KỲ TÍCH NUÔI SỐNG THAI NHI CHỈ NẶNG 400GR
Ở tuần thai 19, sản phụ T. được chẩn đoán cạn ối. Sau nhiều lần truyền ối không thành công, ở tuần 26, các bác sĩ phải quyết định cân não “đưa” em bé B.A ra ngoài.
Sau khi chào đời, B.A không cất tiếng khóc, suy hô hấp, da tím tái, người chỉ còn da bọc xương do suy dinh dưỡng bào thai. Nhưng phép màu đã đến sau 20 phút tích cực bóp bóng hồi sức của y, bác sĩ. B.A có phản xạ tay chân, mở mắt. 20 phút trôi qua, T. nghe tiếng các y, bác sĩ báo em bé có dấu hiệu sự sống, cơ thể hồng hào trở lại, có thể tự thở được.
Bé B.A chào đời chỉ nặng 400g, cơ thể suy dinh dưỡng. |
Hành trình nuôi dưỡng, cho B.A cơ hội sống lần nữa vô cùng khó khăn khi bé liên tục nhiễm trùng, truyền máu...
B.A bước sang tháng thứ 2 khỏe mạnh, các y, bác sĩ mới dám thở phào nhẹ nhõm, mới nhìn thấy hy vọng sự sống đến gần hơn. Trong hành trình ấy, thai nhi đã thực sự là một chiến binh.
Với việc làm chủ nhiều kỹ thuật mới trong chăm sóc thai kỳ, chăm sóc thai nhi đẻ non, B.A là thai nhi non tháng nhất, nhẹ cân nhất tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được nuôi sống kỳ tích.
LẬP BÀN MỔ KHẨN CẤP, CỨU EM BÉ TIM ĐẬP 2 NHỊP KHÁC NHAU
Bé M.A được phát hiện bị rối loạn nhịp tim thai, tim đập rời rạc 60 lần/phút, thấp hơn 2-3 lần so với nhịp tim bình thường ở tuần thai 22. M.A gặp rất nhiều vấn đề của thai nhi khi còn nằm trong bụng mẹ gồm chậm phát triển trong tử cung, tim to, tràn dịch màng ngoài tim số lượng nhiều, có tình trạng block nhĩ thất cấp độ III.
Ngày 10/10, sau nhiều cuộc hội chẩn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thiết lập khẩn cấp trong 16 giờ một bàn mổ tim, đòi hỏi yếu tố vô trùng rất cao để cứu sống bằng được thai nhi. Hai cuộc phẫu thuật lấy thai và đặt máy tạo nhịp tim ngay tại phòng sinh đã được các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện nối tiếp nhau.
Ngay khi chào đời, nhịp tim của em bé rất thấp khoảng 50 lần/phút, trong quá trình hồi sức nhịp thất có khi xuống 35 lần/phút, hạ đường huyết, huyết động không ổn định.
Ê-kíp phẫu thuật Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời để cấp cứu cho bé M.A. Một tiếng đồng hồ ở phòng mổ tim nhi, mọi thứ đều khẩn trương khi em bé sơ sinh được cưa xương ức để đặt máy tạo nhịp tạm thời thành công.
Sau đó, bé M.A được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục chăm sóc, điều trị tích cực rối loạn chức năng các cơ quan, điều trị nhiễm trùng, thở máy và hỗ trợ vận mạch.
Giáo sư Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhấn mạnh, với việc làm chưa có tiền lệ đã giúp cứu được đứa trẻ sơ sinh có cơ hội sống. Với sự quyết tâm cao, sự cố gắng của cả đội ngũ bác sĩ sản khoa và nhi khoa đã mở ra trang mới trong chương trình sàng lọc chẩn đoán trước sinh, phát hiện bệnh sớm và cứu trẻ sơ sinh có bệnh lý cần can thiệp.
LẦN ĐẦU TIÊN GHÉP GAN KHÔNG CÙNG NHÓM MÁU CHO TRẺ EM
Ngày 30/10/2023, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành thành công ca ghép gan không cùng nhóm máu giữa người cho là bà nội và người nhận gan cháu gái 15 tuổi. Tuy nhiên, bà và cháu lại không cùng nhóm máu (bất đồng nhóm máu ABO).
