Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu qua đời

NDO -

NDĐT- Nghệ nhân Hà Thị Cầu vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 12 giờ 33 phút trưa nay 3-3 tại nhà riêng ở thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu - ảnh do nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chụp.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu - ảnh do nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chụp.

Sự ra đi của bà, có thể nói cũng là sự mất mát gần như toàn bộ vốn liếng cuối cùng của hát xẩm - loại hình âm nhạc dân gian đặc sắc.

Có thể, sau bà Cầu, vẫn còn đâu đó một vài người hát xẩm sót lại. Cũng như đâu đó bây giờ ở một vài tụ điểm sinh hoạt văn hóa, một vài nghệ sĩ, nhóm nhạc hoài cổ vẫn tổ chức dựng lại loại hình ca hát này. Nhưng với hát xẩm, bà Cầu là một “pho sử” sống, người có giọng hát độc đáo, kỹ thuật nhuần nhuyễn và thuộc nằm lòng những làn điệu xẩm tưởng như đã mất.

Giọng hát trời cho để dành cho xẩm, cùng với hàng chục làn điệu xẩm mà chỉ duy nhất bà còn nhớ được, nghệ nhân Hà Thị Cầu được mệnh danh là “báu vật dân gian sống”. Bà được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2004, đồng thời được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2008, Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã nhận được giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu tên thật là Hà Thị Năm, song mọi người gọi bà là Cầu theo tên của người con trai cả. Theo tài liệu, thì bà Cầu sinh năm 1917, nhưng theo những người thân, thì năm nay bà khoảng 83 tuổi. Bà sinh ra trong một gia đình xẩm, sau khi bố mất, năm 13 tuổi bà Cầu và mẹ rong ruổi khắp đất Ninh Bình rồi gặp và đi hát cùng ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu. Năm mười sáu tuổi, bà trở thành người vợ thứ 18 của ông.

Kiếp xẩm thang lang nay đây mai đó, cái nghèo vẫn đeo bám lấy gia đình xẩm. Sinh bẩy người con thì bốn người đã mất, một người không nuôi nổi bà phải đem cho. Những năm nghề xẩm bị cấm cách, bà Cầu chật vật tìm kế mưu sinh.

Cũng may đến già bà được nương tựa vào vợ chồng người con gái là chị Mận nên tránh được cảnh neo đơn.

Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, bà Cầu không biết chữ, nhưng lại là người thông minh và có trí nhớ tuyệt vời. Chính bà đã sáng tác, đặt lời cho nhiều làn điệu xẩm và truyền dạy cho con cháu.

Trong rất nhiều tiết mục xẩm đặc sắc mà nghệ nhân Hà Thị Cầu từng hát, người ta nhớ nhiều nhất đến “Theo Đảng trọn đời”, do chính bà viết vào những năm 70 thế kỷ trước. Những bản ghi âm hiếm hoi của bài xẩm này vẫn được những người yêu xẩm tìm nghe và gửi cho nhau trên mạng.

Nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân theo đuổi dòng nhạc này, và thậm chí cả các nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền đều coi bà Cầu như người mẹ, người thầy của họ. Biết bà Cầu ốm nặng từ nhiều tháng trước, cùng với tuổi già lay lắt như ngọn nến trước gió, nhưng tin bà mất vẫn khiến họ bàng hoàng đau xót.

Lễ viếng bà Hà Thị Cầu được bắt đầu từ lúc 7h sáng ngày 4-3. Bà sẽ được an táng vào lúc 9h30 sáng 5-3 tại nghĩa trang Đầm Thuần (xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình).