là quán đầu tiên của thôn nên có lượng khách khá đông. Người dân ăn sáng, uống cà-phê rồi đi làm hằng ngày, những hình ảnh sinh hoạt ấm áp mà trước đây ở làng cũ khó tìm được. Chị Pần cho biết, được chuyển về khu ở mới, bà con ai cũng vui sướng lắm. Còn ông Hồ Văn Bùi đến từ thôn Cuôi Cợp xúc động, từ giữa núi rừng hoang vu nay được ra sống ở khu tái định cư mới, gần đường giao thông trung tâm, có trường học, trạm y tế, còn có ruộng lúa để sản xuất chủ động lương thực thì không còn gì may mắn hơn nữa. Điều người dân luôn mong muốn là có được chỗ ở an toàn trước thiên tai thì nay đã được toại nguyện. Một thuận lợi nữa là ông Bùi và các hộ dân vẫn giữ lại nhà cũ trong bản. Ngoài việc tổ chức cuộc sống, sản xuất trên đất mới, những ngày thời tiết thuận lợi, họ trở lại thôn bản cũ để sản xuất trên nương rẫy của mình, bảo vệ đất đai, chứ không bao giờ từ bỏ những vuông đất mà cha ông suốt đời giữ gìn.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên các doanh nghiệp có những hoạt động, những món quà ý nghĩa hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Ngày khu ở mới được khánh thành, nhiều lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cùng có mặt chung niềm vui. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chia sẻ, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh từng bước được phục hồi, tập đoàn chi ra số tiền rất lớn xây khu tái định cư tặng người dân là việc làm nghĩa tình, thể hiện tinh thần, trách nhiệm luôn xem việc phụng sự cộng đồng, xã hội là một phần quan trọng trong quá trình phát triển của mình.