Nghệ sĩ âm nhạc cổ điển ở châu Âu: Không hề dễ dàng

NDO -

Để trở thành một nghệ sĩ âm nhạc cổ điển ở châu Âu, sẽ phải mất một chặng đường đào tạo dài và công phu hơn rất nhiều so với các ngành khác. Tuy nhiên việc sống bằng nghề đối với các nghệ sĩ chuyên ngành này vẫn không hề dễ dàng.

Một buổi hòa nhạc cổ điển tại Việt Nam có nghệ sĩ piano Lương Tố Như tham gia.
Một buổi hòa nhạc cổ điển tại Việt Nam có nghệ sĩ piano Lương Tố Như tham gia.

Những kinh nghiệm thực tế từ việc hỗ trợ phát triển âm nhạc cổ điển tại Cộng đồng nói tiếng Pháp của Bỉ Wallonie & Bruxelles có thể sẽ rất hữu ích đối với Việt Nam trong việc xây dựng những thế hệ khán giả yêu quý và trân trọng giá trị và vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển.

Ông Daniel Buron, Giám đốc Nhạc viện Tournai (Cộng đồng nói tiếng Pháp của Bỉ Wallonie & Bruxelles) chia sẻ, cuộc sống của một nghệ sĩ âm nhạc cổ điển chưa bao giờ là dễ dàng. Trước hết, phải mất một chặng đường rất dài để đào tạo nên một nghệ sĩ âm nhạc cổ điển.

Tại Wallonie & Bruxelles, đào tạo nghệ thuật (âm nhạc, sân khấu, múa, mỹ thuật) được chia thành hai cấp học: 112 học viện hoặc nhạc viện phân bổ trên toàn khu vực Wallonie & Bruxelles, do Cộng đồng nói tiếng Pháp của Bỉ tổ chức và trợ cấp. Hệ thống các trường này mang tên "ESAHR" (Giáo dục nghệ thuật bán thời gian), cho phép khoảng 96.000 học sinh theo học 4 lĩnh vực nghệ thuật gồm âm nhạc, sân khấu, múa và mỹ thuật. Trẻ em từ 5 đến 12 tuổi được học miễn phí.

Đây cũng là nơi đào tạo cơ bản về âm nhạc theo nhu cầu thay cho các chương trình ở trong trường học phổ thông, bởi vì hiện tại ở Bỉ không có các giờ học về âm nhạc ở hệ thống trường phổ thông. Sau 10 năm đào tạo, học sinh từ các trường này có thể học nghệ thuật ở trình độ cao hơn (đại học và sau đại học). Sau khi tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng về nghệ thuật này (có 16 trường ở Bruxelles, Liège, Mons, Namur), các sinh viên có thể theo đuổi hai con đường thực hành nghệ thuật hoặc giảng dạy, hoặc cả hai.

Tuy nhiên các con số thống kê gần đây cho thấy chưa đến 1 trong số 3.000 học sinh sau khi học xong các trường nghệ thuật này quyết định theo đuổi và dấn thân vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Giám đốc Nhạc viện Tournai Daniel Buron cho biết, tuy nhiên, không nhiều sinh viên nghệ thuật lựa chọn việc trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp, mà thường đi theo con đường giảng dạy. Theo một nghiên cứu, chỉ 13% nhạc công chuyên nghiệp sống hoàn toàn bằng việc biểu diễn nghệ thuật. Điều này có nghĩa là 87% nghệ sĩ, nhạc công hoạt động nghệ thuật, thường xuyên hoặc không thường xuyên, sẽ có thu nhập bổ sung từ công tác giảng dạy. Sự nghiệp giảng dạy mang lại công việc và mức lương ổn định cũng như nhiều lợi ích xã hội khác (nghỉ phép, dịch vụ y tế, chế độ hưu trí…). Nghệ sĩ piano Lương Tố Như cũng từng chia sẻ về việc này: “Các bạn trẻ hiện nay ra trường rồi đi dạy, không ham muốn biểu diễn, không rõ là tại sao. Tôi thấy nếu không biểu diễn thì không thể nuôi dưỡng tâm hồn được, như vậy cũng không thể dạy hay được. Biểu diễn cũng là những giá trị tinh thần và cả cảm hứng thực hành nghệ thuật nữa”.

Nếu lựa chọn trở thành nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, các nghệ sĩ có thể tham gia các dàn nhạc biểu diễn chuyên nghiệp (do Wallonie-Bruxelles trợ cấp) như: Dàn nhạc giao hưởng Liège, Opera de la Monnaie, Royal Opera of Wallonia, Chamber Orchestra of Wallonia, 3 dàn nhạc quân sự, Dàn nhạc Quốc gia của Bỉ). Các dàn nhạc này tuyển dụng không những nhạc công của Bỉ mà còn cả ứng viên đến từ các quốc gia khác. Ngoài ra, các nhạc công chuyên nghiệp cũng có thể tự xây dựng các dự án nghệ thuật (có hoặc không có sự trợ giúp của Wallonie-Bruxelles) và tham gia các festivals, các chương trình của Nhà Văn hóa, đài phát thanh, truyền hình, sản xuất đĩa…

Nghệ sĩ âm nhạc cổ điển ở châu Âu: Không hề dễ dàng -0
 Ông Daniel Buron, Giám đốc Nhạc viện Tournai. (Ảnh: culturepointwapi)

“Sự nghiệp nghệ sĩ đang phát triển mạnh mẽ và là niềm mơ ước cho bất kỳ ai dấn thân vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ngược lại với sự ổn định của việc giảng dạy, giấc mơ này chứa nhiều ẩn số và rủi ro cả về công việc lẫn sự nghiệp. Mỗi ngày bạn luôn phải là người giỏi nhất và bên cạnh đó may mắn cũng phải luôn mỉm cười với bạn”- ông Daniel Buron nói.

