Nghệ sĩ Dương Minh Đức “vẫn hát lời tình yêu...”

Cả cuộc đời khoác áo lính, gắn bó với nghệ thuật, nghệ sĩ Dương Minh Đức không chỉ có một giọng hát hay, giàu cảm xúc được yêu thích mà còn là người thầy truyền cảm hứng để làm nên thành công của nhiều thế hệ ca sĩ quân đội.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Dương Minh Đức (Ảnh: Báo Hà Nội Mới)
Nghệ sĩ Dương Minh Đức (Ảnh: Báo Hà Nội Mới)

Dù tuổi đã cao, người nghệ sĩ ấy vẫn giữ đam mê với sân khấu và bục giảng với nhiều đóng góp cho nền thanh nhạc nước nhà.

Sinh ra trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ở chiến trường ác liệt bậc nhất thời ấy là Bình Thuận-Ninh Thuận của Liên khu VI, rồi lớn lên ở phố nhà binh Lý Nam Đế (Hà Nội), 15 tuổi, Dương Minh Đức khoác ba-lô vào học Trường Nguyễn Văn Trỗi dành cho con em những sĩ quan đi chiến đấu ở mặt trận. Sau khi học xong phổ thông, lại học tiếp đại học ở Trường đại học Kỹ thuật quân sự, cuộc đời nghệ sĩ Dương Minh Đức như được định sẵn sẽ gắn bó với binh nghiệp, với sắc áo xanh người lính.

Đúng như vậy, nhưng thay vì trở thành một sĩ quan chiến đấu hay một sĩ quan kỹ thuật quân sự như các bạn, đời binh nghiệp của anh lại gắn với nghệ thuật, là một người lính ca hát, một nghệ sĩ quân đội. Cho đến hôm nay, con trai anh lại tiếp nối, cùng mặc áo lính, cùng theo đường binh nghiệp và cùng là nghệ sĩ-chiến sĩ.

Là nghệ sĩ quân đội, sân khấu của nghệ sĩ Dương Minh Đức là những chiến hào, trận địa và khán giả trước hết là cán bộ, chiến sĩ, những người lính. Tiếng hát của người lính Dương Minh Đức từng vang lên cả ở châu Mỹ xa xôi: Cuba, Mexico, Panama, Venezuela...

Ngay từ ngày còn trẻ, Dương Minh Đức với tiếng hát xuất sắc, đã hoàn thành nhiều sứ mệnh của người nghệ sĩ. Năm 1979, trong đoàn nghệ thuật thanh niên Việt Nam sang Liên Xô (trước đây) tham dự cuộc gặp gỡ thanh niên hai nước Việt-Xô, Dương Minh Đức đã hát Ký ức Cachiusa của tác giả Thanh Trúc được khán giả nước bạn yêu thích bởi chính anh là người lính trong cuộc: Một chiều rừng già giữa đường hành quân đi đánh Biên Hòa/Người chiến sĩ muốn nghe khúc hát tình Cachiusa/Tôi đã hát lên bài ca và tôi đã hát lên bài ca/Mang tình yêu thiết tha của một miền thùy dương xa.

Năm 1981, giọng hát người lính xuất sắc ấy lại vinh dự được cử đi tham dự cuộc thi âm nhạc “Hoa cẩm chướng đỏ” tại Sochi (Liên Xô). Giữa rất nhiều ngôi sao nghệ thuật của 12 nước xã hội chủ nghĩa tham dự cuộc thi, anh vinh dự đoạt giải ba với bài hát Chiều trên bến cảng của nhạc sĩ quân đội Nguyễn Đức Toàn-một bài hát tưởng như chỉ dành riêng cho ca sĩ Ngọc Tân, nhưng giọng hát tenor lên những nốt cao nhẹ, sáng và bay của Dương Minh Đức vẫn có những sáng tạo và sức thuyết phục riêng đã chinh phục được Ban giám khảo quốc tế.

Nghệ sĩ Dương Minh Đức có lần tâm sự rất khiêm tốn, chân thành về con đường nghệ thuật của mình: “Năm 1969, tôi thi đỗ vào ngành chế tạo máy của Trường đại học Kỹ thuật quân sự và đã đạt những thành tích xuất sắc trong học tập. Khi đó, tôi đã tham gia Hội diễn quần chúng toàn quân và được giải nhất với hai bài hát Trong mỗi trái tim ta có Bác Hồ (tác giả Trịnh Nguyên Huân) và bài Hà Nội niềm tin và hy vọng

(Phan Nhân). Tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại trường, một thời gian sau tôi muốn học thêm kiến thức về thanh nhạc cho nên đã thi vào Nhạc viện Hà Nội và đỗ thủ khoa. Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ có lẽ âm nhạc đã chọn tôi. Sau hai năm học tại Nhạc viện, tôi đã tham dự cuộc thi tiếng hát chuyên nghiệp toàn quốc và đoạt Huy chương vàng với bài Chiều trên bến cảng. Cũng trong năm đó, tôi tiếp tục sang Liên Xô tham gia cuộc thi “Hoa cẩm chướng đỏ” và đoạt giải ba”.

Một giọng hát đẹp, bay, truyền cảm và giàu sức chinh phục là nền tảng tri thức nghệ thuật thanh nhạc vững vàng, hiện đại để nghệ sĩ Dương Minh Đức biểu diễn và giảng dạy. Nhiều sinh viên, học trò của anh ở Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật quân đội (nay là Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội) sau này đều trở thành những ca sĩ có tên tuổi như: Lương Huy, Thúy Nội, Kasim Hoàng Vũ, Thanh Hào, Hương Mơ, Vũ Thắng Lợi, Hồng Hạnh (Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc quân đội).

Năm 2009, Dương Minh Đức tròn 60 tuổi và 40 năm ca hát. Dịp này, bốn đêm diễn của anh đã được tổ chức tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ đông vui và tưng bừng. Dương Minh Đức giã từ cương vị Phó Hiệu trưởng Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội vì đến tuổi về hưu, nhưng anh không giã từ sân khấu, không giã từ công việc giảng dạy. Anh vẫn tiếp tục đào tạo thêm nhiều ca sĩ trẻ, và tiếp tục cùng các ca sĩ Quang Thọ, Quang Huy, Hoàng Chè, Doãn Tần, Thanh Vinh, Minh Tuấn... đi biểu diễn khắp nơi.

Tới đây, Nghệ sĩ Ưu tú Dương Minh Đức sẽ vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân.