Đây cũng là quá trình tỉnh Nghệ An nghiêm khắc xác định rõ khâu yếu, mặt yếu để kiên quyết khắc phục; đồng thời tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, ban hành các chương trình giải pháp, bảo đảm vận hành đồng bộ, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tỉnh đã từng bước giải quyết các vấn đề thách thức.
Nghệ An đã và đang ghi những dấu ấn trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh khá của khu vực phía bắc.
Vai trò hạt nhân và cơ chế vận hành
Mới đây, theo công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, tỉnh Nghệ An đã vượt 7 bậc so với năm 2021.
Hai năm trước, tại một diễn đàn của tỉnh, ông Nguyễn Danh Nhân, chủ một doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp thẳng thắn, chủ trương từ tỉnh và các sở, ban, ngành với quyết tâm, tạo mọi điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư, nhưng thực tế vẫn còn nhiều rào cản, ách tắc. Đó cũng là tiếng nói của nhiều doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư ở Nghệ An.
Nhằm khai thông, thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về Cải cách hành chính (năm 2021); thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh gồm Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban cùng với 20 đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và các ban, ngành.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xác định mục tiêu, lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời triển khai, vận hành đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, tạo đột phá trong lĩnh vực công tác này. Chỉ sau một năm, thu hút đầu tư được xem là một trong những dấu ấn nổi bật nhất. Từ thứ hạng thấp, Nghệ An vượt lên, xếp thứ 9 trong số 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước.
Nghệ An đã có nhiều chủ trương, biện pháp đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với hệ thống chính trị. Tỉnh đã ban hành các chủ trương, nghị quyết bám sát thực tiễn, gắn với yêu cầu phát triển đến lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm sự phối hợp, vận hành đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, trong triển khai các chủ trương, chính sách vào cuộc sống, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, những đột phá chiến lược. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ với các huyện ủy, thành ủy, thị ủy và các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, toàn diện.
Gắn liền đổi mới phương pháp, tác phong lãnh đạo, các ủy viên Ban Thường vụ theo phân công làm việc với một số đảng bộ để nắm bắt tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện nền nếp chỉ đạo cơ sở, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động của các đảng bộ trực thuộc, bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ ở địa phương, sớm đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Nổi bật như, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW (khóa XI); số 18, 19 (khóa XII) là các trọng tâm công tác lớn với nhiều nội dung liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, đã được tỉnh tổ chức đạt và vượt mục tiêu.
Theo đó, tổ chức bộ máy của tỉnh được sắp xếp cơ bản tinh gọn, hợp lý, theo đúng quy định; tổng số biên chế toàn tỉnh giảm, đạt tỷ lệ hơn 10%; tỷ lệ tinh giản đạt gần 112%; các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh được đổi mới căn bản, đồng bộ, bảo đảm tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt các mô hình thí điểm.
Cũng trong năm 2022, căn cứ tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của phát triển, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09 về chuyển đổi số của tỉnh. Theo đó, đến năm 2025 kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP, từng bước hình thành các doanh nghiệp công nghệ số, hợp tác xã số trên địa bàn.
Tỉnh sớm ban hành các cơ chế, chính sách và tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu đã đề ra, gắn liền chỉ đạo các ngành, địa phương cần tiếp tục và tăng cường các hoạt động đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo và quy chế phối hợp, công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban, ngành và chính quyền cơ sở tập trung hướng về cơ sở, kịp thời giải quyết các vướng mắc từ cơ sở. Thực tế cho thấy, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ở Nghệ An đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội; quốc phòng-an ninh của tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, hai năm qua, trong bối cảnh ngành thương mại-dịch vụ bị suy giảm, nông nghiệp Nghệ An đã phát huy được vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng gần 6% cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; công nghiệp tăng gần 19%… góp phần đưa tổng sản phẩm trên địa bàn đứng thứ 3 khu vực và thứ 22 trong cả nước. Thu ngân sách đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
Hai năm qua, trong bối cảnh ngành thương mại-dịch vụ bị suy giảm, nông nghiệp Nghệ An đã phát huy được vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng gần 6% cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; công nghiệp tăng gần 19%… góp phần đưa tổng sản phẩm trên địa bàn đứng thứ 3 khu vực và thứ 22 trong cả nước. Thu ngân sách đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu
Người đứng đầu và đội ngũ "công bộc"
Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy tập trung xây dựng, ban hành các quy định, quy chế, hướng dẫn về công tác cán bộ như: Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ; Quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân; các quy định, quy chế về công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, thi tuyển và chính sách đối với cán bộ; ban hành nghị quyết, quy định về luân chuyển cán bộ.
Đồng thời tỉnh đã có những bước tiến mới trong phát hiện, sàng lọc xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực, đào tạo, gắn liền bồi dưỡng và bổ nhiệm những cán bộ, đảng viên dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông, Nghệ An cũng luôn coi trọng việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, gắn với bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý không phải là người địa phương. Đến năm 2020, cấp huyện ở Nghệ An đã thực hiện việc bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương: Bí thư Huyện ủy là 15/21, phó bí thư không phải là người địa phương 17/21. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, tỉnh ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về "Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ cơ sở, cán bộ trẻ có triển vọng"; chú trọng bồi dưỡng đào tạo cán bộ cả về chuyên môn và lý luận chính trị, cán bộ dân tộc, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ được chú trọng, từng bước gắn với chức danh, với quy hoạch và sử dụng cán bộ.
Từ việc luân chuyển, đầu tư bố trí đội ngũ cấp ủy và người đứng đầu, đội ngũ chuyên môn cao mà các huyện miền núi, biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã có sức bật tốt hơn.
Con Cuông là huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn, quá trình quyết tâm cao đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện đã và đang biến những tiềm năng, lợi thế từ núi rừng thành sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường.
Về chủ đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lương Đình Việt nói: Sau bốn năm huyện triển khai Chương trình, đề án "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đến nay, Con Cuông đã có 23 sản phẩm OCOP, trong đó bảy sản phẩm được công nhận 4 sao cấp tỉnh và 16 sản phẩm 3 sao, là huyện có nhiều sản phẩm OCOP ở Nghệ An. Đồng thời, Con Cuông cũng phát triển du lịch cộng đồng, mỗi năm thu hút từ 30 đến 40 nghìn lượt khách du lịch, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Quốc Khánh cho biết, các quy chế mới của tỉnh đã gắn thẩm quyền trách nhiệm cho từng tổ chức, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức sử dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cấp ủy viên các cấp của Nghệ An những năm gần đây tăng về số lượng và không ngừng nâng cao về chất lượng, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã có đội ngũ nhân lực gồm 12.175 người, làm việc trong các tổ chức nghiên cứu-phát triển. Đây là nguồn nhân lực chuyên môn, có kỹ năng nghề nghiệp tốt, là đội ngũ tiên phong trong các hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh.
Nghệ An đang trong hành trình xác lập mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với hai mục tiêu cơ bản là trở thành tỉnh khá, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ và trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý, quá trình này tỉnh tiếp tục coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tạo tiền đề quan trọng, bước đi đột phá tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội; quốc phòng-an ninh của tỉnh.