Hội thảo được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW trong thời gian qua; đồng thời đề xuất biện pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, nền giáo dục nước nhà đã có những bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng; nâng cao hiệu quả dạy và học; đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Sau khi được ban hành, các địa phương đã làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 29-NQ/TW. Một số kết quả cụ thể, như: Các địa phương đã ban hành chương trình hành động của tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện chương trình hành động; thành lập ban chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo tỉnh. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW đã được thể chế hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (năm 2018) và Luật Giáo dục (năm 2019), tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đổi mới giáo dục.
Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học được tăng lên; có sự đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học… Tuy đạt được một số thành quả lớn về giáo dục và đào tạo, song bước vào thập niên 2021-2030, nhiều vấn đề mới đặt cho chiến lược giáo dục mà Nghị quyết 29-NQ/TW chưa tính đến. Hội thảo nhằm nhìn nhận các kết quả đạt được, những vấn đề khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.
Theo ông Nghiêm Đình Vỳ (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), sau gần 10 năm thực hiện, Nghị quyết số 29-NQ/TW được triển khai tích cực, các nhiệm vụ và giải pháp được tiến hành khá đồng bộ, đạt kết quả quan trọng. Cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và xóa mù chữ; công tác quản lý, quản trị đại học có chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng cao...
Tuy nhiên, kết quả của ngành giáo dục còn một số vấn đề chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. GS,TSKH Nguyễn Cương (Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam) cho rằng, việc thực hiện quan điểm giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu được thực hiện chưa tốt, chưa đạt được yêu cầu cần thiết; nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) còn có những hạn chế gây ra những bức xúc; vấn đề giáo dục phẩm chất đạo đức cho học sinh, sinh viên chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa đáp ứng yêu cầu, còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội; chính sách đãi ngộ thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu; kết cấu hạ tầng đại học ít được đầu tư, nhất là các phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, chưa có cơ chế đặt hàng đào tạo đối với một số ngành, đối tượng...
Cùng với các ý kiến, trong các tham luận gửi đến hội thảo, các nhà khoa học kiến nghị và đề ra giải pháp cho các vấn đề. Đó là, cần có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả hơn để quán triệt quan điểm giáo dục đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; huy động các nhà khoa học đóng góp vào việc phát hiện một số hạn chế của nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới và đề xuất cách khắc phục; đề xuất những biện pháp cụ thể hơn về tăng cường dạy người thông qua dạy chữ và dạy nghề, hoàn thiện nội dung và phương pháp giáo dục phẩm chất đạo đức và phát triển năng lực cho học sinh sinh viên; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục…