Nghệ An xác định phát triển dược liệu, đặc biệt là dược liệu dưới tán rừng để khai thác tiềm năng lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng, phát huy giá trị đa dụng từ rừng, theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 là “phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến”.
Trồng dưới tán rừng
Đã ngoài 70 tuổi, nhưng hằng ngày, ông Vừ Tồng Và ở bản Huồi Sơn, xã biên giới Tam Hợp (huyện Tương Dương) vẫn đều đặn cùng các thành viên trong gia đình chăm sóc vườn bo bo (thảo đậu khấu nam) trồng xen dưới tán rừng. Bắt đầu trồng từ năm 2017 theo chương trình thí điểm, đến nay, diện tích trồng bo bo của gia đình ông đã lên đến 8 ha. “Mỗi héc-ta bo bo trồng xen thu hoạch khoảng 1 tấn quả tươi. Với giá khoảng 8-10 nghìn đồng/kg tươi, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, bo bo mang về cho gia đình tôi hơn 100 triệu đồng”, ông Và cho hay.
Tại bản Phá Lõm, năm 2021, được sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gia đình anh Xồng Bá Ca là hộ đầu tiên của xã trồng sâm bảy lá một hoa. Đến nay, vườn sâm rộng 200 m2 đang phát triển tốt. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp Xồng Bá Nỏ, sâm bảy lá một hoa có giá dao động từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng/kg củ tươi. Từ những kết quả khả quan của vườn sâm tại hộ anh Ca, đã có thêm bốn hộ dân khác thực hiện mô hình, đưa tổng diện tích trồng loại sâm này trên địa bàn xã lên gần 1.000 m2. Thay vì nhân giống sâm từ hạt, các hộ nay đã lặn lội vào rừng sâu tìm cây giống, nên rút ngắn được thời gian sinh trưởng của cây. Các hộ dân tự tìm cây giống, được Nhà nước hỗ trợ chi phí nhân công và tiền giống theo quy định của dự án. Sâm bảy lá một hoa và bo bo được địa phương xác định là loại cây trồng tiềm năng để giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã cải thiện thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Bản Na Kho, xã Nga My, nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, từ bao đời nay người dân ở đây chỉ khai thác tự nhiên củ bách bộ trong rừng để bán. Việc trồng cây bách bộ dưới tán rừng thì chưa có nhà nào làm. Năm 2022, 15 hộ dân tham gia chăm sóc vườn cây bách bộ hơn 3 ha, với khoảng 9.000 cây giống, thụ hưởng từ dự án Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An, do Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (Quỹ Môi trường toàn cầu) điều phối thực hiện. Củ bách bộ được thương lái thu mua với giá 400 nghìn đồng/yến củ khô, hoặc 80 nghìn đồng/yến củ tươi.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương cho biết, với sự hỗ trợ từ dự án nêu trên, từ tháng 9/2022 đến tháng 6/2024, trên địa bàn xã Nga My và Yên Hòa đã trồng được 18 ha cây dược liệu dưới tán rừng, chủ yếu là trà hoa vàng, khôi tía, ba kích tím, bách bộ. Hai vườn ươm cây giống dược liệu cũng đã sản xuất được hàng chục nghìn cây giống ba kích tím, hoài sơn, khôi tía, trà hoa vàng, giảo cổ lam…
Hay như tại xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn), nơi có đỉnh Puxailaileng cao hơn 2.700m so với mực nước biển, là đỉnh núi cao nhất của dãy bắc Trường Sơn - ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào, ngoài trồng gừng, đào đá bán Tết, nhiều hộ gia đình đã đầu tư vào cây đẳng sâm và sâm Puxailaileng. Điển hình như hộ gia đình anh Xồng Bá Lẩu ở bản Buộc Mú; Già làng Bá Lữ và Già làng Tồng Thù ở bản Buộc Mú 2… Chủ tịch UBND xã Na Ngoi Mùa Bá Vừ cho biết, diện tích cây dược liệu tăng lên đáng kể trong vài năm trở lại đây. Ngoài diện tích sản xuất của các doanh nghiệp, người dân trong xã đang trồng gần 3 ha đẳng sâm và hơn 1 ha sâm Puxailaileng, tam thất.
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 30 loài đã được triển khai trồng tập trung tại một số huyện với tổng diện tích hơn 1.459,29 ha.
Trong đó, các loài được trồng quy mô lớn (chanh leo, gấc, nghệ, bo bo) khoảng 410 ha; cây trồng với diện tích lớn nhưng không tập trung (quế, bồ bồ, hành tăm) khoảng 620 ha; các cây thuốc nam (hòe, cà gai leo, hàm ếch, mã đề, chè vằng, ích mẫu, kinh giới, tía tô, kim tiền thảo, kim ngân, xuyên tâm, xạ can) trồng rải rác, khoảng 64 ha; các loài quý hiếm, có giá trị trồng thử nghiệm (bảy lá một hoa, đẳng sâm, hà thủ ô đỏ, lan kim tuyến, sa nhân tím, sâm ngọc linh, sâm Puxailaileng, đỗ trọng, đan sâm, bạch quả) hơn 22 ha. Địa điểm trồng cây dược liệu được chia thành các tiểu vùng: tiểu vùng miền núi (Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn) trồng khoảng 25 loài. Tiểu vùng trung du (Yên Thành, Hoàng Mai, Nam Đàn) trồng khoảng 12 loài; tiểu vùng đồng bằng (Quỳnh Lưu, Nghi Lộc) trồng 11 loài.
