Ngập úng diện rộng, Cà Mau cho học sinh tạm nghỉ

NDO -

Đến chiều 14-10, hai huyện Trần Văn Thời và U Minh (Cà Mau) đã cho học sinh tạm nghỉ vì ngập úng.

Người dân TP Cà Mau di chuyển khó khăn vì đường xá bì bõm như sông.
Người dân TP Cà Mau di chuyển khó khăn vì đường xá bì bõm như sông.

Tại huyện U Minh, hiệu trưởng các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn nhận lệnh từ lãnh đạo UBND huyện cho học sinh tạm nghỉ từ ngày 14 đến 16-10. Trong khi tại huyện Trần Văn Thời, học sinh các trường trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện được tạm nghỉ từ ngày 14 đến 15-10.

Đại diện chính quyền hai huyện cho biết, việc cho học sinh tạm nghỉ là do những ngày qua, tình hình mưa lớn kéo dài, thêm dông lốc khiến mực nước dâng cao làm ngập đường giao thông nông thôn và trường học. Vì thế, cơ sở vật chất không bảo đảm cho công tác giảng dạy.

Trước tình hình mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu bão số 7, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau vừa có Công văn đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, TP Cà Mau căn cứ tình hình cụ thể địa bàn, từng điểm trường xem xét cho học sinh mầm non, tiểu học tạm nghỉ trong những ngày mưa to, đường ngập, nguy hiểm đến sự an toàn của học sinh. Các đơn vị trường học cũng được yêu cầu phải bảo đảm cơ sở vật chất, vệ sinh trường học và có kế hoạch dạy bù vào thời gian thích hợp, bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình, kế hoạch dạy học theo quy định.

ngap1-1602667506014.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân kiểm tra tình hình thiệt hại do thiên tai, ngập úng chiều 14-10. 

Trước tình hình mưa lớn còn tiếp diễn gây ngập úng diện rộng, trong buổi chiều 14-10, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cùng đoàn công tác của UBND tỉnh đã đi kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại hai huyện Trần Văn Thời và U Minh.

Ghi nhận bước đầu trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu bão trong nhiều ngày qua đã gây ngập sâu nhiều tuyến đường vùng nông thôn, khiến giao thông, đi lại của người dân hết sức khó khăn. Ngập úng nặng nhất tại các xã: Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Khánh Lộc, Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc và xã Trần Hợi. Qua thống kê bước đầu, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã có hơn 14.285 ha lúa hè thu bị ngập, đổ ngã; 552 ha lúa tôm bị ngập chìm trong nước và 26,5 ha hoa màu bị ngập úng, hai nhà dân bị sập.

Trong khi đó, tình hình ngập úng diễn ra diện rộng trên địa bàn TP Cà Mau - đô thị trung tâm của tỉnh. Phần lớn các tuyến đường bị ngập sâu, nước tràn vào nhà dân khiến việc buôn bán, sinh hoạt bị đảo lộn. Chính quyền thành phố phải cắt cử lực lượng rà soát và cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại những nơi nước ngập sâu làm hư hỏng đường xá, nhằm hạn chế tình trạng người tham gia giao thông gặp nguy hiểm. 

ngap11-1602667506495.jpg
Lực lượng chức năng gia cố chân đê biển tây bị sạt lở, đoạn thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh.  

Trong khi tại các vùng nông thôn của tỉnh, người dân được khuyến cáo chủ động gia cố đê bao để hạn chế tình trạng thất thoát vật nuôi do ngập úng. Còn tại khu vực đê biển tây của tỉnh, cơ quan chức năng đã huy động thiết bị, máy móc và nhân lực túc trực tại những đoạn xung yếu để gia cố chân đê, không để đê biển bị vỡ.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Cà Mau tiếp tục có mưa ròng rã không dứt, dự báo tình hình ngập úng sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, việc tiêu thoát nước hiện đang gặp rất nhiều trở ngại, một mặt do hạ tầng thoát nước không bảo đảm và do mực nước dưới sông, trong kênh, rạch… hiện cao bằng hoặc cao hơn phía bên trong.