Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng

Nhắc tới điêu khắc, nhiều người nghĩ ngay tới những chất liệu gỗ, đá, gốm hay kim loại. Thế nhưng, có một nghệ sĩ lại thực hiện điêu khắc trên chất liệu ánh sáng. Đây là một trường phái nghệ thuật mới tại Việt Nam, được thể hiện bởi sự kết hợp giữa điêu khắc với nguồn ánh sáng cố định, qua đó tạo nên những hình ảnh độc đáo bằng phần bóng của vật thể được điêu khắc.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Bùi Văn Tự giới thiệu với khách tham quan về tác phẩm Nỗi suy tư nghề gốm được trưng bày tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Nghệ nhân Bùi Văn Tự giới thiệu với khách tham quan về tác phẩm Nỗi suy tư nghề gốm được trưng bày tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Gọi Bùi Văn Tự là nghệ nhân cũng được, mà nghệ sĩ cũng không sai. Anh là người đầu tiên tại Việt Nam thể hiện một loại hình nghệ thuật hoàn toàn khác biệt, vô cùng độc đáo mang tên nghệ thuật điêu khắc ánh sáng. Quá trình sáng tạo một tác phẩm bắt đầu từ khâu ý tưởng và chọn chất liệu, nghệ nhân Bùi Văn Tự sẽ là người vừa điêu khắc và điều chỉnh nguồn sáng để xác định góc độ và sự biến dạng của vật thể. Sản phẩm cuối cùng được sắp đặt trước ánh đèn để tạo nên phần bóng có hình thù theo chủ đích của tác giả.

Nghệ thuật “đuổi hình bắt bóng”

Bùi Văn Tự là nghệ nhân trẻ thuộc thế hệ 9X, vốn là kỹ sư xây dựng nhưng lại có tình yêu đặc biệt với nghệ thuật cho nên anh mày mò để sáng tạo ra những tác phẩm điêu khắc ánh sáng mang tính thị giác độc đáo. Nói là điêu khắc ánh sáng, nhưng thật ra sản phẩm cuối cùng, chủ thể chính lại nằm ở phần trong bóng tối. Bởi vì khi ánh sáng rọi vào vật chủ, phần bóng tối trên bức tường mới là hình hài mà người nghệ sĩ muốn chuyển tải. Đó là cách nghệ thuật “đuổi hình bắt bóng”, còn rất mới lạ ở Việt Nam. Trải qua rất nhiều thử nghiệm, để thể hiện niềm đam mê nghệ thuật, Bùi Văn Tự quyết tâm theo đuổi bộ môn điêu khắc mới lạ này. Anh chia sẻ: “Giữa muôn vàn nguyên vật liệu, tôi chọn gỗ lũa và gốm để tạo nên tác phẩm. Đây đều là những nguyên liệu dễ tìm trên thị trường và phù hợp với phong cách sáng tác của tôi. Tuy mỗi loại đều có những ưu nhược điểm khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là phải biết lựa chọn phù hợp với tác phẩm muốn sáng tạo”.

Gỗ lũa là chất liệu mang tính dân gian và tự nhiên hoang dã, dễ trưng bày trong mọi không gian khi kết hợp với ánh sáng, ý đồ và thông điệp nghệ thuật phản chiếu đằng sau sẽ tạo một ấn tượng thị giác đặc biệt. Còn gốm, cách đây gần 7 năm, Bùi Văn Tự quyết định rời quê hương Ninh Bình tìm về làng Bát Tràng (Hà Nội) để học nghề gốm, bắt đầu nặn từ chén đĩa, bình hoa… Sau đó anh trở thành Giám đốc sáng tạo cho tập đoàn gốm lớn ở Bát Tràng để học hỏi kinh nghiệm và có tư duy về sản phẩm, thị trường… Cho đến năm 2020, anh mới chính thức khởi nghiệp và dành toàn bộ thời gian cho nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.

