Nghệ sĩ và ý thức giữ gìn hình ảnh quốc gia

Thời gian qua, thông tin liên quan hai nghệ sĩ của Việt Nam bị cáo buộc vi phạm pháp luật ở Tây Ban Nha đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận. Mức độ vi phạm chính xác như thế nào còn cần kết luận điều tra cuối cùng, song điều đáng nói là cả hai nghệ sĩ đều ra nước ngoài mà không xin phép cơ quan chủ quản là những đơn vị sự nghiệp công lập.
0:00 / 0:00
0:00
Biết giữ mình và phát huy trách nhiệm công dân với xã hội và đất nước ở mọi môi trường, hoàn cảnh chính là cách để nghệ sĩ tạo dựng những giá trị cho bản thân, nhằm xứng đáng với sự yêu mến, tin tưởng từ công chúng.( Ảnh minh họa: TTXVN)
Biết giữ mình và phát huy trách nhiệm công dân với xã hội và đất nước ở mọi môi trường, hoàn cảnh chính là cách để nghệ sĩ tạo dựng những giá trị cho bản thân, nhằm xứng đáng với sự yêu mến, tin tưởng từ công chúng.( Ảnh minh họa: TTXVN)

Trên thực tế, không ít nghệ sĩ đi nước ngoài với lý do du lịch nhưng lại để biểu diễn, thi thố trên những sân chơi nghệ thuật; có trường hợp khi sang nước bạn gây những hành vi xấu làm ảnh hưởng, tổn hại đến danh dự, hình ảnh quốc gia. Điều này khiến nhiều nhà chuyên môn cho rằng cần thiết phải siết chặt và có giải pháp quản lý đối với việc nghệ sĩ ra nước ngoài.

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 1673/QĐ-SVHTT về quy chế quản lý và xét duyệt công chức, viên chức, người lao động đi nước ngoài. Đối tượng áp dụng là công chức, viên chức, người lao động, các huấn luyện viên, vận động viên và văn nghệ sĩ ký hợp đồng làm việc với Sở và các đơn vị trực thuộc.

Điều 4 của Quyết định quy định các hành vi bị nghiêm cấm là: tự ý đi nước ngoài không xin phép hoặc tự ý đi nước ngoài trước khi được chấp thuận; tự ý ở lại nước ngoài quá thời gian quy định; sử dụng ngân sách nhà nước để đi nước ngoài vào việc riêng; không trung thực trong việc kê khai mục đích đi nước ngoài; đi không đúng quốc gia đến được cho phép...

Quyết định cũng yêu cầu sau khi về nước, trong thời gian 7 ngày làm việc, người đi nước ngoài phải báo cáo chuyến đi cho đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, người đi nước ngoài phải chấp hành luật pháp Việt Nam và luật pháp của các quốc gia (vùng lãnh thổ), giữ gìn hình ảnh quốc gia, dân tộc, báo cáo cho lãnh đạo khi ở quá thời gian xin phép.

Trường hợp gia hạn ở nước ngoài vì việc riêng phải làm đơn trình bày lý do, thời gian, cung cấp tài liệu liên quan gửi về phòng Tổ chức-Pháp chế; trường hợp buộc phải ở lại do yếu tố khách quan cần báo cáo lãnh đạo Sở và phòng, đơn vị đang công tác. Việc cho phép phải thể hiện bằng quyết định hành chính (thay vì qua trao đổi riêng)…

Đáng ghi nhận là bên cạnh quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ khi đi nước ngoài, Quyết định cũng đưa ra những chế tài xử lý vi phạm đối với từng đối tượng theo các mức độ vi phạm khác nhau. Với đặc thù là một trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn của cả nước, là nơi tập hợp lực lượng nghệ sĩ đông đảo ở nhiều loại hình nghệ thuật, việc đưa ra những quy chế, quy định nêu trên áp dụng đối với cả đối tượng là các nghệ sĩ được xem là động thái tích cực của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân của các nghệ sĩ khi bước qua biên giới Việt Nam.

Quyết định 1673 sẽ tạo điều kiện để các đơn vị trực thuộc trực tiếp quản lý nghệ sĩ như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam... có cơ sở để giám sát người lao động khi ra nước ngoài.

Những vi phạm của nghệ sĩ ở môi trường quốc tế không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân họ mà còn tổn hại tới thương hiệu văn hóa, hình ảnh đất nước. Biết giữ mình và phát huy trách nhiệm công dân với xã hội và đất nước ở mọi môi trường, hoàn cảnh chính là cách để nghệ sĩ tạo dựng những giá trị cho bản thân, nhằm xứng đáng với sự yêu mến, tin tưởng từ công chúng.