Ở Bỉ nói chung và Wallonie & Bruxelles nói riêng, nghệ thuật, trong đó có âm nhạc cổ điển rất được Chính phủ quan tâm và tạo nhiều điều kiện hỗ trợ. Giám đốc Nhạc viện Âm nhạc Tournai Daniel Buron cho biết, giảng dạy nghệ thuật được thực hiện gần như miễn phí, trên toàn khu vực cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp Wallonie-Bruxelles (chiếm 1/2 dân số Bỉ). Chương trình giảng dạy gồm chủ yếu là âm nhạc cổ điển, ngoài ra còn có các phong cách như jazz và pop-rock.

Wallonie-Bruxelles còn hỗ trợ tài chính cho các "Nhà văn hóa" để tổ chức các Mùa văn hóa trong đó các buổi hòa nhạc cổ điển, hỗ trợ tài chính cho các Festival âm nhạc cổ điển do các thành phố hoặc công ty tư nhân tổ chức. Wallonie-Bruxelles cũng hỗ trợ các nghệ sĩ thuộc cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp Wallonie-Bruxelles thông qua việc tài trợ trong sáng tác, biểu diễn, thu âm, quảng bá... Các nghệ sĩ (nhạc cổ điển, jazz, pop-rock…) của Wallonie-Bruxelles ở nước ngoài cũng được hỗ trợ quảng bá, đặc biệt thông qua các Phái đoàn Wallonie-Bruxelles. Tại Việt Nam, nhiều nghệ sĩ Wallonie & Bruxelles đã sang biểu diễn thông qua chương trình này trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, những sáng tác các tác phẩm âm nhạc "đương đại" cũng được tài trợ.

Để bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật cổ điển, theo ông Daniel Buron, có hai giải pháp ngắn hạn và lâu dài.

Về mặt ngắn hạn, trước hết có thể phổ cập các chương trình nghệ thuật cổ điển thông qua truyền thông, phát sóng truyền hình để chạm tới đông đảo công chúng. Pháp, Đức và Anh đều dành chương trình phát sóng truyền hình cho âm nhạc cổ điển: các buổi hòa nhạc, biểu diễn và những chương trình này đều được phát sóng vào các khung giờ "vàng" (giờ cao điểm người xem). Các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí cũng được phát sóng và thu được thành công ngoài sức tưởng tượng với lượng khán giả rất lớn. Việc quảng bá trên truyền hình như vậy mang lại cho âm nhạc cổ điển một hình ảnh lớn và dần tạo nên một lượng khán giả mới. Các buổi hòa nhạc của dàn nhạc giao hưởng hay dàn nhạc cổ điển đều "kín chỗ" ở những quốc gia này.

Truyền hình Bỉ nói tiếng Pháp chỉ dành một lượng thời gian phát sóng nhỏ cho nhạc cổ điển và thường theo phong cách "tinh hoa" dành cho khán giả đã thông hiểu nền âm nhạc này.

Việc phổ biến âm nhạc cổ điển trên truyền hình cũng đặt ra vấn đề là âm nhạc cổ điển phải tìm lại khán giả mới. Các chương trình truyền hình mang phong cách gần gũi công chúng hơn (không phải dành cho chuyên gia) có thể thu hút lượng khán giả mới không? Đó là câu hỏi cần phải suy nghĩ.

Về giải pháp dài hạn, cần thiết phải đưa âm nhạc cổ điển, cũng như tất cả các bộ môn nghệ thuật cổ điển vào chương trình giảng dạy trong trường học. Giáo dục nghệ thuật, đặc biệt ở các trường tiểu học và trung học nhằm khơi dậy sức hấp dẫn của nghệ thuật cổ điển và đặc biệt là để xóa bỏ sự thiếu hiểu biết về nghệ thuật cổ điển. Quá trình giáo dục văn hóa nghệ thuật cần đi theo hướng này và đó là bước đi đầu tiên.

“Tuy nhiên, tôi tin rằng điều quan trọng là mang đến cho học sinh, trong suốt quá trình học tập của các em, một tầm nhìn đầy đủ về thế giới nghệ thuật. Âm nhạc cổ điển đại diện cho bao thế kỷ với bao kiệt tác đáng kinh ngạc, cần cho học sinh khám phá. Có vẻ như rất thường xuyên, các giáo viên, vì sợ phản ứng của học sinh, vì sợ không (không còn) "hợp mốt" đã từ bỏ việc giới thiệu những tác phẩm cổ điển. Trong khi đóm một số lượng lớn học sinh sau khi khám phá ra bộ môn kinh điển này lại trở thành “fan” của nó. Bạn không nên theo mốt, mà bạn phải tạo nên mốt" - ông Daniel Buron nói. Ông cho rằng, nhiệm vụ của mỗi giáo viên là tạo cho học sinh cơ hội tiếp cận với thế giới đa dạng của văn hóa nghệ thuật.

Sau khi tìm hiểu bộ môn giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam, thăm Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, tôi đã khâm phục tầm quan trọng và vị trí mà âm nhạc cổ truyền Việt Nam có được. Các em học sinh theo học các bộ môn này với đầy hạnh phúc và đam mê. Việc giảng dạy âm nhạc cổ truyền như vậy là một phương tiện chắc chắn để truyền tải giá trị văn hóa nghệ thuật cũng như sức hấp dẫn của nó cho các thế hệ mai sau.

Daniel Buron, Giám đốc Nhạc viện Tournai