Bùi Văn Tự cho biết, anh thường tìm nguồn cảm hứng sáng tạo tác phẩm từ chính những con người anh có duyên gặp trong cuộc sống, hoặc hình ảnh về đức Phật; câu chuyện về người mẹ, chân dung danh nhân, nghệ sĩ, doanh nhân thành đạt, nhãn hiệu, thương hiệu… Bên cạnh đó, anh còn có ý định phát triển dòng sản phẩm điêu khắc ánh sáng làm quà tặng. “Tôi hy vọng sẽ có điều kiện và cơ hội để sáng tạo những tác phẩm điêu khắc ánh sáng có giá trị, tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho mình, cho người và xã hội, đồng thời giới thiệu được những sản phẩm độc đáo đến với đông đảo người yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế”, nghệ nhân Bùi Văn Tự mong muốn.

Khơi lối đi chưa ai bước tới

Chúng tôi đến thăm không gian xưởng gốm của nghệ nhân Bùi Văn Tự nằm tại tầng trệt của Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt đường Bát Tràng. Trong khuôn viên rất rộng đó lỉnh kỉnh nào các loại bàn xoay, nào đất, nước dành cho các bạn trẻ mọi lứa tuổi thậm chí cả trung niên đến trải nghiệm công việc của người thợ gốm…

Chàng nghệ nhân trẻ lặng lẽ, miệt mài vuốt vuốt, nặn nặn một tác phẩm mới mà anh đang thực hiện. Khi được hỏi kể từ khi làm gốm đến thời điểm này, sản phẩm nào anh tâm đắc nhất, anh Tự chia sẻ đó là tác phẩm “Kim Ngưu-Chấn hưng cơ nghiệp”, tác phẩm đầu tiên anh làm bằng gốm Bát Tràng, món quà dành riêng cho Xuân Tân Sửu năm 2021. “Hình ảnh con trâu vàng nằm an nhàn dưới lũy tre xanh vốn rất gần gũi, thân thuộc trong văn hóa Việt, chung quanh con trâu là những đồng tiền vàng tạo cho người xem cảm giác no đủ, bình yên.

Nhưng khi chiếu ánh sáng vào, bóng của bức tượng trâu vàng nằm dưới lũy tre xanh hắt lên thành hình một chiếc thuyền buồm thì lại ra câu chuyện của hiện tại, đó là công việc, là mô hình kinh doanh, doanh nghiệp…, ai cũng muốn “thuận buồm xuôi gió”. Chiếc thuyền buồm căng gió cũng tượng trưng cho ý nghĩa vươn ra biển lớn”, nghệ nhân Bùi Văn Tự lý giải.

Gốm là chất liệu tạo hình khó nhất, thông thường, nặn hình mất một tháng, phơi khô một tháng rồi mới đem nung, bởi độ biến dạng của gốm sau khi cho vào nung là 20%, vậy nên tạo hình cần tính đến độ biến dạng nhiệt của gốm rất là lớn khi nung ở nhiệt độ 180-1.250oC, trong suốt quá trình đó phải liên tục để ý và chỉnh sửa các chi tiết tác phẩm sao cho đúng ý mình nhất rồi làm bệ gỗ để đặt…

Đến khi đó, tác phẩm nghệ thuật mới chính thức hoàn chỉnh. Sản phẩm trong quá trình làm bị lỗi, hỏng anh gom lại 1 chỗ và những lúc rảnh rỗi sẽ biến chúng thành 1 sản phẩm có ích. Nghệ nhân Bùi Văn Tự giới thiệu với chúng tôi tác phẩm Nỗi suy tư nghề gốm được đặt ngay ngắn ở chính cửa ra vào của khuôn viên tầng trệt Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt. Theo anh Tự, tác phẩm này được tận dụng từ những mảnh vỡ của các bình gốm trong quá trình sáng tác không thành công hoặc bị hỏng, bị vỡ sau khi nung. Được ghép lại với nhau thông qua thủ pháp của nghệ thuật điêu khắc ánh sáng, phần bóng sẽ tạo nên hình ảnh nghệ nhân đang suy tư sáng tác gốm.

Đối với nghệ thuật điêu khắc ánh sáng, ánh sáng đóng vai trò rất quan trọng. Ánh sáng cần phải được lựa chọn đúng và đặt đúng vị trí thì mới tôn lên hết vẻ đẹp của tác phẩm. Những loại đèn Spotlight được sử dụng phổ biến trong loại hình nghệ thuật này, bởi loại hình này dùng ánh sáng chiếu thẳng vào tác phẩm điêu khắc để tạo nên một bức tranh nghệ thuật.