Tại Việt Nam, ghép tạng từ nguồn cho bất đồng nhóm máu ABO đã được thực hiện trên bệnh nhân ghép thận và trên nhóm ghép gan ở trẻ nhỏ, tuy nhiên chưa được thực hiện trong ghép gan ở người trưởng thành.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Thành, điểm khác biệt của ca ghép gan bất đồng nhóm máu là trước ghép 3 tuần, bệnh nhân được đánh giá hiệu giá kháng thể nhóm máu của người hiến sau đó sẽ điều chỉnh hiệu giá kháng thể, điều trị giải mẫn cảm bằng thuốc ức chế miễn dịch retuximab kết hợp với lọc huyết tương để đưa nồng độ kháng thể nhóm máu của người hiến xuống 1/16 thì sẽ tiến hành ghép. Về mặt kỹ thuật cũng giống như các ca ghép gan bình thường.
Sau quá trình chuẩn bị trước ghép tích cực, kíp ghép gan tiến hành phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan ghép phải từ người cho sống để tiến hành ghép gan cho nữ bệnh nhân. Sau 8 giờ đồng hồ, ca ghép gan được thực hiện thành công. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản ngay tại phòng mổ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Thành, Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, hiện nay, có những loại thuốc điều chỉnh ức chế miễn dịch và có thể điều trị cho bệnh nhân bất đồng nhóm máu. Kết quả bệnh nhân sống sau 5 năm tương đương với nhóm bệnh nhân đồng nhóm máu.
Phương pháp này mang lại ưu điểm là tăng được nguồn hiến tạng mà người hiến đồng nhóm máu không đủ. Đây là ca ghép ghi dấu mốc ca ghép gan thứ 200 tại cơ sở y tế này.
KỸ THUẬT ĐỈNH CAO GIÚP BỆNH NHI ĐỘNG KINH LOẠI BỎ BỆNH TẬT
Với mong muốn tiếp tục cải thiện điều trị bệnh nhân động kinh kháng trị, Trung tâm thần kinh, Bệnh viện Nhi trung ương cùng đoàn chuyên gia phẫu thuật động kinh của Bệnh viện trẻ em Alabama (Hoa Kỳ) cùng phối hợp thực hiện phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh trong tháng 9.
Theo các chuyên gia đến từ Mỹ, đây là kỹ thuật phức tạp liên quan nhiều vùng chức năng giải phẫu, cũng như tâm sinh lý của bệnh nhân sau mổ.
Các bác sĩ sẽ tiến hành 2 bước. Bước đầu tiên, các bác sĩ sẽ mở sọ xác định vùng gây động kinh trước bằng MRI, PET, sau đó mở hộp sọ đặt điện cực dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị.
Sau thời gian theo dõi, xác định rõ vùng động kinh, các chuyên gia thảo luận đưa ra quyết định cắt hết vùng động kinh không gây tổn hại chức năng và vận động cho trẻ.
Tại các trung tâm phẫu thuật thần kinh ở Mỹ và châu Âu, kỹ thuật này giúp phẫu thuật viên, bác sĩ nội khoa quyết định chính xác cắt vùng tổn thương một cách tuyệt đối, hoàn toàn không phải dùng thuốc chống động kinh sau mổ. Tại Việt Nam, Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện phẫu thuật bằng kỹ thuật mới này.
Bệnh nhi cử động sau phẫu thuật, không còn những biểu hiện bất thường của bệnh động kinh. |
Bước tiến bộ trong thực hiện phẫu thuật này sẽ giúp nhóm phẫu thuật động kinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương giải quyết được các ca bệnh khó của nhóm bệnh lý động kinh phức tạp, cũng chính là cải thiện hiệu quả điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân động kinh kháng trị và gia đình.
Khi Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện kỹ thuật này thành công sẽ nâng tầm kỹ thuật phẫu thuật động kinh nói riêng và phẫu thuật thần kinh nói chung của Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.
Tại Mỹ, riêng tiền phẫu thuật là 150 nghìn USD chưa kể chi phí cho quá trình điều trị và thuốc, do đó không thể sớm áp dụng đại trà.
