Nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo: “Hạnh phúc khi đàn tỳ bà được đón nhận”

NDO - Trong những tiết mục biểu diễn đặc sắc kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam, nữ nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo với cây đàn tỳ bà đã góp phần đáng kể với những thanh âm đẹp đẽ và duyên dáng.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo. (Ảnh: HÒA NGUYỄN)
Nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo. (Ảnh: HÒA NGUYỄN)

Hướng tới Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam 2022 và chương trình nghệ thuật “Hát lên Việt Nam” vào ngày 31/8 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.

Chương trình “Hát lên Việt Nam” có nhiều tiết mục đặc sắc, có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Phạm Ngọc Khôi, NSND Quốc Hưng, NSND Mai Phương, NSƯT Cồ Huy Hùng… Trong đó, sự xuất hiện của nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo với tác phẩm “Suy tư” độc tấu đàn tỳ bà cùng dàn nhạc dân tộc do NSND Phạm Ngọc Khôi là một điểm nhấn thu hút khán giả.

Nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo: “Hạnh phúc khi đàn tỳ bà được đón nhận” ảnh 1

Nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo trong chương trình nghệ thuật “Hát lên Việt Nam”. (Ảnh: HÒA NGUYỄN)

Chỉ với cây đàn tỳ bà, Vũ Diệu Thảo đã đưa người nghe trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, khi trầm lắng, suy tư, khi dạt dào, vui tươi… Xem Diệu Thảo vẩy những nốt nhạc “Suy tư”, người ta không có cảm giác là cô đang biểu diễn, bởi cô gái có vóc dáng mảnh mai ấy cùng với cây đàn tỳ bà như hòa vào làm một. Những giây phút ấy, dường như cô quên hết thế giới chung quanh, chỉ còn âm nhạc và cảm xúc tuôn trào, thăng hoa. Những ngón tay duyên dáng, nhuần nhị của Diệu Thảo gảy nên những tiếng trầm, tiếng cao, tiếng vang, tiếng tĩnh, tiếng mềm, tiếng đanh… và chảy vào hồn người, mang đến những rung cảm đẹp đẽ…

Chia sẻ sau khi phần biểu diễn của mình khép lại, Vũ Diệu Thảo cho biết: “Ngày hội Âm nhạc Việt Nam là một sự kiện lớn, quy tụ nhiều tinh hoa và các bậc tiền bối, hậu bối uy tín hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Được chọn biểu diễn trong ngày hội tôn vinh những người làm nghề và là cũng là ngày hội của toàn dân yêu nhạc này, cô thấy mình có một niềm vinh hạnh lớn lao, niềm vui và cảm xúc hân hoan”.

Tác phẩm “Suy tư” mà Vũ Diệu Thảo biểu diễn là một sáng tác của NSND Mai Phương - cánh chim đầu đàn của cây đàn tỳ bà Việt Nam. Đây là một tác phẩm với rất nhiều những cung bậc cảm xúc, tâm tư, tình cảm được thể hiện qua những kỹ thuật diễn tấu đặc trưng và điêu luyện của cây đàn tỳ bà. Chính vì thế, Diệu Thảo đã dành rất nhiều tâm sức để tập luyện và hoàn thiện.

“Đặc biệt không thể thiếu một phần quan trọng tạo nên sự thành công của tác phẩm là phần phối khí hòa âm hiệu quả cho Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam chính là vai trò của NSND Phạm Ngọc Khôi. Có thể nói, NSND Mai Phương là người thai nghén nên tác phẩm “Suy tư”, còn người khắc họa hình hài rõ nét, mang đến sức sống và quy mô cho tác phẩm chính là NSND Phạm Ngọc Khôi”, nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo cho biết.

Với Vũ Diệu Thảo, Ngày Âm nhạc Việt Nam đánh dấu lần thứ hai tác phẩm “Suy tư” và cô được biểu diễn trên sân khấu lớn. Trước đó, cô đã có màn trình diễn đầy thăng hoa trong sự kiện Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam khởi động năm 2022 tại khán phòng Hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. “Ngay lúc này kỷ niệm và cảm xúc trong lần đầu tiên xuất hiện của tôi và “Suy tư” vẫn còn. Tôi vẫn còn nhớ, NSND Phạm Ngọc Khôi đã có những đêm thức trắng để dồn tâm huyết cho ra đời những nốt nhạc cuối cùng kịp biểu diễn trong sự kiện”.

Nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo: “Hạnh phúc khi đàn tỳ bà được đón nhận” ảnh 2

Tiết mục "Suy tư" do nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo thể hiện. (Ảnh: HÒA NGUYỄN)

Với một nghệ sĩ, giảng viên như Vũ Diệu Thảo, cây đàn tỳ bà với tác phẩm “Suy tư” xuất hiện liên tiếp trong các sự kiện âm nhạc lớn và uy tín là niềm vui và hạnh phúc vô bờ. “Điều đó khẳng định được chất lượng của tác phẩm, giá trị nghệ thuật mang đến cho công chúng, cây đàn tỳ bà được tiếp cận gần hơn với khán giả, được khán giả yêu thích và đón nhận, có lẽ không có gì tuyệt vời hơn thế”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.

Vũ Diệu Thảo cũng bày tỏ: “Dường như là cái duyên đưa Diệu Thảo đến với cây đàn tỳ bà, thế rồi cái phận cũng khiến Thảo gắn bó và tiếp tục kế thừa, phát huy giá trị của cây đàn tỳ bà đến giờ phút này. Đàn tỳ bà đẹp theo nhiều nghĩa, cả về hình thức lẫn tiếng đàn, có sức thu hút đặc biệt với Thảo. Càng gắn bó, tập luyện và khai thác tính năng của cây đàn, Diệu Thảo càng thêm yêu, thêm hiểu và nhận biết rõ nhiệm vụ của mình là gì. Thảo cũng luôn mong muốn với sự bền bỉ theo nghề giáo, Thảo sẽ có thêm nhiều cơ hội, nhiều học sinh để truyền đạt kiến thức, niềm đam mê của mình đến thế hệ kế cận”.

Nữ giảng viên đàn tỳ bà của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng mong sẽ có thêm nhiều lần tỳ bà được xuất hiện trên các sân khấu uy tín, thêm nhiều lần khán giả lắng nghe và yêu thương cây đàn, thêm nhiều những tác phẩm đặc sắc và ấn tượng như “Suy tư” để cây đàn ngày càng phát triển mạnh mẽ và dành được nhiều tình cảm, sự yêu mến của khán giả.

Nhận xét về Vũ Diệu Thảo, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết: “Vũ Diệu Thảo là một nghệ sĩ tài năng của nghệ thuật âm nhạc Việt Nam gắn với cây đàn tỳ bà. Diệu Thảo với tiếng đàn có thể coi là "biết nói", như mạch nguồn từ trong tâm hồn của người nghệ sĩ được truyền tải bằng thứ ngôn ngữ đặc biệt là âm thanh tỳ bà.

Tôi đặc biệt ấn tượng với tiếng đàn của Diệu Thảo đã từ rất lâu. Chúng tôi cùng những người bạn cũng đã từng có nhiều buổi hòa nhạc cùng nhau, thực sự đó là những phút giây thăng hoa cùng cảm xúc âm nhạc của những người nghệ sĩ”.