Nghi lễ “Sú Khon Khoài” của người Lự

Dân tộc Lự ở Lai Châu chiếm hơn 1,49% dân số toàn tỉnh, phân bố chủ yếu ở hai huyện Tam Đường và Sìn Hồ. Mặc dù trải qua thăng trầm của thời gian, song các giá trị văn hóa truyền thống người Lự đến nay vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn. Một trong những nét văn hóa độc đáo đó chính là nghi lễ “Cúng hồn trâu-Sú Khon Khoài”.
0:00 / 0:00
0:00
Việc chuẩn bị lễ vật đặt lên đầu trâu là một công đoạn không thể thiếu trong nghi lễ Cúng hồn trâu.
Việc chuẩn bị lễ vật đặt lên đầu trâu là một công đoạn không thể thiếu trong nghi lễ Cúng hồn trâu.

Theo các cụ già ở bản Hon, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, “Sú Khon Khoài” theo tiếng dân tộc Lự nghĩa là Lễ cúng hồn, vía của trâu. Đây là một nghi lễ do đồng bào dân tộc Lự thực hiện nhằm tỏ lòng biết ơn những “ông trâu” đã gắn bó, đồng hành cùng người dân trong lao động sản xuất, mang lại mùa vụ bội thu cho bản làng.

Nghi lễ trên thường diễn ra vào thời điểm chuẩn bị cho mùa vụ mới của một năm. Để chuẩn bị cho nghi lễ cúng hồn trâu, các thầy cúng sẽ tổ chức một buổi họp cộng đồng để phân công công việc cho từng người, từng hộ dân. Buổi họp có sự tham gia của tất cả đàn ông trong bản. Trong cuộc họp, các thầy cúng thống kê số hộ gia đình có nuôi trâu, từ đó, kết luận số lượng trâu có mặt trong lễ hội để chuẩn bị đồ vật cho đầy đủ. Sau đó, thầy cúng chính thông báo tới mọi người những công việc cần thực hiện.

Về không gian tổ chức, bản cần dựng các gian chuồng để tách biệt từng con trâu, ngăn cho chúng không húc nhau tại bãi hội. Về lễ vật, lễ hội cần một con lợn đực đen tuyền, nặng khoảng từ một tạ trở lên; sáu con gà trống; một cuộn chỉ đen; một bó cỏ to; một chậu đựng nước; cơm, gạo, thóc. Ngoài ra, gia chủ phải chuẩn bị cho mỗi con trâu một túi muối nhỏ, một đôi nến sáp ong bé và hai miếng vải mầu trắng với mầu đỏ. Ngoài các lễ vật, thầy cúng chính cũng thống nhất việc chuẩn bị vật dụng cho các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đánh yến… và đặc biệt là trò chơi “khoài tùng tàng” tức là kéo trâu.

Sáng sớm ngày chính lễ, các thầy cúng cùng những người phụ giúp việc và các gia chủ nuôi trâu có mặt đầy đủ tại khu vực làm lễ. Những “ông trâu” to khỏe được kéo đến thành hàng tập trung tại bãi hội, thủng thẳng bước đi. Tiếng mõ rộn ràng phát ra từ đàn trâu lớn, đi trước là đoàn rước lễ trống chiêng rộn rã. Ở khu lễ hội, các thầy cúng cùng những người giúp việc đã có mặt đầy đủ trong trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Sau khi buộc trâu ngay ngắn trong từng gian chuồng, các gia chủ cùng nhiều người khác bắt tay vào chuẩn bị lễ vật giúp thầy cúng thực hiện nghi thức. Lễ bày xong, thầy cúng chính thông báo cho tất cả mọi người sẵn sàng làm lễ. Ông cầm bát thóc đứng lên trước lễ đàn, những người phụ lễ xếp đằng sau và cuối cùng là đại diện các hộ gia đình dắt theo trâu của mình đứng lần lượt đợi thầy cúng làm lễ cho trâu của gia đình mình.

Theo thầy cúng Lò Văn Én, nội dung bài cúng đại ý đề cao sức lao động, có hàm ý biết ơn sự đóng góp công sức của con trâu trong việc cày cấy thường ngày, giúp cho gia chủ một năm mùa màng thu hoạch tốt…, mong cho trâu luôn khỏe và tiếp tục giúp đỡ gia chủ trong năm tiếp theo.

Kết thúc phần lễ, ngay tại bãi đất ruộng đó, người dân trong bản cùng nhau vui chơi trong các trò chơi dân gian của dân tộc như đi cà kheo, kéo co, đánh cầu lông gà và đặc sắc nhất là trò trâu húc nhau. Người Lự quan niệm: Trò trâu húc nhau là trò chơi cổ xưa của người Lự, thể hiện sức mạnh chiến thắng bệnh tật, có sức khỏe để lao động, cầu một năm mùa màng tươi tốt, bội thu…

Trải qua thời gian, với đồng bào Lự tục cúng hồn trâu “Sú Khon Khoài” luôn là nghi lễ tốt đẹp, nhắc nhở mọi người biết ơn, trân quý những “ông trâu”, coi trâu là một thành viên không thể thiếu trong mỗi một gia đình. Do đó, Lễ cúng hồn trâu đã trở thành nghi lễ mang giá trị nhân văn trong lao động sản xuất của đồng bào Lự ở Tam Đường.