LẦN ĐẦU TIÊN THÀNH CÔNG TRONG GHI HÌNH PET/CT VỚI 2 LOẠI THUỐC PHÓNG XẠ MỚI
Ngày 7/11, Khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam pha chế thành công và đưa 2 loại thuốc Ga-68 PSMA trong ung thư tuyến tiền liệt và Galium-68 Dotatate (Ga-68 Dotatate) trong u thần kinh nội tiết giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh.
Sau gần một tháng áp dụng ghi hình PET/CT với Ga-68 PSMA cho 12 trường hợp ung thư tuyến tiền liệt và PET/CT với Ga-68 Dotatate cho 9 trường hợp u thần kinh nội tiết, kết quả cho thấy tính hiệu quả của 2 kỹ thuật này trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh.
Thực hiện ghi hình PET/CT với 2 loại thuốc phóng xạ mới trong chẩn đoán theo dõi điều trị ung thư tuyến tiền liệt và u thần kinh nội tiết. |
Với việc pha chế thành công 2 loại thuốc Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate, Khoa Y học hạt nhân bệnh viện Chợ Rẫy đã đem đến nhiều cơ hội cho người bệnh trong nước, giúp người bệnh có thể tiếp cận phương pháp kỹ thuật mới tiến trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như tiết kiệm nhiều chi phí cho người bệnh.
LẦN ĐẦU TIÊN ĐIỀU TRỊ THÀNH CÔNG CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ HẠCH KHÁNG TRỊ
Tháng 7/2023, lần đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp thực hiện hai kỹ thuật cao, chuyên sâu là phương pháp ghép tế bào gốc đồng loại và phương pháp xạ trị toàn thân điều trị thành công cho một bệnh nhân 46 tuổi bị ung thư hạch tái phát lần 3 và kháng trị với nhiều phác đồ điều trị.
Bệnh nhân là N.H.O (46 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) đến khám tại bệnh viện vào tháng 7/2022. Khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân với chẩn đoán mắc khối u lympho có kích thước khoảng 15cm tái phát, kháng trị với nhiều phác đồ điều trị trước đó.
Bệnh nhân được áp dụng phác đồ điều trị với 3 ngày liên tục xạ trị toàn thân, mỗi ngày 2 lần. |
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, với vai trò tiên phong phối hợp đồng thời 2 kỹ thuật cao, chuyên sâu để điều trị thành công cho bệnh nhân bị ung thư hạch, bệnh viện đã mở ra cơ hội cho các bệnh nhân ung thư. Bởi phương pháp này ít tác dụng phụ, ít biến chứng và thời gian nằm viện cũng ngắn hơn.
LẦN ĐẦU TIÊN THAY VAN TRONG VAN ĐỘNG MẠCH CHỦ
Viện Tim mạch Việt Nam (Hà Nội) là trung tâm đầu tiên trên cả nước thực hiện một cách độc lập kỹ thuật TAVI với van trên bóng.
Ngày 18/10, bệnh nhân nam 82 tuổi suy tim nặng, viêm phổi nặng, phải đặt nội khí quản đã được các bác sĩ Viện Tim Mạch Việt Nam can thiệp thay van trong van qua đường ống thông. Đây là một trường hợp khá đặc biệt trong thực hành lâm sàng.
Các chuyên gia thảo luận, trao đổi trong quá trình thực hiện ca can thiệp. |
Bệnh nhân đã được làm thủ thuật thay van động mạch chủ qua đường ống thông (gọi tắt là TAVI) đầu tiên của Viện Tim mạch Việt Nam (tháng 3/2014). Gần đây, bệnh nhân suy tim nặng, van sinh học đã thoái hóa nặng, hở nhiều, buồng tim giãn.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định, việc thay van lại cho bệnh nhân là chỉ định bắt buộc và tình trạng của bệnh nhân không cho phép mổ tim mở nên việc thay lại van qua đường ống thông van - trong - van (TAVI V-i-V) là chỉ định tối ưu nhất.
Kíp thủ thuật của Viện đã tiến hành một cách thành thạo trong khoảng thời gian 30 phút tính từ lúc chọc mạch đùi. Bệnh nhân chỉ cần gây ngủ và tỉnh ngay sau thủ thuật.
Đây là ca TAVI-in-TAVI lần đầu tiên ở Việt Nam. Kỹ thuật thành công mở nhiều cơ hội cho bệnh nhân mắc bệnh lý Việt Nam.