Anh Tự chia sẻ: Giai đoạn đầu khi mới bắt đầu tìm hiểu, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, đây là một loại hình nghệ thuật mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên mình phải tự tìm tòi, không tìm hiểu được từ những người đi trước như các loại hình nghệ thuật khác. Thứ hai, việc tạo hình để phù hợp giữa phần hình và phần bóng rất khó. Phần hình chỉ cần sai lệch 1mm thì sẽ làm hỏng cả phần bóng. Nó đòi hỏi sự tập trung và tính tỉ mỉ rất cao.

“Giống như việc xây một ngôi nhà luôn cần một bản thiết kế trước, điêu khắc ánh sáng cần phải có ý tưởng, có nguồn cảm hứng trước khi làm một tác phẩm. Thí dụ như tác phẩm đó là gì, là hình của ai, nội dung như thế nào. Từ đó mình sẽ phác thảo bố cục của một tác phẩm khi hoàn thiện”- anh Tự nói. Anh Tự sử dụng ánh sáng ngay khi bắt đầu điêu khắc, vừa chiếu đèn, vừa chạm trổ sao cho ra đúng sản phẩm mà mình đã lên ý tưởng.

Trong quá trình sáng tác, anh Tự có lúc tắt đèn, có lúc bật đèn để xác định góc độ và sự biến dạng mỗi chất liệu. Thí dụ, gốm sau khi tạo hình xong sẽ đến công đoạn sấy khô, làm men rồi mới tạo ra thành phẩm. Còn gỗ sau khi điêu khắc xong thì có thể làm sạch bằng cách đánh giấy ráp để tác phẩm chỉn chu hơn. Tùy từng sản phẩm và chất liệu cụ thể, trung bình từ 15-45 ngày, lâu hơn thì từ 2-5 tháng, anh Tự sẽ hoàn thành tác phẩm.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là năm 2019, khi anh tham gia Festival tại Thừa Thiên Huế, một chiếc bình gốm bị vỡ trong quá trình vận chuyển từ Hà Nội vào. Anh Tự đã mất một ngày để khắc phục tác phẩm, kịp cho buổi trưng bày. Tuy khó khăn nhưng đó cũng là một trải nghiệm tốt, giúp anh rút kinh nghiệm cho việc đóng gói, vận chuyển sau này.

Anh luôn quan niệm mỗi một tác phẩm nghệ thuật đều là một người bạn, là tri kỷ của mình. Anh dành hết tâm huyết và thời gian cho nó, vì vậy mỗi tác phẩm của anh đều hàm chứa những thành tố giống như con người. Đó là Thân-Tâm-Tuệ; Thân ở đây là kỹ thuật chế tác, hay có thể xem là hình ảnh khắc lên gỗ, Tâm là cảm xúc, tâm hồn người nghệ nhân, là phần bóng hiện lên tường, còn Tuệ là tư duy, sáng tạo. Trong điêu khắc thì phần Tuệ được tượng trưng bởi ánh sáng, ngọn đèn. Ngọn đèn soi vào Thân sẽ thấy được Tâm. Đó là giá trị cốt lõi của nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.

Năm 2022, Triển lãm Ánh sáng tri thức, một trong những sự kiện lớn nhất mà nghệ nhân Bùi Văn Tự đã tổ chức sau hơn 10 năm theo đuổi loại hình nghệ thuật độc đáo này. Triển lãm tập hợp 12 tác phẩm là chân dung của 12 nhà khoa học, danh họa, nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới như Albert Einstein, Nikola Tesla, Leonardo da Vinci, Ludwig van Beethoven...

Bùi Văn Tự chia sẻ: “Tôi tìm thấy cảm hứng ở ánh sáng, thứ đưa tôi vào cõi mê hoặc. Những tác phẩm ở triển lãm lần này phần nào là tâm hồn của tôi. Trong tương lai, tôi muốn điêu khắc ánh sáng sẽ dùng để kể những câu chuyện về con người Việt. Không chỉ để bạn bè trong nước lắng nghe mà còn lan tỏa ra bạn bè quốc tế”.

Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng ảnh 1

Tác phẩm điêu khắc ánh sáng thể hiện chân dung nhà hóa học Alfred Nobel. (Ảnh: MỸ HÀ)