Người dân thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê, huyện Con Cuông chăm sóc cà gai leo. |
Đẩy mạnh liên kết
Trên địa bàn huyện Con Cuông, ngoài diện tích hơn 7 ha đất trồng cà gai leo, dây thìa canh, mướp đắng rừng…, Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát đang liên kết với 86 hộ dân ở các xã Chi Khê, Châu Khê, Thạch Ngàn, Lạng Khê trồng 15 ha cà gai leo và chè dây.
Tham gia liên kết từ năm 2018, anh Phan Đình Thuận (Trưởng thôn 2/9, xã Châu Khê) cho biết: So với các loại cây trồng khác, cà gai leo mang lại thu nhập cao, ổn định hơn. Thôn đang có 57 hộ trồng cà gai leo, khoảng 9,5 ha. Gia đình bà Nguyễn Thị Lam (thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê) đang trồng 0,2 ha cà gai leo. Trước đây, diện tích đất này được gia đình trồng chè, rồi lại trồng cam, nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Thấy gia đình người quen ở thôn 2/9 trồng cà gai leo có hiệu quả kinh tế tốt nên gia đình bà đăng ký trồng. “Nhà tôi bắt đầu trồng từ tháng 11/2023. Tháng 4 vừa qua đã thu hoạch lần đầu với gần 7 tấn tươi, bán giá 6.100 đồng/kg. Vụ đầu tiền giống, bạt ni-lông để phủ, nhân công trồng chiếm chi phí lớn, nhưng các vụ sau chi phí đầu tư rất ít. Cứ khoảng sáu tháng thu hoạch một lần và sau vài năm mới phải trồng lại”, bà Lam phấn khởi nói.
Hiện nay, mỗi năm Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát trồng và thu mua khoảng 400 tấn nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm trà túi lọc, trà hòa tan, viên hoàn, cao dược liệu… Nhiều sản phẩm đã trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Nghệ An. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát Phan Xuân Diện, dược liệu là cây trồng đang mở ra nhiều triển vọng trong sản xuất nông nghiệp cho người dân khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát. Công ty định hướng các hộ dân trồng cây gì, quy trình kỹ thuật trong quá trình trồng và đảm nhận bao tiêu đầu ra cho người dân. “Với giá 4.500 đồng/kg tươi, sau khi trừ chi phí, mỗi năm người dân sẽ thu về khoảng 130-150 triệu đồng/ha cà gai leo. Trong khi đó, nếu trồng mía, lợi nhuận chỉ khoảng 35-40 triệu đồng/ha. Chưa kể, cây dược liệu ít sâu bệnh, dễ chăm sóc”, ông Diện dẫn chứng.
Tại Quyết định số 1187/QĐ-UBND, ngày 3/4/2018 về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Nghệ An chủ trương tập trung phát triển 14 loài/nhóm loài cây thuốc tại 11 huyện/thị xã trên địa bàn tỉnh theo vùng núi cao, vùng núi trung bình, vùng thấp và đồng bằng với tổng diện tích trồng 905 ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An Võ Thị Nhung cho biết: Cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với một số loại cây trồng truyền thống (ngô, lúa, keo). Bởi vậy, việc thu hút nguồn lực về đất đai, lao động và nguồn vốn cho phát triển cây dược liệu nhận được sự ủng hộ lớn từ các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn vùng quy hoạch. Nhiều chủng loại cây dược liệu là cây chịu bóng, phù hợp trồng xen dưới tán rừng, nên việc phát triển cây dược liệu còn nâng cao giá trị sản xuất của đất rừng, góp phần bảo vệ và phát triển rừng. Điều đáng mừng, đã có sự tham gia của các công ty dược, doanh nghiệp thu mua và bao tiêu sản phẩm dược liệu cho nên đầu ra tương đối ổn định, tạo điều kiện hình thành mối liên kết giữa sản xuất và thị trường…
Việc Nghệ An phát triển dược liệu càng có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với các huyện miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết các loài cây dược liệu đều sinh trưởng bên trong rừng tự nhiên, dưới tán rừng, khu vực miền núi - nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Do đó, nếu làm tốt công tác này sẽ phát huy thế mạnh, mở ra cơ hội lớn đối với cộng đồng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, Nghệ An cần có chính sách đồng bộ và phù hợp, nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp chế biến có công nghệ tiên tiến, hiện đại; đẩy mạnh liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông)…