Thi đấu nội dung kiếm thuật trong buổi sáng, nữ võ sĩ wushu Dương Thúy Vi được 9,700 điểm, xếp thứ 6. Đứng đầu là vận động viên (VĐV) Trung Quốc Lai Xiaoxiao với 9,800 điểm.
Tuy nhiên, ở nội dung biểu diễn thương thuật, Thúy Vi thể hiện bài thi xuất sắc và giành vị trí thứ hai với 9,726 điểm. Cộng điểm cả hai nội dung, Thúy Vi đoạt HCĐ nội dung kiếm thuật-thương thuật nữ với tổng điểm 19,426 điểm.
HCV và HCB nội dung này lần lượt thuộc về Lai Xiaoxiao (Trung Quốc, có 19,600 điểm) và Kiani Zahra (Iran, 19,436 điểm). Cũng ở môn wushu nội dung thi đấu đối kháng (tán thủ), Nguyễn Thị Thu Thủy giành HCĐ hạng cân 60 kg nữ sau khi thua đối thủ người Ấn Độ Naorem Roshibina Devi 0-2 ở bán kết.
Trong khi đó, võ sĩ Hứa Văn Đoàn cũng thua bán kết hạng 56 kg nam với tỷ số 0-2 trước võ sĩ Trung Quốc Jiang Haidong và giành HCĐ.
* Ở môn taekwondo, võ sĩ Bạc Thị Khiêm giành HCĐ hạng 67 kg nữ. Để có được tấm HCĐ này, Bạc Thị Khiêm đã thắng Delo Laila (Philippines 7-5 sau hai hiệp đấu) ở vòng 1/8.
Vào tứ kết, Bạc Thị Khiêm thi đấu ấn tượng để giành thắng lợi áp đảo 7-2, 9-4 trong hai hiệp đấu trước võ sĩ Kim Jandi từng giành HCB châu Á năm 2016 để giành quyền vào bán kết. Đáng tiếc, võ sĩ của Việt Nam đã phải dừng bước khi thua Song Jie của Trung Quốc.
* Thi đấu môn bóng bàn, tay vợt Nguyễn Thị Nga thắng 4-0 trước đối thủ người Lebanon là Khoury Malak ở vòng 1 đơn nữ. Đinh Anh Hoàng thắng 4-0 trước đối thủ người Qatar Hussein Mohammed ở vòng đầu tiên nội dung đơn nam.
Hai tay vợt nam: Đinh Anh Hoàng/Lê Đình Đức đã đánh bại hai tay vợt của Macao (Trung Quốc) Chan Chi In/Zheng Hong Wai với tỷ số 3-0 ở vòng đầu tiên nội dung đôi nam. Việt Nam còn có Đoàn Bá Tuấn Anh/Nguyễn Anh Tú được vào thẳng vòng 2.
Trong khi đó, tay vợt số một Việt Nam là Nguyễn Anh Tú đã thua ngược đáng tiếc 3-4 trước đối thủ người Thái Lan Nuchchart Sitisak ở vòng đầu tiên nội dung đơn nam.
* Trên đường đua xanh, hai tay bơi của Việt Nam là Ngô Đình Chuyền và Đỗ Ngọc Vinh đều không thể vượt qua vòng loại nội dung 200m tự do nam. Thành tích đấu vòng loại của Ngô Đình Chuyền là 1 phút 51 giây 74 (xếp hạng 14), còn của Đỗ Ngọc Vinh là 1 phút 52 giây 29 (xếp hạng 18). VĐV bơi lội Phạm Thị Vân chỉ về đích thứ 16 vòng loại nội dung 100m bướm nữ, thành tích là 1 phút 4 giây 89.
Xạ thủ Trịnh Thu Vinh từng thi đấu nổi bật ở vòng loại nội dung 25m súng ngắn cá nhân với số điểm 9,733 trong ngày 26/9, song hôm qua đã không thể duy trì phong độ. Với 9,517 điểm, Thu Vinh bị loại ở nội dung không phải mạnh nhất của mình.
Ba đoàn của Đông Nam Á vào tốp 10 xếp hạng
Ngày 27/9, các đại diện Đông Nam Á tiếp tục giành thêm HCV. Trong khi Indonesia ở vị trí thứ 8 trên bảng xếp hạng đang có 3 HCV và chỉ giành thêm 1 HCB và 1 HCĐ thì Thái Lan đã xuất sắc vượt lên ở vị trí thứ 5 khi đoạt thêm 4 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ, nâng tổng số huy chương hiện có lên 6 HCV, 3 HCB và 8 HCĐ.
