Nghị quyết số 29-NQ/TW có tính khoa học, tầm nhìn xa rộng, quyết sách mạnh mẽ

Ngày 14/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương, khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, đến nay các thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho đổi mới giáo dục và đào tạo. Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và tổ chức triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; triển khai một chương trình nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tạo nên sự chủ động, sáng tạo cho giáo viên, học sinh và nhà trường; chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao, được thế giới ghi nhận.

Thực hiện đổi mới, công tác thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước bảo đảm số lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo; tích cực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành giáo dục; công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng.

Đáng chú ý, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên ngày càng đi vào nề nếp, thực chất và hiệu quả. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai rộng khắp trong toàn ngành giáo dục…

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị để sớm khắc phục. Trong đó, công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện và thể chế hóa Nghị quyết số 29 còn chậm, thiếu tính đồng bộ và liên thông giữa các chính sách liên quan với các chính sách mới về giáo dục và đào tạo. Cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chậm tiến độ hai năm, chưa hoàn thành được mục tiêu miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi trước năm 2020. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội. Công tác dự báo nhu cầu nhân lực, nhất là nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề mới còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chưa bảo đảm tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW…

Nghị quyết số 29-NQ/TW có tính khoa học, tầm nhìn xa rộng, quyết sách mạnh mẽ ảnh 2

Các đại biểu tham dự hội nghị

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã chia sẻ những kết quả đạt được cũng như kiến nghị những giải pháp để Bộ Giáo dục và Đào tạo có những kiến nghị trình Chính phủ, Bộ Chính trị những vấn đề liên quan kết luận sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Dương Anh Đức cho biết, từ khi triển khai Nghị quyết, thành phố thường xuyên dành kinh phí hơn 2 nghìn tỷ đồng mỗi năm cho các hoạt động phát triển giáo dục. Tính tổng chi cho các hoạt động giáo dục chiếm 28% chi thường xuyên; chiếm 20% chi xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đi đầu trong đổi mới dạy học từ truyền thụ kiến thức sang đánh giá phẩm chất, năng lực, ứng dụng vào thực tiễn; đưa kỹ năng ngoại ngữ, tin học vào trường phổ thông sớm; đại học cao đẳng tăng cường để đáp ứng đổi mới, hội nhập quốc tế. Vì vậy, thời gian tới, thành phố nỗ lực để trở thành trung tâm đào tạo tiên tiến thế giới vào năm 2045; quy hoạch mạng lưới trường lớp phấn đấu 300 phòng học/vạn dân độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, Dương Xuân Huyên chia sẻ, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, toàn tỉnh đã phổ cập xóa mù chữ ở 100% phường, xã; phổ cập tiểu học mức độ ba. Qua 10 năm thực hiện đổi mới, tỷ lệ học sinh khá giỏi nâng lên; tốt nghiệp THPT hằng năm đạt tỷ lệ trên 98%. Tuy nhiên, quá trình đổi mới tỉnh Lạng Sơn cũng gặp khó khăn khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, toàn tỉnh còn 730 điểm trường lẻ, 694 lớp ghép; thiếu 1.029 giáo viên so định mức quy định… Vì vậy, tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ kiến nghị Bộ Chính trị ban hành kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện giao đủ số lượng giáo viên theo tinh thần đâu có học sinh, đó có giáo viên; bảo đảm ưu tiên chế độ tiền lương để nhà giáo gắn bó với nghề...

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội đã đưa vào đầu tư trung hạn số vốn hơn 20 nghìn tỷ đồng để đầu tư mới, cải tạo trường học; triển khai các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đội ngũ nhà giáo học tập nâng cao trình độ… Trên cơ sở các kết quả đạt được, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiến nghị cần thực hiện được chính sách tiền lương cho nhà giáo theo như Nghị quyết số 29-NQ/TW đề ra; có cơ chế cụ thể ưu tiên dành quỹ đất di chuyển các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan ở nội đô cho xây dựng trường học. Đáng chú ý, với thực trạng Hà Nội thiếu hơn10 nghìn giáo viên, Bộ Nội vụ cần bổ sung biên chế về quy định vị trí việc làm; không áp dụng máy móc giảm 10% biên chế đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ góc độ đào tạo đại học, PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương cho rằng, mười năm qua giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng đã phát triển theo đúng tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Công tác quản lý Nhà nước về giáo dục có chuyển biến tích cực khi Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học được sửa đổi, bổ sung năm 2018 và năm 2019. Giáo dục đại học chuyển từ trang bị kiến thức theo phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học. Để tiếp tục đổi mới giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, PGS, TS Bùi Anh Tuấn cho rằng cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ cơ chế, chính sách, xây dựng nghị định mới tự chủ đại học; khuyến khích nhà đầu tư tư nhân quan tâm đầu tư vào giáo dục đại học…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Nguyễn Đắc Vinh cho rằng: Khi khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu cần quan tâm đầu tư, dù khó khăn thế nào vẫn phải ưu tiên cho giáo dục; nghiên cứu có chính sách phù hợp huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư giáo dục. Để tiếp tục đổi mới, cần hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục, chú ý đến chuyển đổi số; hoàn thiện các giải pháp bảo đảm công bằng cho giáo dục…

Nghị quyết số 29-NQ/TW có tính khoa học, tầm nhìn xa rộng, quyết sách mạnh mẽ ảnh 3

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kết luận hội nghị

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, giáo dục và đào tạo trong 10 năm qua có đổi mới to lớn, chuyển biến tích cực.

Có được kết quả như vậy chính là từ những chủ trương của Nghị quyết số 29-NQ/TW có tính khoa học, tầm nhìn xa rộng, quyết sách mạnh mẽ; tầm nhìn phát triển bền vững, lâu dài của đất nước. Kết quả đạt được là sự cố gắng vượt bậc của các bộ, ban, ngành, địa phương.

Tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/TW để khẳng định những vấn đề quan trọng, trong đó Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kiến nghị với Bộ Chính trị để đưa vào kết luận một số nội dung: Yêu cầu về việc kiên trì định hướng, tiếp tục thực hiện đổi mới; phát huy kết quả trong thời gian sắp tới. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề xuất vào kết luận của Bộ Chính trị về 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW để có những thích ứng tốt hơn với các thách thức mới đặt ra.

Các đề xuất, kiến nghị đó là: Về nhận thức trong các cấp, các ngành chung quanh vấn đề đổi mới để Nghị quyết số 29-NQ/TW được thực hiện đầy đủ trong thời gian tới. Cần nhận thức đầy đủ, thấu đáo cùng với hành động tương xứng để không dừng lại ở lời nói “giáo dục là quốc sách hàng đầu”; thực hiện rà soát cơ chế chính sách, thay đổi một số luật; xây dựng Luật Nhà giáo… Về nguồn lực đầu tư, tài chính và con người (nhà giáo) cần tương xứng; nhận thức đánh giá đúng được vai trò có tính quyết định của đội ngũ nhà giáo cho đổi mới...