Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Thái Ly-cây đại thụ của ngành múa Việt Nam

NDO -

Ngày 25/12, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Thái Ly-Cuộc đời và sự nghiệp” nhân kỷ niệm 91 năm Ngày sinh và 29 năm Ngày mất của cố Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Thái Ly (1930-1992)-người đã có nhiều đóng góp to lớn cho nền nghệ thuật múa nước nhà.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học “GS,NSND Thái Ly-Cuộc đời và sự nghiệp”.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “GS,NSND Thái Ly-Cuộc đời và sự nghiệp”.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Tiến sĩ (TS), Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho biết, lẽ ra hội thảo được tổ chức vào đúng dịp TP Hồ Chí Minh đặt tên đường Thái Ly cho một tuyến đường ở Thủ Đức (tháng 4/2021), nhưng do tính chất phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 trên toàn quốc nên hội thảo buộc phải lùi lại.

“Diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid, hội thảo không chỉ là dịp tri ân, tôn vinh một người nghệ sĩ-chiến sĩ kiên trung, một nhân cách, tài năng đã dâng hiến cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng nền nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam; mà còn là dịp để nghiên cứu sâu hơn những giá trị tư tưởng, nghệ thuật và học thuật trong di sản đồ sộ của GS,NSND Thái Ly mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, TS,NSND Phạm Anh Phương nhấn mạnh.

GS,NSND Thái Ly tên thật là Nguyễn Đình Thái, sinh ngày 6/7/1930 tại Hải Dương trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông được biết đến là cây đại thụ của ngành múa Việt Nam, là một trong những người đã đặt nền móng cho kịch múa và nghệ thuật múa cách mạng.

Những năm 1950, khi đang làm việc ở Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) tại Chiến khu Việt Bắc, ông được cử sang du học ở Trung Quốc. Sau 5 năm học tập tại Học viện Nghệ thuật Múa Bắc Kinh, với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc Khoa Biên đạo múa, ông trở về nước và trở thành một trong những người xây dựng những bước đi đầu tiên cho Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam), giữ cương vị Phó Hiệu trưởng. Ông đã góp phần đào tạo nhiều tài năng biên đạo múa, diễn viên múa xuất sắc của Việt Nam.

Trong những năm tháng gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông xung phong vào chiến trường miền nam, trở thành Phó Vụ trưởng Văn nghệ của của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, Trưởng Đoàn Ca múa Giải phóng. Tại đây, ông đã sáng tác, biểu diễn và đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa nghệ thuật phục vụ chiến sĩ, đồng bào.

Sau ngày thống nhất đất nước, GS,NSND Thái Ly là người đặt nền móng thành lập Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh với cương vị Hiệu trưởng. Bên cạnh công tác quản lý, ông hăng say tham gia sáng tác, huấn luyện, nghiên cứu lý luận nhằm phát triển đội ngũ nghệ sĩ múa phương nam.

Nói đến những sáng tác của GS,NSND Thái Ly là nói đến những tác phẩm múa và kịch múa đã trở thành kinh điển như: Đôi bờ (âm nhạc Nguyễn Đình Tích), Cánh chim và ánh mặt trời (âm nhạc Xuân Hòa), Katu (âm nhạc Nguyễn Đình Tích, đồng tác giả cùng Nghệ sĩ Ưu tú Ngân Quý)… Trong đó, Cánh chim và ánh mặt trời, Katu là hai tác phẩm múa đã được biểu diễn rộng rãi trên các sân khấu trong nước và quốc tế  trải dài suốt thế kỷ 20 cho tới tận ngày nay.

Cùng với đó, là những tác phẩm như: thơ múa Hái hoa dâng Bác (âm nhạc Vĩnh Cát), kịch múa Bà mẹ miền nam (âm nhạc Xuân Hòa, Nguyễn Đình Tích), kịch múa Bả Khó (âm nhạc Nguyễn Đình Tích), Xuống đường (âm nhạc Lưu Hữu Phước), Bài ca hy vọng (âm nhạc Văn Ký, Trường Nam)…

Trong nghiên cứu lý luận, ông luôn đề cao các giá trị văn hóa truyền thống và nghệ thuật múa dân tộc. Ông là biên đạo múa hiếm hoi đưa ra quan điểm về phương pháp nghiên cứu liên ngành. Quan điểm này trong tư duy sáng tạo của ông đã góp phần quan trọng trong xây dựng hình tượng nghệ thuật và ngôn ngữ tác phẩm múa, song hành cùng sự phong phú về đề tài, đa dạng về hình thức, sâu sắc về nội dung, am tường về nghệ thuật âm nhạc.

GS,NSND Thái Ly đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Chiến thắng. Với những đóng góp to lớn ở cả bốn lĩnh vực: đào tạo, sáng tác, biểu diễn và nghiên cứu lý luận về nghệ thuật múa, ông được trao danh hiệu NSND đợt đầu tiên năm 1984 và là người đầu tiên của ngành múa Việt Nam được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

Hội thảo đã nhận được hơn 30 tham luận của các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, từ đó khẳng định vị trí, vai trò khai mở cho ngành múa Việt Nam của GS,NSND Thái Ly, đồng thời làm sáng tỏ nhân cách cao đẹp của một nghệ sĩ-chiến sĩ kiên trung, một nhà sư phạm mẫu mực, một biên đạo múa tài năng cùng những giá trị tư tưởng, nghệ thuật và học thuật, đặc biệt là tính dân tộc, hiện đại thấm nhuần trong những tác phẩm của GS,NSND Thái Ly.