Bốn HCV của Thái Lan đến từ môn đua thuyền buồm và thể thao điện tử. Cũng ở môn đua thuyền buồm, đoàn thể thao Malaysia đoạt HCV đầu tiên tại ASIAD 19 ở nội dung đơn nữ, trong khi đoàn Singapore có tới hai HCV ở nội dung đơn nam.
Với thành tích này, Singapore đã lọt vào tốp 10 trên bảng xếp hạng huy chương của đại hội, còn Malaysia lên vị trí thứ 13.
* Hôm qua, vòng 16 đội môn bóng đá nam bước vào loạt năm trận đầu tiên. Ở trận đấu giữa Olympic Thái Lan và Olympic Iran, đội bóng khu vực Đông Nam Á đã thi đấu khá tự tin, thậm chí là ngang ngửa trước đối thủ được đánh giá vượt trội.
Tuy nhiên, họ đã rơi vào thế bất lợi từ phút thứ 14 khi để Iran có bàn thắng dẫn trước từ một sai lầm phá bóng của thủ môn Lakhonphon. Thái Lan dâng cao tấn công trong hiệp hai để tìm kiếm bàn thắng gỡ hòa và phần nào tạo được áp lực lên phần sân đối phương, nhưng thủ môn của họ tiếp tục dâng cho Iran bàn thắng thứ hai trên chấm đá phạt 11m sau pha phạm lỗi với cầu thủ đối phương.
Thắng Thái Lan 2-0, Iran vào tứ kết cùng Triều Tiên, đội bóng đã đánh bại Bahrain 2-0 ở trận đấu cùng giờ. Ba trận đấu còn lại tối qua cũng xác định ba đội thắng vào tứ kết, trong đó: Trung Quốc thắng Qatar 1-0, Hồng Công (Trung Quốc) thắng Palestine 1-0 và Hàn Quốc thắng Kyrgyzstan 5-1.
Thách thức lớn của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tập luyện trước trận đấu với Nhật Bản. (Ảnh VFF) |
15 giờ chiều nay (28/9), đội tuyển Việt Nam bước vào trận đấu quan trọng với Nhật Bản tại bảng D môn bóng đá nữ ASIAD 19. Đây là thách thức lớn nhất của thầy trò huấn luyện viên (HLV) Mai Đức Chung trong cuộc đua giành vé vào tứ kết.
Theo thể thức môn bóng đá nữ ASIAD lần này, năm đội nhất bảng và ba đội nhì bảng có thành tích tốt nhất sẽ vào tứ kết. Ở những bảng đấu có bốn đội, kết quả thi đấu với đội xếp thứ tư sẽ không được tính khi xếp hạng ba đội nhì bảng. Nếu không vượt qua được Nhật Bản để chiếm ngôi đầu, tuyển nữ Việt Nam sẽ chỉ có ba điểm để xét cạnh tranh với ba đội xếp thứ hai ở các bảng A, B và E.
Trong trường hợp Bangladesh thắng Nepal chiều nay và xếp thứ ba bảng D thì tuyển nữ Việt Nam sẽ có lợi thế lớn về hiệu số thắng thua bởi đã thắng đậm Bangladesh 6-1. Nếu Nepal (thua Việt Nam 0-2) thắng (khả năng này rất lớn) thì hiệu số bàn thắng của đội bóng nước ta sẽ không cao. Trong cả hai trường hợp thì tuyển nữ Việt Nam cũng phải hạn chế số bàn thua trước Nhật Bản.
Ở thời điểm hiện tại, trong bốn đội nhì bảng, đội tuyển Việt Nam đang xếp thứ hai về thành tích (có ba điểm, hiệu số +2 khi xét với đội xếp thứ ba bảng D là Nepal).
Cùng có ba điểm, nhưng tuyển Uzbekistan nhì bảng A đang dẫn đầu với hiệu số +6, tuyển Thái Lan nhì bảng B có hiệu số 0 xếp thứ ba sau Việt Nam, trong khi Philippines xếp cuối cùng chưa có điểm nào và hiệu số là -4.
Với hiệu số nêu trên, khả năng cao là Uzbekistan tiếp tục đứng đầu và ba đội bóng cùng khu vực Đông Nam Á sẽ phải cạnh tranh với nhau để quyết định hai suất đi tiếp còn lại.